I

 

PHẦN I : ĐỌC SỨ ĐiỆp MÙa Chay 2012 cỦa ĐỨc ThÁnh Cha BÊ-nÊ-Đic-tÔ XVI

 

“Chúng ta hãy quan tâm đối với nhau, để khích lệ nhau trong đức bác ái và các công việc lành” (Dt 10,24).

 

Anh chị em,

Một lần nữa Mùa Chay cống hiến cho chúng ta cơ hội suy tư về nòng cốt đời sống Ki-tô, đó là đức bác ái. Thực vậy, đây là thời kỳ thuận tiện để, nhờ sự trợ giúp của Lời Chúa và các Bí Tích, chúng ta đổi mới hành trình đức tin, trên bình diện bản thân cũng như cộng đồng. Đây là một hành trình được đánh dấu bằng kinh nguyện và chia sẻ, thinh lặng và chay tịnh, trong khi chờ đợi niềm vui Phục Sinh.

Năm nay, tôi muốn đề nghị một vài suy tư dưới ánh sáng một văn bản ngắn của Kinh Thánh rút từ Thư gửi Tín Hữu Do-thái: “Chúng ta hãy quan tâm đối với nhau để khích lệ nhau trong đức bác ái và trong việc lành” (10,24). Đây là một câu được đưa vào một đoạn văn trong đó tác giả Sách Thánh nhắn nhủ hãy tín thác nơi Chúa Giê-su Ki-tô như vị Thượng Tế, Đấng đã đạt cho chúng ta ơn tha thứ và dẫn đến Thiên Chúa. Thành quả việc đón nhận Chúa Ki-tô là một đời sống được phát triển theo 3 nhân đức hướng thần, đó là: tiến đến gần Chúa “với con tim chân thành trong sự viên mãn của đức tin” (c.22), giữ vững “việc tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta” (c.23) luôn chú ý thi hành “đức bác ái và các việc lành” (c.24) cùng với các anh em khác. Đoạn này cũng khẳng định rằng để nâng đỡ cách cư xử theo tinh thần Tin Mừng như thế, điều quan trọng là tham dự các buổi gặp gỡ phụng vụ và cầu nguyện của cộng đoàn, hướng nhìn về mục tiêu mai hậu là sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa (c.25). Tôi dừng lại ở câu 24: qua vài chữ, câu này cống hiến một giáo huấn quí giá và luôn thời sự về 3 khía cạnh của đời sống Ki-tô, đó là quan tâm đến tha nhân, tính chất hỗ tương và sự thánh thiện bản thân.

 

1. “Chúng ta hãy quan tâm”: trách nhiệm đối với người anh em.

Yếu tố đầu tiên là lời mời gọi “hãy quan tâm”, hãy chú ý: động từ Hy-lạp dùng ở đây là Katanoein, có nghĩa là quan sát kỹ lưỡng, chú ý, nhìn một cách ý thức, nhận thức một thực tại. Chúng ta thấy động từ này trong Tin Mừng, khi Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ hãy “quan sát” chim trên trời, tuy không làm việc vất vả, nhưng chúng vẫn được Chúa Quan Phòng ân cần chăm sóc (x. Lc 12,24), và hãy “nhận ra” cái xà trong mắt mình trước khi nhìn thấy cọng rơm trong mắt của người anh em (x. Lc 6,41). Chúng ta cũng thấy động từ ấy trong một đoạn khác của Thư gửi Tín hữu Do- thái, như lời mời gọi hãy “chú ý đến Chúa Giê-su” (3,1), là tông đồ và là thượng tế của đạo chúng ta. Vì thế, động từ mở đầu lời nhắn nhủ chúng ta, mời gọi hãy chăm chú nhìn người khác, trước tiên là nhìn Chúa Giê-su, và chú ý đối với nhau, đừng tỏ ra là người xa lạ với nhau, đừng dửng dưng về số phận của các anh em. Thực tế, ta thường thấy trái độ trái ngược: dửng dưng, không tha thiết, những thái độ này nảy sinh từ lòng ích kỷ, được che đậy bằng cái vẻ “tôn trọng đời tư của người khác”. Ngày nay, tiếng Chúa cũng vang dội mạnh mẽ kêu gọi mỗi người chúng ta trở thành những người canh giữ anh em mình (x. St. 4,9), thiết lập những quan hệ ân cần đối với nhau, quan tâm đến thiện ích của tha nhân và của mọi người. Đại giới răn yêu thương tha nhân đòi hỏi và yêu cầu chúng ta hãy ý thức mình có trách nhiệm đối với những người là thụ tạo và là con Thiên Chúa, giống như ta: là anh em với nhau trong tư cách là người, và trong nhiều trường hợp, là anh em đồng đạo với nhau, phải làm cho chúng ta nhìn thấy nơi tha nhân như một bản thân khác của mình, được Chúa yêu thương vô biên. Nếu chúng ta vun trồng cái nhìn này về tình huynh đệ, liên đới, công bằng, thì lòng từ bi và cảm thông sẽ tự nhiên nảy sinh từ con tim chúng ta. Vị Tôi Tớ Chúa Phao-lô VI đã khẳng định rằng thế giới ngày nay đau khổ nhất là vì thiếu tình huynh đệ: “Thế giới bệnh hoạn. Bệnh của thế giới này không phải do sự phung phí tài nguyên hoặc vì một số người vơ vét của cải, nhưng là do sự thiếu tình huynh đệ giữa con người và các dân tộc với nhau” (Thông điệp «Phát triển các dân tộc» ngày 26/3/1967, số 66).

Sự quan tâm đến người khác bao gồm ước muốn cho họ điều thiện hảo, dưới mọi khía cạnh: thể lý, luân lý và tinh thần. Nền văn hóa hiện đại dường như đã đánh mất ý thức thiện và ác, giữa lúc cần phải tái mạnh mẽ khẳng định rằng sự thiện hiện hữu và chiến thắng vì Thiên Chúa là “Đấng tốt lành và làm điều thiện” (Tv 119,68). Sự thiện là điều khơi dậy, bảo vệ và thăng tiến sự sống, tình huynh đệ và hiệp thông. Trách nhiệm đối với tha nhân như thế có nghĩa là muốn và làm điều thiện cho họ, mong ước họ cũng được cởi mở đối với tiêu chuẩn điều thiện; quan tâm đến anh em có nghĩa là mở rộng đôi mắt trước những thiếu thốn của họ. Kinh Thánh cảnh giác về nguy cơ con tim chai đá, không còn nhạy cảm về tinh thần, làm cho ta mù quáng trước những đau khổ của tha nhân. Thánh Lu-ca thánh sử kể lại hai dụ ngôn của Chúa Giê-su trong đó có trình bày hai thí dụ về tình trạng như thế có thể xảy ra trong tâm hồn con người. Trong dụ ngôn người Sa-ma-ri-ta-nô nhân lành, vị tư tế và thầy Lê-vi “đi tránh qua bên kia”, dửng dưng đối với người bị cướp bóc lột và đánh đập (x. Lc 10,30-32), và trong dụ ngôn người giàu sụ, người này đầy ứ của cải nên không nhìn thấy thân phận của ông La-gia-rô nghèo khổ chết đói trước cửa nhà ông (x. Lc 16,19). Trong cả hai trường hợp chúng ta thấy thế nào điều là trái ngược với sự “quan tâm”, với cái nhìn yêu thương và cảm thông. Điều gì ngăn cản cái nhìn nhân đạo và yêu thương như thế đối với người anh em? Thường thường đó là sự giàu có vật chất và sự quá đầy đủ, nhưng cũng có thái độ đặt tư lợi và những bận tâm của mình lên trên hết. Không bao giờ chúng ta được thiếu khả năng “có lòng từ bi” đối với người đau khổ: không bao giờ con tim chúng ta được phép bị mất hút trong những sự vật và các vấn đề của mình đến độ trở nên điếc đối với tiếng kêu của người nghèo. Trái lại, chính tâm hồn khiêm tốn và kinh nghiệm bản thân về đau khổ có thể tỏ ra là nguồn mạch sự thức tỉnh nội tâm về sự cảm thông và thương cảm: “Người công chính nhìn nhận quyền của người lầm than, trái lại kẻ gian ác không nghe tiếng nói của lý trí” (Cn 29,7). Như thế ta hiểu hạnh phúc “của những người khóc lóc” (Mt 5,4), nghĩa là những người có khả năng ra khỏi chính mình để cảm động trước đau khổ của tha nhân. Gặp gỡ với tha nhân và mở rộng con tim đối với nhu cầu của họ chính là một cơ hội để được cứu độ và hạnh phúc thật.

