congsau

CỔNG SAU

      Trong những ngày cuối năm, Giang luôn ngồi bó gối, im lặng như  một pho tượng, nhìn mông lung vào trong khỏang không, đầu óc cứ mụ đi nhưng chẳng nghĩ ngợi được một điều gì. Thoảng có một chiếc xe ngang qua làm Giang bừng tỉnh, quá khứ lần lượt hiện ra như những thước phim diễn ra trên màn ảnh. Giang mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống trong cô nhi viện, nhận tình thương từ  các bà sơ, một thứ tình thương tuy đủ, nhưng vẫn luôn luôn thiếu thốn, cái thiếu thốn không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ. Giang chỉ kết thân với một bạn gái cùng trang lứa trong cùng một lớp. Kỷ luật của cô nhi viện không cho phép họ tâm sự với nhau nhiều bằng lời nói, nhưng họ luôn hiểu nhau qua ánh mắt. Tình cảm của hai người cùng lớn dần theo tuổi tác năm tháng. Ngày Giang học hết chương trình phổ thông cũng là ngày phải rời khỏi cô nhi viện. Nhờ có năng khiếu hội họa nên Giang được các sơ thu xếp vào làm việc tại một xưởng vẽ của một họa sĩ đã thành danh, bước đầu làm việc trong xưởng vẽ là những ngày tự do phơi phới đầu đời, đã làm cho Giang thích nghi và không có gì phải phàn nàn .

Một ngày chủ nhật được nghỉ việc, Giang trở lại cô nhi viện thăm các sơ nhưng chủ ý chính là gặp lại Loan, người bạn gái cùng lớp nhưng đến nơi mới biết Loan cũng đã rời khỏi nơi đây, hỏi thăm mãi Giang mới kiếm được nơi làm việc của Loan, đó là một tiệm may y phục phụ nữ. Từ đó chủ nhật nào họ cũng gặp nhau để rồi một năm sau họ làm đám cưới .

    Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ tĩnh lặng như một dòng sông êm đềm. Vài năm sau, nhờ biết tích lũy họ mua được căn nhà nhỏ. Đột nhiên có tiếng trẻ con khóc từ trong nhà vọng ra cắt đứt những suy nghĩ miên man, đó là tiếng khóc của hai đứa trẻ sinh đôi con chung của hai người, nay đã được hai tháng. Hai đứa đều là con trai thật dễ thương, là nguồn vui lớn lao của hai vợ chồng, nhưng không phải là không có những khó khăn phiền phức. Giang nhận ra rằng, tất cả những diễn biến trong sự sống của hai đứa trẻ đều xẩy ra cùng một lúc, khóc cùng khóc, đòi ăn cùng đòi, thậm chí cả việc bài tiết cũng cùng xẩy ra một lúc, rồi những lúc tiết trời trở gió, chúng cùng quấy nhiễu làm cả hai vợ chồng mệt nhoài.

     Họa vô đơn chí, xưởng vẽ của ông họa sĩ không có việc nên Giang đành tạm nghỉ để chăm sóc vợ con .Đến bây giờ anh mới thấy lo sợ cho tương lai, cơm, áo, gạo, tiền luôn là những bức xúc khiến anh chìm vào cõi mông lung triền miên không dứt. Làm gì bây giờ để nuôi vợ nuôi con? Nóng lòng trước sự bế tắc, Loan mặc dầu sinh nở còn non ngày, đã phải cặm cụi trên chiếc máy khâu làm Giang càng xót xa thương vợ và giận mình bất lực yếu kém. Vấn đề cần giải quyết của Giang là làm bất cứ việc gì lúc này miễn có tiền là được. Nghề nghiệp chuyên môn không có, còn đi học một cái nghề lúc này thì không kịp. Một ý tưởng lóe lên trong đầu : chạy xe ôm. Đúng, nghề này không cần học, chỉ cần có cái xe là được, mà xe thì anh đã có sẵn. Thế là Giang đi lân la làm quen với một vài người đang chạy xe ôm. Chỉ sau một vài chầu cà phê, Giang đã kịp trang bị cho mình một mớ kiến thức mà theo ý anh là quá đủ trong nghề xe ôm. Cái nghề này anh chỉ thấy có mỗi một mối đe dọa là gặp phải tụi lưu manh nó lừa mất xe, có khi mất mạng chứ chả chơi. Để tránh xui xẻo, anh sẽ kiếm khu vực nhà thờ nào đó, khách thì anh cũng kén chọn mới chở. Sau khi bàn bạc với vợ, anh mang xe ra nhà thờ Huyện Sĩ làm nơi xuất phát .

Ở đây cũng có những người chạy xe ôm như Giang, bắt chuyện với họ thì họ cũng nói như những gì mà anh đã biết, có điều họ trong nghề lâu ngày hơn nên có mối lái khách quen, vì thế chỉ một lúc sau là họ đều có khách, riêng anh thì chưa có mối lại không dám mời chào lung tung sợ gặp bọn lưu manh thì khốn. Chợt anh thấy có một ông cha người ngoại quốc, tóc vàng, mắt xanh, mũi cao, anh nhủ thầm chắc là một Cha Cố người Tây, mình thử chào ông, biết đâu may ra được thì chắc ăn không sợ bị lừa, ông lại là người ngoại quốc, có khi ông trả  bằng tiền “Đô” không chừng. Và để gây thiện cảm anh cố gắng ôn lại mớ tiếng Pháp “ăn  đong” từ ngày còn đi học nay còn rơi rớt lại:

- Où allez vous ?