Sự “quan tâm” đến người anh em như thế cũng bao gồm sự ân cần đồi với thiện ích thiêng liêng của họ. Và ở đây, tôi muốn nhắc nhớ một khía cạnh của đời sống Ki-tô giáo mà tôi thấy dường như bị lãng quên: đó là sự sửa lỗi huyhnh đệ nhắm đến sự sống đời đời. Nói chung ngày nay người ta rất nhạy cảm đối với những bài nói về sự chăm sóc và tình bác ái đối với thiện ích thể lý và vật chất của tha nhân, nhưng người ta lại hầu như hoàn toàn im lặng về trách nhiệm tinh thần đối với anh em mình. Trong Giáo Hội sơ khai và trong các cộng đoàn thực sự trưởng thành trong đức tin không có thái độ như thế; trong các cộng đồng ấy người ta không những quan tâm đến sức khỏe thể xác của người anh em, nhưng cả sức khỏe tâm hồn của người ấy nữa. Trong Kinh Thánh chúng ta đọc thấy rằng: “Hãy khiển trách người khôn ngoan và họ sẽ biết ơn bạn. Hãy khuyên bảo người khôn ngoan và họ càng khôn ngoan hơn; hãy dạy dỗ người công chính và họ sẽ gia tăng kiến thức” (Cn 9,8ss). Chính Chúa Ki-tô đã truyền phải chính đốn người anh em đang phạm tội (x. Mt 18,15). Động từ dùng để định nghĩa sự sửa lỗi huynh đệ - elenchein - cũng là động từ chỉ sứ vụ ngôn sứ tố giác của các Ki-tô hữu đối với một thế hệ chiều theo điều ác (x. Ep 5,11). Truyền thống của Giáo Hội đã liệt kê việc khuyên bảo tội nhân vào số những hành động từ bi về tinh thần (thương linh hồn bẩy mối). Điều quan trọng là phục hồi chiều kích này của đức bác ái Ki-tô. Không được im lặng trước sự ác. Ở đây tôi nghĩ đến thái độ của những tín hữu Kitô, vì tôn trọng người khác hoặc vì tiện ích, họ chiều theo não trạng chung, thay vì cảnh giác anh em mình về những lối suy nghĩ và hành động trái ngược với sự thật và không theo con đường sự thiện. Nhưng sự khiển trách theo tinh Ki-tô không bao giờ do sự thúc đẩy của tinh thần kết án hoặc trách cứ; nhưng luôn do sự thúc đẩy của tình thương và lòng từ bi, nảy sinh từ sự ân cần thực sự đối với thiện ích của người anh em. Thánh Phao-lô Tông Đồ quả quyết: “Nếu có người nào bất chợt bị bắt gặp phạm lỗi nào, thì anh chị em là những người có Thần Khi hãy sửa chữa họ với tinh thần dịu dàng. Và bạn hãy cảnh giác đối với chính mình để chính bạn khỏi bị cám dỗ” (Gl 6,1). Trong thế giới chúng ta bị thấm nhiễm xu hướng cá nhân chủ nghĩa, cần phải tái khám phá tầm quan trọng của sự sửa lỗi huynh đệ, để cùng nhau tiến bước về sự thánh thiện. Thậm chí “người công chính sa ngã 7 lần” (Cn 24,16) như Kinh Thánh đã nói, và tất cả chúng ta đều là người yếu đuối và thiếu sót (x. 1 Ga 1,8). Vì thế, thật là rất hữu ích khi giúp đỡ và để cho mình được giúp đỡ có cái nhìn chân thực về bản thân mình, để cải tiến chính cuộc sống của mình và tiến bước ngay thẳng hơn trên con đường của Chúa. Chúng ta luôn cần có một cái nhìn yêu thương và sửa chữa, nhận biết và nhìn nhận, phân định và tha thứ (x. Lc 22,61), như Thiên Chúa đã và đang làm với mỗi người chúng ta.


2. “Đối với nhau”: ơn hỗ tương với nhau”.

Sự “canh giữ” đối với tha nhân như thế tương phản với não trạng thu hẹp cuộc sống vào chiều kích trần thế, không để ý đến viễn tượng mai hậu và chấp nhận bất kỳ chọn lựa luân lý nào nhân danh tự do cá nhân. Một xã hội như ngày nay có thể trở nên điếc đối với những đau khổ thể lý cũng như những đòi hỏi tinh thần và luân lý của cuộc sống. Nhưng cộng động Ki-tô không thể như vậy! Thánh Phao-lô Tông đồ mời gọi tìm kiếm điều dẫn tới “hòa bình và xây dựng lẫn nhau” (Rm 14,19), giúp đỡ “tha nhân trong điều thiện để xây dựng họ” (Rm 15,2), không tìm tư lợi, “nhưng là lợi ích của nhiều người, để họ đạt tới ơn cứu độ” (1 Cr 10,33). Sự sửa lỗi và khuyên nhủ nhau trong tinh thần khiêm tốn và bác ái như thế phải là thành phần đời sống của cộng đoàn Ki-tô.

Các môn đệ của Chúa, kết hiệp với Chúa Ki-tô qua Thánh Thể, sống trong một sự hiệp thông liên kết họ với nhau như chi thể của cùng một thân mình. Điều này có nghĩa là tha nhân thuộc về tôi, cuộc sống, phần rỗi của họ liên hệ tới cuộc sống và phần rỗi của tôi. Ở đây chúng ta động chạm đến một yếu tố rất sâu xa của tình hiệp thông: cuộc sống của chúng ta có liên hệ tới cuộc sống của người khác, trong điều thiện cũng như trong điều ác; tội lỗi cũng như những việc lành bác ái đều có một chiều kích xã hội. Trong Giáo Hội, Nhiệm thể của Chúa Ki-tô diễn ra sự hỗ tương như thế: cộng đồng không ngừng làm việc thống hối và kêu cầu ơn tha thứ vì những tội lỗi của con cái mình, nhưng cũng luôn vui mừng hân hoan vì chứng tá nhân đức và bác ái được triển nở nơi mình. Thánh Phao-lô quả quyết “Các chi thể chăm sóc lẫn nhau” (1 Cr 12,25), vì chúng ta là một thân mình. Đức bác ái đối với anh em, như được diễn tả qua việc làm phúc - là việc thực hành tiêu biểu trong mùa chay, cùng với kinh nguyện và chay tịnh - ăn rễ sâu trong sự cùng thuộc về thân mình như vậy. Cả khi lo lắng cụ thể cho những người nghèo khổ nhất, mỗi tín hữu Ki-tô có thể biểu lộ sự tham phần của mình vào thân thể duy nhất là Giáo Hội. Quan tâm đến tha nhân trong tinh thần hỗ tương cũng là nhìn nhận điều thiện hảo mà Chúa làm nơi họ và cùng với họ cảm tạ vì những kỳ công ân phúc mà Thiên Chúa nhân lành và toàn năng tiếp tục thực hiện nơi các con cái của Ngài. Khi một Ki-tô hữu nhận thấy nơi tha nhận hoạt động của Chúa Thánh Linh, thì họ không thể không vui mừng vì điều đó và tôn vinh Chúa Cha trên trời (Xc Mt 5,16).


3. “Để khích lệ lẫn nhau trong đức bác ái và trong việc lành”: cùng nhau tiến bước trong sự thánh thiện.

Thành ngữ này của Thư gửi Tín hữu Do-thái (10,24) thúc đẩy chúng ta cứu xét ơn kêu gọi tất cả mọi người nên thánh, hành trình liên lỷ trong đời sống thiêng liêng, khao khát những đoàn sủng cao cả hơn và một đức bác ái ngày càng cao và phong phú hơn (x. 1 Cr 12,31-13-13). Sự quan tâm đối với nhau có mục đích là thúc đẩy nhau tiến đến một tình yêu thương thực sự hữu hiệu ngày càng mạnh mẽ hơn, “như ánh sáng bình minh gia tăng huy hoàng cho đến chiều” (Cn 4,18), trong khi chờ đợi sống ngày không bao giờ tàn trong Thiên Chúa. Thời gian được ban cho chúng ta trong cuộc sống thật là quí giá để khám phá và chu toàn việc lành, trong tình yêu Thiên Chúa. Như thế chính Giáo Hội tăng trưởng và phát triển để đạt tới sự trưởng thành trọn vẹn của Chúa Ki-tô (x. Ep 4,13). Chính trong viễn tượng tăng trưởng năng động như thế có lời chúng ta khuyên bảo và khích lệ nhau đạt tới tình yêu viên mãn và các việc lành.

Đáng tiếc là vẫn luôn có cám dỗ sống trong nguội lạnh, bóp nghẹt Thánh Linh, từ khước không làm sinh lợi những nén bạc đã được ban cho chúng ta để mưu ích cho bản thân và tha nhân (x. Mt 25,25ss). Tất cả chúng ta đã nhận
lãnh những phong phú tinh thần hoặc thể chất hữu ích để chu toàn kế hoạch của Chúa, để mưu ích cho Giáo Hội và phần rỗi bản thân (x. Lc 12,21b; 1 Tm 6,18). Các bậc thầy linh đạo nhắc nhớ rằng trong cuộc sống đức tin ai không tiến tức là lùi. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi luôn có tính chất thời sự, đó là hướng đến “mức độ cao của đời sống Ki-tô” (Gio-an Phao-lô II, Tông thư Ngàn Năm mới đang đến - 6/1/2001-, số 31). Sự khôn ngoan của Giáo hội - khi nhìn nhận và công bố chân phúc và sự thánh thiện của một số Kitô hữu gương mẫu-, cũng có mục đích khơi dậy ước muốn noi gương nhân đức của các vị. Thánh Phao-lô nhắn nhủ: “Anh chị em hãy thi đua quí chuộng lẫn nhau” (Rm 12,10).

“Đứng trước một thế giới đang đòi hỏi các tín hữu Ki-tô một chứng tá được đổi mới về tình yêu thương và lòng trung thành với Chúa, tất cả chúng ta cảm thấy sự cấp thiết phải nỗ lực thi nhau làm việc bác ái, phục vụ và làm việc lành (x. Dt 6,10). Lời kêu gọi này đặc biệt mạnh mẽ trong Mùa Chay Thánh chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh”. Với lời cầu chúc một Mùa Chay thánh thiện và phong phú, tôi phó thác anh chị em cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và thành tâm ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả mọi người.


Vatican ngày 3 tháng 11 năm 2011

Biển Đức 16, Giáo Hoàng

Lm Trần Đức Anh OP (chuyển ngữ)

 

 

PHẦN II: HIỂU VÀ SỐNG SỨ ĐiỆp MÙa Chay 2012 cỦa ĐỨc ThÁnh Cha BÊ-nÊ-Đic-tÔ XVI

 

1. hiểu Sứ Điệp Mùa Chay 2012 của Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI

1.1 Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô Đức XVI xây dựng Sứ Điệp Mùa Chay 2012 của ngài trên cơ sở Thánh Kinh là lời của Thánh Phao-lô Tông Đồ trong thư gửi tín hữu Do-thái, chương 10, các câu 22-24:

22 Vì thế, chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền 23 Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín. 24 Chúng ta hãy để ý đến nhau làm sao cho người này thúc đầy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt” (Dt 10,22-24).

Ba câu Thánh Kinh trên đề cập đến đời sống đức tin của người Ki-tô hữu với ba nhân đức đối thần là Tin, Cậy và Mến. 

 

1.2 Nhưng Đức Thánh Cha chỉ tập trung vào việc triển khai ý tưởng của câu 24 thuộc về đức Mến hay đức Ái mà thôi: 

«Chúng ta hãy để ý đến nhau làm sao cho người này thúc đầy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt.»

Câu Thánh Kinh trên cũng có thể dịch thành :

“Chúng ta hãy quan tâm đối với nhau, để khích lệ nhau trong đức bác ái và các công việc lành.

1.3 Sứ Điệp Mùa Chay 2012 của Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI gồm 3 phần:

1°) «Chúng ta hãy quan tâm: trách nhiệm đối với người anh em.»

2°) «Đối với nhau: ơn hỗ tương với nhau».

3°) «Để khích lệ lẫn nhau trong đức bác ái và trong việc lành: cùng nhau tiến bước trong sự thánh thiện.»

 

- Trước hết là việc “quan tâm hay để ý đến nhau: trách nhiệm đối với người anh em”

* Quan tâm hay để ý đến nhau là trách nhiệm của mọi Ki-tô hữu, chứ không phải là can thiệp vào đời tư của người khác.

* Quan tâm hay để ý đến nhau là nhìn vào Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta và học cách sống của Người: Người quan tâm, để ý đến hết mọi người trên mọi nẻo đường Người đi. 

* Quan tâm hay để ý đến nhau là sống mầu niệm Hội Thánh là gia đình của Thiên Chúa, Hội Thánh là Thân Thể Chúa Ki-tô: mọi người là anh chị em và là chi thể của nhau.

* Quan tâm hay để ý đến nhau bao gồm ước muốn và hành động giúp cho người xung quanh được thăng tiến về mặt vật chất cũng như tinh thần, về mặt văn hóa xã hội cũng như tâm linh.

* Quan tâm hay để ý đến nhau là chống lại lối sống “cá nhân chủ nghĩa” đầy ích kỷ của thời đại ngày nay.

* Quan tâm hay để ý đến nhau là cảm thông và nâng đỡ những anh chị em như người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu.

 

- Kế tiếp là «đối với nhau: ơn hỗ tương với nhau»

* Hỗ trợ nhau là thể hiện trách nhiệm và tình liên đới của các chi thể thuộc Thân Mình Chúa Ki-tô là Hội Thánh.

* Hỗ trợ nhau là thể hiện chiều kích hiệp thông của các Thánh (các Thánh cùng thông công).

* Hỗ trợ nhau là nhìn nhận sự hiện diện và hành động của Chúa Ki-tô và Thánh Thần nơi anh chị em của mình.

* Hỗ trợ nhau là khiêm nhường sửa lỗi cho nhau và chân thành khuyên nhủ nhau trong đời sống đức tin.

 

- Sau cùng là «để khích lệ lẫn nhau trong đức bác ái và trong việc lành: cùng nhau tiến bước trong sự thánh thiện.»