  Vị cố Tây vẫn rảo bước, anh nghĩ bây giờ tiếng Anh thông dụng trên khắpthế giới, chắc chắn cha phải biết tiếng Anh, thế là Giang lại cố lẩm nhẩm sắp xếp một câu tiếng Anh, chỉ sợ mình nói xong ông cố Tây nói lại mà không hiểu gì thì chết, nhưng bí quá anh cứ nói liều

- Where do you go ?

  Vẫn một sự thinh lặng, vị linh mục cứ rảo bước như không nghe thấy gì. Tiếng Anh, tiếng Pháp mình đã xổ ra hết mà ông ấy vẫn không hiểu thì mình còn biết làm thế nào, ca đầu tiên mà bị thất bại thì còn làm ăn gì được. La tinh, ừ đúng rồi, các cố đạo là phải biết La Tinh, anh thầm cảm phục vì cái sự nhanh trí của mình :

- Quo Vadis ?

- Quả nhiên tiếng La tinh rất thần hiệu, sau khi cố gắng lắm anh mới nhớ được câu đó, như tưởng thưởng cho sự cố gắng của Giang, ông cố Tây nhìn anh mỉm cười

- Làm ớn, cho Cha đến Mái Khôi nhà thơ, Tu xướng đướng…

Thì ra ông cố Tây này biết nói tiếng Việt, nhưng là thứ tiếng Việt của người ngoại quốc, tức là nói ngược, biết thế lúc nãy mình nói tiếng Việt thì khỏi mất công .

Xe chạy bon bon, lòng Giang phơi phới, thầm nghĩ chắc ông cố Tây này giàu có chẳng cần hỏi han giá cả, đi là đi, bao nhiêu mà chả được. Khi đến nơi, ông cố Tây bước xuống xe, miệng cười tươi nhìn Giang, ông cố lại còn chìa tay ra bắt tay anh thật là lịch sự, người Tây có khác

  • Cha cám ơn con, đợi sau Chúa trả công

Giang vui vẻ vội vã vòng xe ra cổng sau đứng đợi, miệng lẩm bẩm : người nước ngoài học tiếng Việt có lẽ khó khăn nhất là nói xuôi. Tuy nghĩ thế nhưng trong lòng thì hồi hộp không biết ông cố trả cho mình bao nhiêu ? Bảo mình đợi ở cổng sau thế này chắc phải trả cho mình món kha khá nên mới không mang sẵn trong người. Tiền Đô hay tiền Việt? Không biết giá Đô hôm nay bao nhiêu? Bao nhiêu là câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu Giang .

Đợi lâu quá, anh xuống xe, dựng chân chống, châm một điếu thuốc cho lên tinh thần, hút thuốc ở đây thì thoải mái không như ở nhà, vợ anh hay cằn nhằn mỗi khi anh châm điếu thuốc, còn ở đây hút thuốc chả làm ai khó chịu, lại khỏi phải trông con mà còn có tiền nữa. Ôi xe ôm! Xe ôm muôn năm !

Thế rồi anh lại đợi, lâu lâu anh lấp ló ở cánh cổng để nhìn vào bên trong. Người gác cổng thấy thế, chắc tưởng anh là kẻ gian nên ra hỏi .

- Có việc gì mà anh cứ lấp la lấp ló ở đây từ nãy tới giờ ?

-  Lúc nãy tôi có chở một ông cố Tây từ nhà thờ Huyện sĩ về đây, ông này biết nói tiếng Việt nhưng chỉ tội hay nói ngược, ví dụ  nhà thờ Mai Khôi thì ông nói là ”Mai Khôi nhà thờ”, đường Tú Xương thì ông nói là “Tú Xương đường” và đợi Cha ở cổng sau thì ông ấy nói là “đời sau Chúa trả công”, cho nên tôi đang đợi ông ấy trả tiền .

Nghe anh nói người gác cổng cố nhịn cười và hỏi anh:

-   Chắc anh là dân mới chạy xe ôm ?

-   Đúng vậy, hôm nay là hôm đầu tiên ngày khai trương và ông cố Tây này là vị khách hàng đầu tiên của tôi .

Thôi, anh khỏi chờ cho mất công, nếu có mối nào khác anh cứ chạy đi, còn cái ông cố Tây mà anh chở lúc nãy là một linh mục dòng khó khăn ,ông không có tiền bạc gì hết, dân xe ôm ai cũng biết và toàn chở giúp thôi. Còn về tiếng Việt, hai câu trước thì cố nói ngược thật, nhưng câu sau cố nói đúng đó, không có ngược đâu .

Vừa lúc đó có một ông thầy từ trong đi ra, anh gác cổng mau mắn hỏiSao thầy bảo đi sang văn phòng nhà thờ Tân Định mà vẫn chưa đi được à ? Có xe ôm đây thầy có đi bây giờ không ?

Thế là may mắn lại mỉm cười với Giang được cuốc xe ôm đầu tay rất an toàn.

Ngộ Lang