* Khích lệ nhau trong đức ái và trong việc lành là thúc đẩy nhau nên thánh là ơn gọi của mọi Ki-tô hữu.

* Khích lệ nhau trong đức ái và trong việc lành là làm cho các nén vàng nén bạc của Thiên Chúa sinh lời sinh lãi cho anh chị em mình và cho nhân loại.

* Khích lệ nhau trong đức ái và trong việc lành là giúp nhau đạt tới sự sung mãn hay hoàn hảo của Đức Ái  Ki-tô giáo.

* Khích lệ nhau trong đức ái và trong việc lành là giúp nhau làm chứng cho thế giới về tình yêu thương và lòng trung thành của các Ki-tô hữu đối với Thiên Chúa. 

 

2. Sống hay thực thi sứ điệp Mùa Chay 2012 của Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI

Để sống hay thực thi Sứ Điệp Mùa Chay 2012 của Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI thiết nghĩ

* Mỗi người/cộng đoàn cần phải chui ra khỏi vỏ ốc hay pháo đài mà quan tâm đến mọi người sống xung quanh, từ những người thân trong gia đình cho đến những người sống trong cùng khu phố/thôn xóm, những người cùng giáo xứ và những người cùng sinh hoạt trong hội đoàn, nhất là những người khó nghèo, những người bị thiệt thòi và những người yếu đuối.

àTrong thực tế, nhiều người/cộng đoàn đã thực hiện việc tốt lành này. Nhưng chúng ta cần phải tích cực và  dũng cảm  hơn nữa, vì xu hướng chung của con người ngày nay là “mackeno” (mặc kệ nó) và “đèn nhà ai nhà nấy rạng”.

 

* Mỗi người/cộng đoàn cần phải bỏ cách sống thờ ơ hay dửng dưng trước những gì đang diễn ra trong xã hội [tội ác và tệ nạn xã hội tràn lan, bất công và áp bức càng ngày càng tăng và đầy bạo lực, nghèo đói càng ngày càng mở rộng từ nông thôn đến thành thị, hố ngăn cách giầu nghèo càng ngày càng sâu] mà tích cực và chủ động dấn thân vào việc bảo vệ và bênh vực các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và những giá trị của nền văn minh Ki-tô giáo cũng là giá trị chung của nhân loại tiến bộ [yêu thương, chia sẻ, liên đới, tôn trọng sự sống và các giá trị tâm linh] 

 

àTrong thực tế không có nhiều người/cộng đoàn đã thực hiện được việc tốt lành này, vì thiếu xác tín, phương tiện và lòng dũng cảm, khi liên quan tới các vấn đề xã hội và đụng chạm tới những người có chức có quyền.

 

LỜI KẾT

Đức Phao-lô VI đã khẳng định rằng thế giới ngày nay đau khổ nhất là vì thiếu tình huynh đệ:

“Thế giới bệnh hoạn. Bệnh của thế giới này không phải do sự phung phí tài nguyên hoặc vì một số người vơ vét của cải, nhưng là do sự thiếu tình huynh đệ giữa con người và các dân tộc với nhau

(Thông điệp «Phát triển các dân tộc» ngày 26/3/1967, số 66).

Nhưng nhận định của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI là ở thời điểm 1967, tức cách đây 45 năm. Ngày nay chúng ta có thể quả quyết rằng: ngoài sự thiếu tình huynh đệ giữa con người với con người và giữa các dân tộc với nhau thì sự phung phí và tàn phá tài nguyên của một số người cũng như sự chiếm hữu tài nguyên cách bất công và bất chính của một thiều số người khác đã làm cho cả thế giới này mắc một chứng bệnh mãn tính và nan y.

Chỉ có bàn tay thần linh của Chúa Giê-su Ki-tô và của Thánh Thần Người mới chữa lành được cơn bệnh mãn tính và nan y ấy của loài người hôm nay. 

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Công ÐỒng Vatican II là

“Kim chỈ nam” cho thẾ kỶ XXI.

[Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II]

 

VATICAN CITY, Oct 13,2002 (Zenit). – Ðức Thánh Cha nhắc đến Công Đồng Vatican II như là giai đọan đầu tiên trong việc truyền giáo mới, là “kim chỉ nam” cho người Ki-tô hữu trong thế kỷ 21 này.

Ðức Thánh Cha đã nhận xét như vậy sau Thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Phê-rô, đánh dấu cuộc viếng thăm Ro-ma của Ðức Teoctist, Giáo Phụ Chính Thống Giáo Romania.

Trước khi đọc kinh Truyền Tin, Ðức Thánh Cha nhắc lại những khó khăn về việc hiệp thông giữa Chính Thống Giáo và Công Giáo mà Ðức Thánh Cha đã nghe biết khi ngài viếng thăm Romania năm 1999 vừa qua.

“Sự khao khát hiệp thông giữa những người Thiên Chúa giáo được đón nhận một cách nhiệt tình từ Công Đồng Vatican II. Một trong những tài liệu quan trọng, là sắc lệnh về vấn đề hiệp thông, “Unitatis Redintegratio” (Phục hồi việc hợp nhất).

Cuộc viếng thăm của Ðức Giáo Phụ Romania nhằm vào ngày kỷ niệm 40 năm Công Đồng Vatican II do Ðức Gio-an XXIII hiệu triệu.

Ðức Thánh Cha Gioan Phao-lô II nhắc lại là Ðức Gio-an XXIII đã khích lệ các Nghị Phụ hãy trung thành với Truyền thống Công Giáo, nhưng mặt khác làm thế nào để thích hợp với thời đại chúng ta.

Ðức Thánh Cha nói: «Một cách nào đó ngày 11 tháng 10 cách đây 40 năm đã đánh dấu một cách trọng thể và phổ quát sự khởi đầu cho công cuộc truyền giáo mới. Công Đồng đã đem đến một Mùa Xuân cho Giáo Hội mà kết quả đã phô bày vào Năm Thánh 2000.»

Sau cùng Ðức Thánh Cha mời gọi người tín hữu hảy đọc lại những tài liệu “vẫn giá trị và trong sáng”, ngưòi tín hữu nên thông biết và thu nhận những giá tri và những điều giáo huấn theo như truyền thống của Giáo Hội.

Trong những tài liệu đó người Ki-tô hữu sẽ tìm thấy “kim chỉ nam” hướng dẫn họ trên mọi nẻo đường của thế kỷ 21 chỉ vừa mới bắt đầu.

 

[Phó tế J.B. Huỳnh Mai Trác/ VietCatholic News 14/ 10/2002].


 


Công ÐỒng Vatican II

là CÔNG ĐỒNG VỀ GIÁO HỘI

 

I.- BỐI CẢNH LỊCH SỬ CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Bất cứ một biến cố đạo đời nào cũng có bối cảnh của nó. Công đồng Vatican II là một biến cố hết sức quan trọng không chỉ đối với Giáo hội mà với cả thế giới loài người nữa, nên Công đồng cũng có bối cảnh riêng của mình. Mặt khác khi nói đến bối cảnh lịch sử của Công đồng thì chúng ta không thể không nói đến Đức Thánh Cha Gioan XXIII, vị giáo hoàng đã được Thánh Linh linh ứng để triệu tập Công đồng, và những ước mơ của ngài trong công việc hệ trọng này.

1.1 Đức Gio-an XXIII: Đầu tháng 10 năm 1958, Đức Hồng Y Giáo Chủ Roncalli, 77 tuổi (sinh năm 1881) được bầu làm Giáo hoàng, làm cả Giáo hội và thế giới kinh ngạc. Dư luận chung đều cho rằng Đức Gioan XXIII chỉ đóng vai trò “chuyển tiếp” mà thôi, vì tuổi cao và lập trường cổ điển truyền thống của ngài. Nhưng điều ít ai ngờ nổi là chính vị Giáo hoàng gốc gác nông dân, đời sống bình dị ấy lại rất biết lắng nghe Chúa Thánh Thần. Và chính ngài đã nẩy ra ý và quyết định chuẩn bị, triệu tập và điều hành Công Đồng thứ 21 của Giáo Hội Công Giáo.

1.2 Bối cảnh lịch sử: Thoạt nhìn người ta có thể lầm tưởng là mọi chuyện đều rất tốt đẹp đối với Giáo Hội vào chính lúc mà Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII tiết lộ ý muốn triệu tập một Công Đồng Chung. Nhưng nếu nhìn sâu, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều vấn đề được đặt ra cho Giáo Hội. Chẳng hạn:

* Ngoài thế giới: hai cuộc chiến tranh thế giới 1914-1918 & 1939-1945 đã chia cắt thế giới làm nhiều khối thù địch nhau. Bộ mặt các quốc gia đã thay đổi lớn lao với tiến bộ khoa học, kỹ thuật, với các phong trào giải phóng. Bao vấn đề được đặt ra cho con người và có ảnh hưởng đến đời sống người Công giáo một cách sâu đậm.

 * Trong Giáo Hội: Công Đồng Vatican I đã bị ngưng lại cách đột ngột vì cuộc chiến tranh Pháp-Phổ, để lại một công việc dang dở. Đã có nhiều vị Giáo Hoàng nghĩ tới việc tiếp tục Công Đồng Vatican I nhưng vì hoàn cảnh này hoàn cảnh khác, chưa vị nào thực hiện được ước muốn đó. Ngoài ra các tiến bộ khoa học kỹ thuật ảnh hưởng sâu đậm đến các Phong Trào Canh Tân và Công Giáo Tiến Hành. Người tín hữu (kể cả giáo sĩ lẫn giáo dân) như trưởng thành hơn, cả về mặt nhận thức lẫn mặt dấn thân….khiến một thao thức lớn nẩy sinh trong lòng Giáo Hội. Thêm vào đó, sự chia rẽ giữa các Ki-tô hữu thuộc các Giáo Hội khác nhau đã là một vết đen lịch sử mà nhiều người mong xóa bỏ. Đó là bối cảnh của Công Đồng Vatican II.

1.3 Thánh Thần “linh ứng” việc triệu tập Công Đồng:

Trong những ghi chú cá nhân của Đức Gioan XXIII để lại, ý tưởng về Công Đồng đã xuất hiện ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ Giáo Hoàng của ngài. Ba tháng trôi qua trong cầu nguyện, suy tư và kín đáo tham khảo ý kiến.

Ngày 21 tháng 01 năm 1959 Đức Gioan XXIII nói chuyện với Hồng Y Tardini là Quốc Vụ Khanh, về tình trạng đầy lo âu cuả thế giới: bao nhiêu lời kêu gọi hòa bình, công lý không ngớt lặp đi lặp lại nhưng vẫn hoàn toàn vô vọng… Hội Thánh có thể làm gì để đem lại cho thế giới một tấm gương lớn về sự hòa hợp giữa con người thuộc mọi chủng tộc, văn hóa và giai cấp?…Và một từ ngữ chợt đến trên môi vị Giáo Hoàng: “một Công Đồng chăng?”Ngài chờ đợi từ phía vị Quốc Vụ Khanh của ngài một phản ứng lúng túng hoặc một chuỗi những vấn nạn….Thế nhưng ngài đã kinh ngạc khi nghe người cộng sự thân tín tán đồng cách rất hào hứng: “vâng, vâng, một Công Đồng!” Ngài nhìn thấy đó là dấu hiệu của Ý Chúa mà ngài tìm kiếm từ  4 tháng qua. Chính ngày 21 tháng 01 ấy, Đức Gio-an XXIII quyết định triệu tập một Công Đồng chung. Bốn ngày sau, ngày 25.01.1959 tại đền thờ Thánh Phao-lô ngoại thành, Đức Gio-an XXIII đã tiết lộ quyết định này cho 18 Hồng Y vừa dâng lễ với ngài, kết thúc tuần cầu nguyện cho Hiệp Nhất.

1.4 Ước mơ của Đức Gio-an XXIII về Công Đồng Vatican II:

Thông qua một số lời phát biểu của Đức Gioan XXIII, chúng ta có thể hiểu được ước mơ của vị Giáo hoàng này về Công đồng. Ước mơ đó là:

  1. Canh tân đời sống Giáo hội,
  2. Tiến tới sự Hiệp Nhất các Kitô hữu.

* “……….Mục đích chính của Công Đồng là phát huy đức Tin Công Giáo, canh tân lành mạnh những phong tục các dân tộc Ki-tô giáo và ban hành bộ giáo luật thích hợp với nhu cầu thời đại chúng ta hơn. Điều đó dĩ nhiên sẽ nêu lên một quang cảnh sáng lạn về chân lý, hợp nhất và bác ái mà cha hy vọng rằng những anh em ly khai với Toà Thánh sẽ coi đó` như một lời mời êm dịu, đi tìm tòi để đạt tới sự hiệp nhất mà Chúa Ki-tô đã tha thiết cầu xin Cha trên trời ban cho” (Observatore Romano ngày 3.7.1959)

* “……….Công đồng này sẽ đem lại một sự phục hưng trong địa hạt phụng vụ cũng như trong địa hạt cai trị và mục vụ….Cũng là để chuẩn bị một công cuộc khác rộng lớn hơn, chưa thể thực hiện ngay, nhưng sẽ có thể thắt chặt mối hiệp nhất, cả sự hiệp nhất hữu hình bên ngoài trong Hội thánh công giáo do Chúa đã sáng lập” (Observatore Romano ngày 30.10.1959).

*”………..Mục tiêu thứ nhất và trực tiếp của Công đồng là giới thiệu cho thế giới một Giáo hội của Thiên Chúa muôn đời dồi dào sức sống và chân lý, kèm theo những quy luật thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, luôn luôn chu toàn sứ mệnh cao cả do Chúa ủy thác, và dã được chuẩn bị sằn sàng trước những nhu cầu hiện tại cũng như ngày mai,

Thế rồi các anh em ly khai với chúng ta, hoặc giữa họ với nhau mong muốn thể hiện nguyện vọng hợp nhất. Cha có thể âu yếm nói với họ rằng: đây là nhà của anh em, là nhà của mọi người mang dấu hiệu của Chúa Ki-tô. Trái lại nếu người ta cứ muốn khởi sự bằng những cuộc tranh luận, bàn cãi thì sẽ không đạt tới kết quả nào” (Observatore Romano ngày 16.11.1960).

II.- CÁC VĂN KIỆN CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Sau 4 kỳ nhóm họp từ 11.10.1962 đến 08.12.1962 (kỳ 1), từ 29.09.1963 đến 04.12.1963 (kỳ 2), từ 14.09.1964 đến 21.11.1964 (kỳ 3) và từ 14.09.1965 đến 08.12.1965 (kỳ 4), Công Đồng Vatican II đã công bố 16 văn kiện chia thành 3 loại khác nhau, với tầm quan trọng khác nhau gồm 4 Hiến Chế, 9 Sắc Lệnh và 3 Tuyên Ngôn:

 

2.1 Hiến chế

* Là tài liệu tín lý hoặc mục vụ, có giá trị học thuyết vững chắc và lâu bền;

* Có 4 Hiến  Chế như 4 cột trụ của một tòa nhà:

(1o) Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum: Lời Thiên Chúa) công bố ngày 18.11. 1965;

(2o) Hiến Chế Phụng Vụ Thánh (Sacrosantum Concilium: Thánh Công Đồng) công bố ngày 04.12.1963;

(3o) Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh (Lumen Gentium: Ánh Sáng muôn dân) công bố ngày 21.11.1964;

(4o) Hiến Chế Mục Vụ về Hội Thánh trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes: Vui mừng và Hy vọng) công bố ngày 07.12.1965.

 

2.2 Sắc Lệnh

* Là tập hợp những quyết định có tính chất thực hành, mục vụ hay kỷ luật dành cho thời đại chúng ta;

* Có 9 Sắc Lệnh:

(1o) Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Hội Thánh (Ad Gentes: Đến với muôn dân), công bố ngày 07.12.1965;

(2o) Sắc Lệnh về Trách Nhiệm Mục Vụ Của Các Giám Mục (Christus Dominus: Chúa Ki-tô) công bố ngày 28.10.1965;

(3o) Sắc Lệnh về Chức Vụ Và Đời Sống Các Linh Mục (Presbytorerum Ordinis: Chức linh mục) công bố ngày 07.12.1965;

(4o) Sắc Lệnh về Đào Tạo Linh Mục: Optatam totius: Mọi người mong ước) công bố ngày 28.10.1965;

(5o) Sắc Lệnh về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu (Perfectae Caritatis: Đức Ái trọn hảo) công bố ngày 28.10.1965;

(6o) Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân (Apostolicam Actuositatem: Phát động việc tông đồ) công bố ngày 18.11.1965;

(7o) Sắc Lệnh về Hiệp Nhất (Unitatis Redintegratio: Việc tái lập sự Hiệp Nhất) công bố ngày 21.11.1964;

(8o) Sắc Lệnh về các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương (Orientalium Ecclesiarum: Giáo Hội Công Giáo Đông Phương) công bố ngày 21.11.1964;

(9o) Sắc Lệnh về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (Inter mirifica: Trong những phát minh kỳ diệu) công bố ngày 4.12.1963.

 

2.3 Tuyên Ngôn

* Là một bày tỏ quan điểm của Giáo hội trước một vấn đề mới và đưa ra những phương hướng suy tư và xử sự trong tình trạng hiện nay của thế giới.

* Có 3 Tuyên Ngôn:

(1o) Tuyên ngôn về Giáo Dục Ki-tô Giáo (Gravissimum Educationis : Vai trò vô cùng quan trọng) công bố ngày 28.10.1965;

(2o) Tuyên ngôn về Liên Lạc Của Giáo Hội Với Các Tôn Giáo Ngoài Ki-tô Giáo (Nostra Aetate: Trong thời đại chúng ta) công bố ngày 28.10.1965;

(3o) Tuyên ngôn về Tự Do Tôn Giáo (Dignitatis Humanae: Nhân phẩm) công bố ngày 07.12.1965.

 

2.4 Biểu đồ

16 văn kiện của Công Đồng Va-ti-can II có thể được trình bày trong biểu đồ sau đây

 

 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

III.- MỐI LIÊN KẾT GIỮA CÁC VĂN KIỆN CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Trong 16 văn kiện của Công đồng Va-ti-can II, ai cũng phải thừa nhận  rằng: Hiến chế tín lý về Giáo hội là văn kiện nòng cốt nhất. Các văn kiện khác có thể được coi là những triển khai mặt này mặt khác của Hiến chế Giáo hội ấy. Linh mục Rey-Mermet giúp chúng ta nhìn ra mối quan hệ mật thiết giữa Hiến chế tín lý và các  văn kiện khác như sau

3.1 Giáo hội phát sinh từ “Lời Thiên Chúa” – Dei Verbum -, từ Đức Ki-tô là nguồn mạch và trung tâm của Lời ấy. Ngài tự mạc khải và cho ta thấy được Chúa Cha trong Kinh Thánh liên kết với Truyền Thống sống động. Cả Thánh Kinh và Thánh Truyền cùng truyền lại cho ta Mặc Khải của Thiên Chúa.

3.2 Trước Mặc Khải ấy, loài người cùng nhau đáp lại cách chính thức trong các ngày lễ và trong những cử hành của Phụng vụ thánh. Phụng vụ này được Thánh Công đồng – Sacrosantum Concilium- chủ trương thích nghi với các dân tộc sống trên toàn cầu của thế kỷ XX.

3.3 Nhờ việc tập hợp Dân Chúa và nhờ các bí tích, chính Phụng vụ ấy làm thành Hội thánh. Nhờ được Chúa Giêsu thiết lập và ở với, Giáo hội này là Ánh Sáng muôn dân- Lumen Gentium.

3.4 Là Ánh Sáng muôn dân, nên toàn thể Giáo hội là Giáo hội Truyền giáo. Đồng thời Hoạt động truyền giáo của Giáo hội phải đi đến những miền xa xôi nhất, “Đến với các dân ngoại” – Ad Gentes.

3.5 Giáo hội mang tính truyền giáo trước hết chính là nhờ Trách nhiệm mục vụ của các Giám Mục là những người kế vị các Tông Đồ mà Chúa Giê-su- Christus Dominus- gởi đến để tiếp tục sứ mạng của Ngài.

3.6 Tiếp đó, Giáo hội mang tính truyền giáo còn nhờ Chức vụ và đời sống các linh mục, là những người cùng chia sẻ “Chức linh mục” –Presbyterorum Ordinis với các Giám mục, ở hàng thứ nhì.

3.7 Vì thế, việc Canh tân “rất đáng ao ước của cả Giáo Hội” – Optatam totius- một phần lớn gắn liền với việc Đào tạo linh mục.

3.8 Sau cùng, Giáo hội mang tính truyền giáo là nhờ hoạt động tông đồ giáo dân, vì nhờ đức tin, phép rửa và thêm sức, toàn thể Dân Chúa được đặt vào “hoạt động tông đồ”- Apostolicam Actuositatem.

3.9 Từ đó, việc Giáo dục Ki-tô giáo là việc hết sức quan trọng –Gravissimum Educationis momentum- đối với cuộc sống con người.

3.10 Toàn thể Dân Chúa đều được mời gọi nên thánh. Nhưngnơi Đức Ái trọn hảo “ ấy- Perfectae Caritatis – vốn là ơn gọi chung của mọi người đã rửa tội, một trong những dấu chỉ sáng chói là Đời sống tu trì sống thành cộng đoàn và khấn giữ sự khiết tịnh, nghèo khó và vâng lời. Nên đời sống ấy có vai trò đặc biệt tích cực trong đời sống và sứ mạng Giáo hội.

3.11 Nhưng sự toả sáng của Dân Chúa sẽ rực rỡ biết mấy nếu mọi người đã rửa tội trên thế giới hiệp nhất trong cùng một đức tin Ki-tô giáo! Vì thế, Đại kết để “lập lại sự thống nhất”- Unitatis redintegratio- là một trong những mục đích chính của Công đồng.

3.12 Việc hợp nhất như thế với các anh em Chính Thống giáo đã có sẵn một nhịp cầu tư nhiên là các Giáo hội Đông phương Công giáo- Orientalium Ecclesiarum.

3.13 Đàng khác,ở thời đại chúng ta” –Nostra aetate- loài người ngày càng gắn bó mật thiết với nhau, Kitô giáo ý thức về những gì mình có chung với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, và đề cập tới những điểm ấy với lòng kính trọng, tình huynh đệ và niềm hy vọng.

3.14 Sự có mặt và lưu tâm đầy ưu ái ấy là thái độ mà Giáo hội trong thế giới ngày nay muốn có trên mọi bình diện: “Vui mừng và Hy vọng”- Gaudium et Spes- Ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Ki-tô”.

3.15 Sự lưu tâm đến thế giới như vậy, không còn là bước đường để chinh phục, nhưng là bước đường của tình huynh đệ: Giáo hội đòi hỏi cho các tôn giáo khác như cho chính mình phải được Tự do tôn giáo, một sự tự do đặt nền tảng không phải trên thái độ lãnh đạm đối với chân lý, nhưng là trên “Nhân phẩm”- Dignitatis Humanae.

3.16 Sự tôn trọng tự do người khác nhu thế không ngăn cản sự đối thoại. Ngược lại, và “giữa những khám phá kỳ diệu” ngày nay- Inter mirifica- Các phương tiện truyền thông xã hội cống hiến những khả năng to lớn để nói với thế giới và lắng nghe thế giới.

(Rey-Mermet, CROIRE  tome 3- Vivre la foi avec le Concile Vatican II trang 21-22).

Nhờ cách trình bày trên, chúng ta nhìn rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa các vấn đề của Giáo Hội đã được Công Đồng Vatican II thảo luận và biểu quyết. Có thể nói: mọi khía cạnh của đời sống Giáo Hội đều được duyệt xét, đánh giá lại cho phù hợp với Tin Mừng và Truyền Thống của Giáo hội hơn (Công Đồng Vatican II được coi là Công Đồng trở về nguồn). Vì thế mà chúng ta nhận rõ hơn vị trí trung tâm của Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội trong  suy tư  và văn kiện của Vatican II.

 

IV CHỦ ĐỀ - ĐẶC ĐIỂM - TINH THẦN VÀ  ĐƯỜNG HƯỚNG CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II

4.1 Chủ đề: Chỉ cần nhìn thoáng qua 16 văn kiện của Công Đồng, chúng ta cũng nhận ra ngay điều này: Chủ đề của Công Đồng Vatican II là Giáo Hội. Giáo Hội được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau cả đối nội lẫn đối ngoại, cả về mặt chiều sâu lẫn bề nổi, cả về mặt tín lý lẫn mục vụ.

4.2 Đặc điểm: Công Đồng Va-ti-can II làm nổi bật hai đặc điểm: tính phổ quát và tính đại kết:

(1o) Tính phổ quát: được thể hiện qua hai yếu tố sau:

(a) Về nội dung: Công Đồng Vatican II đã đề cập đến toàn bộ đời sống và giáo lý của Giáo Hội,

(b) Về thành phần tham dự Công Đồng (Nghị Phụ): lần đầu tiên tuyệt đại đa số các Giám Mục của Giáo Hội có mặt tại Công Đồng, đại diện cho tất cả các Giáo Hội địa phương khắp năm châu:

  • Kỳ 1: có mặt 2449 trong tổng số 2904 Giám Mục (84,34%);
  • Kỳ 2: có mặt 2448 trong tổng số 3022 Giám Mục (82,34%);
  • Kỳ 3: có mặt 2466 trong tổng số 3074 Giám Mục (80,23%);
  • Kỳ 4: có mặt 2625 trong tổng số 3093 Giám Mục (84,88 %).

(c)  Về địa dư, ta thấy: 1060 Nghị Phụ châu Âu;

                                  480 Nghị Phụ châu Á;

                                  351 Nghị Phụ châu Phi;

                                  416 Nghị Phụ Bắc Mỹ;

                                    86 Nghị Phụ Trung Mỹ;

                                  531 Nghị Phụ Nam Mỹ;

                                    74 Nghị Phụ châu Đại Dương.

(2o) Tính đại kết: một trong những mục tiêu chính của Công Đồng là thực hiện ước mơ của Đức Gio-an XXIII về Đại Kết, tức là sự Hiệp Nhất giữa các Giáo Hội và tín hữu Ki-tô giáo. Tính Đại Kết của Công Đồng được thể hiện qua:

(a) Nội dung các văn kiện: Sắc Lệnh về Đại Kết, Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo, Tuyên Ngôn Về Liên Lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

(b) Các cuộc gặp gỡ thân mật huynh đệ cởi mở giữa các vị lãnh đạo các Giáo hội Ki-tô giáo khác nhau, xung quanh Công Đồng.

(c) Sự có mặt của các quan sát viên ngoài công giáo tại các kỳ họp của Công Đồng: từ 54 vị đại diện cho 17 Giáo Hội và cộng đồng Ki-tô giáo ở kỳ họp 1 đến 106 vị đại diện cho 29 Giáo hội và cộng đồng Kitô giáo ở kỳ họp 4.

 

4.3 Tinh thần và đường hướng:

Ngay trong diễn văn khai mạc Công đồng Vatican II ngày 11.10.1962, Đức Gio-an XXIII đã đưa ra tôn chỉ hướng dẫn: “Cởi mở với thế giới, thông cảm chứ không lên án tuyệt thông, xót thương hơn là khắt khe, nhận chân rằng thế giới cũng rất nhạy cảm, không chấp nhận sai lầm, loan truyền Phúc Âm với niềm hy vọng hơn là với tâm trạng của những tiên tri loan báo sự dữ”

Vậy thì tinh thần và đường hướng của Công Đồng Vatican II chính là: Canh Tân, Hòa Giải và Liên Đới, Đối Thoại, Cộng Tác và Phục Vụ,

Thật vậy, ước mơ của Đức Gio-an XXIII khi triệu tập Công đồng Vatican II là tạo nên một luồng sinh khí mới của Chúa Thánh Thần, một Lễ Hiện Xuống Mới cho Giáo hội. Có như thế thì Giáo hội mới làm chứng về Chúa Ki-tô Giê-su một cách trung thành được!

V.- NHỮNG THAY ĐỔI LỚN LAO CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Thật khó mà lượng gía một cách chính xác và đầy đủ những thay đổi lớn lao mà Công đồng Vatican II đã đem đến cho Giáo hội Công giáo toàn cầu cũng như cho các Giáo hội địa phương. Nhưng chúng ta có thể ghi nhận một số điều chính yếu sau đây:

5.1 Công đồng Vatican II đã làm nổi bật vai trò của Thánh Kinh, Thánh Truyền trong đời sống Giáo hội. Đồng thời Lời Chúa được tôn kính và phổ biến rộng rãi hơn trong Dân Chúa. Phụng vụ được cử hành bằng tiếng địa phương, nên gần gũi, dễ hiểu và sống động hơn (Hiến chế Mạc Khải và Phụng vụ thánh);

5.2 Công đồng Vatican II đã điều chỉnh và đào sâu cách hiểu về bản chất, sứ mệnh và ơn gọi của Giáo Hội: Giáo hội được hiểu đầy đủ hơn, chính xác hơn, sát với Thánh Kinh, Thánh Truyền hơn, gần gũi và liên đới với con người và thế giới hơn (Hiến chế tín lý về Giáo hội, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay);

5.3 Công đồng Vatican II đã tạo nên một luồng sinh khí mới trong mọi lãnh vực đời sống Giáo hội (học hỏi Thánh Kinh, đào sâu thần học & tu đức, truyền giáo, đối thoại đại kết và liên tôn, cải tổ giáo luật, trình bày lại Giáo lý v.v..) cũng như trong mọi thành phần Dân Chúa (giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân).

5.4 Công đồng Vatican II đã trả lại “căn tính riêng” - cùng với phẩm gía, vai trò, chỗ đứng không thể thay thế - cho giáo dân, thành phần đông đảo nhất và bị coi thường trong cách hiểu méo mó của lịch sử (Hiến chế tín lý về Giáo hội, Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân); 

5.5 Công Đồng Vatican II đã làm cho Giáo hội gần gũi với con người và thế giới trong bằng tinh thần yêu thương, kính trọng, liên đới và phục vụ (Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, Các Tuyên ngôn);

5.6 Công đồng Vatican II đã khai sinh ra một cơ chế mới trong sinh hoạt của Giáo hội, đó là Thượng Hội đồng các Giám mục thế giới. Thượng Hội đồng các Giám mục này thể hiện tính “Tông đồ đoàn” của các Giám mục là những người kế vị các Tông đồ, trong tình hiệp nhất với Đức Giáo hoàng là đấng kế vị Tông đồ Trưởng Phê-rô. Trong hơn ba mươi năm qua, Giáo hội chúng ta đã có rất nhiều Thượng Hội đồng Giám mục.

 


Công ÐỒng Vatican II

là CÔNG ĐỒNG CỦA GIÁO DÂN

 

VÀO ĐỀ

Khẳng định “Công Đồng Vatican II là Công Đồng của Giáo Dân” có bốn cơ sở vững chắc:

- một là Công Đồng Vatican II đã đưa ra một quan điểm (thần học và giáo hội học) mới về người Giáo Dân;

- hai là Công Đồng Vatican II đã dành cho Giáo Dân một vị trí quan trọng trong các văn kiện,

- ba là Công Đồng xác định cách minh bạch danh xưng và tính chất riêng của Giáo Dân,

- bốn là Công Đồng xác định mối tương quan (mới) của Giáo Dân với Hàng Giáo Phẩm và Hàng Giáo Sĩ,

- năm là các vị Giáo Hoàng và Giáo Luật hậu Công Đồng đã có những quyết định quan trọng liên quan tới giáo dân.

 

I.- Công ĐỒng Vatican II đã đưa ra mỘt quan điỂm thẦn hỌc và giáo hỘi hỌc mỚi vỀ giáo dân

Trong bài “Giáo Dân trong Hội Thánh”, linh mục Felipe Gomez, Ngô Minh, SJ, đã viết những dòng sau trong đề mục GiỜ Đã ÐiỂm:

“Có lẽ một trong những thành quả đáng kể nhất của Công Đồng Vatican II là việc nêu bật vai trò của giáo dân ở giữa lòng cuộc sống Hội Thánh. Chỉ trong quãng thời gian trên dưới một thế hệ nay, đã thấy có nhiều giáo hữu không chịu chức thánh đóng giữ những vai trò trọng yếu hoặc trở nên những thành phần năng động trong Giáo Hội. Hẳn là còn phải tiến xa hơn nữa cho đến khi đa số thầm lặng này tham gia hàng loạt và tích cực vào sứ mệnh của Ðức Ki-tô ở giữa thế giới. Trong quá khứ, giới giáo dân được quan niệm như là Giáo Hội thụ huấn, hoàn toàn ở dưới quyền chi phối của giáo sĩ. Họ chỉ là giới tiêu dùng tựa như khách hàng trong siêu thị tôn giáo của các bí tích. Nói Giáo Hội là người ta nghĩ ngay đến Hàng Giáo Phẩm hoặc các Giáo Sĩ: Giáo Hội bảo... Giáo Hội dạy... Giáo Hội tỏ rõ lập trường của mình... v.v. có nghĩa là các Giám Mục và lắm khi chỉ một mình Giáo Chủ Rô-ma! làm như thế; còn khối các tín hữu khác thì chỉ là đàn chiên được chăn dắt bởi các mục tử. Thánh Pi-ô X đã quả quyết với một lời bi tráng như sau: Chỉ duy các mục tử mới có quyền hành và uy thế... Còn dân chúng [tức giáo dân] thì chỉ có quyền để các mục tử dẫn dắt, và như đàn chiên dễ bảo, biết nghe theo các ngài... (Thông điệp Vehementer, 11.2.1906). Nhân đức căn bản của giáo dân là vâng lời và cách thức góp phần vào công trình của Giáo Hội là góp tiền của cho các cuộc lạc quyên, là góp "tiền oi" mỗi Chúa Nhật. Thực vậy, đối với đa số, sống đạo chỉ cốt tại việc xem lễ các ngày Chúa Nhật và Lễ buộc. Ðó là bổn phận cốt cán của đời sống Ki-tô!

May thay, hình ảnh có phần biếm họa trên đây hiện đang chuyển mình biến đổi. Bởi một mặt, Giáo Hội (Hàng Giáo Phẩm) đang mạnh mẽ thúc dục giáo dân gia nhập các phong trào tông đồ muôn hình thái và tham gia tích cực vào trong sứ vụ chung của Giáo Hội. Giáo Hội đã phải đấm ngực thú nhận “lỗi tại tôi mọi đàng” vì thái độ tiêu cực đã từng có đối với Dân Chúa, vì đã bỏ quên các đặc sủng Thánh Thần ban cho họ, đã bỏ rơi tài năng đa dạng của họ, cũng như vì đã đối xử với họ như là loại dân thiêng liêng thứ cấp. Và mặt khác, bởi có kiến thức đầy đủ và được đào tạo chu đáo, giáo dân ngày nay không những không còn ngại ngùng, mà hơn nữa, còn mạnh mẽ dấn thân vào trong các công tác tông đồ và hành chánh của Giáo Hội. Không thiếu gì giáo dân đích thân đứng ra thành lập các phong trào hoặc hội đoàn tông đồ hay đạo đức. Và hiện nay, cũng không thiếu gì giáo dân đang đứng đầu dẫn dắt các cộng đoàn giáo xứ. Và trong khắp thế giới, đại đa số các giáo lý viên đều là giáo dân: họ là những thầy giáo khai tâm, có sứ mạng gieo hạt giống Lời Chúa vào lòng các thế hệ trẻ. Giáo Hội có bổn phận nhìn nhận địa vị của họ, không chỉ cứ sự không thôi mà còn cứ luật nữa. Bởi thế, đã đến lúc phải gấp rút sửa đổi nhiều điều trong Giáo Hội, phải thay đổi cả não trạng, thái độ và cơ cấu: thời kỳ đã mãn! [Về lời phát biểu của một Giám Mục Úc, xin xem John Heaps, A Love That Da­res to Question, A Bishop Challenges His Church, Grand Rapids: Eerdmans 2002)]

“Công Đồng Vatican II đã đổi hẳn cách quan niệm, và hơn nữa đã đổi luôn cả mô biểu quy chiếu của Giáo Hội học. Suy tư dựa theo thực trạng biện chứng giữa Mầu Nhiệm và Dân Thiên Chúa, Công Đồng đã nhận ra ngay là cần phải đổi mới Giáo Hội. Các Nghị Phụ đã thấy là phải không ngừng thanh luyện (x. GH 8) và cải cách Giáo Hội (x. HN 6). Ít khi Công Đồng dùng đến từ reformatio (cải cách), nhưng lại dùng rất nhiều đến từ reno­va­tio (đổi mới, canh tân) để nhấn mạnh đến tính chất liên tục trong Hội Thánh. Mục đích của việc đổi mới là để làm cho mình trở thành ngày càng hữu hiệu hơn đối với ơn gọi của mình (x. HN 6), tức là để chu toàn hoàn hảo hơn sứ mệnh tại thế gian của mình. Ðiều đó giả thiết một nỗ lực căn bản và trường kỳ nơi mọi tín hữu (từ Giáo Hoàng cho tới người tân tòng cuối cùng), nỗ lực thống hối và cải thiện nội tâm, cũng nỗ lực cải tiến các hình thức sống đạo cá nhân, cách tổ chức và quản trị cộng đoàn, cách thể thi hành sứ vụ, v.v. Còn về những phương tiện thì chính Sắc Lệnh về Ðại Kết cũng đã đề ra một số chỉ dẫn: Giáo Hội thực hiện cuộc canh tân ấy bằng nhiều hình thức khác nhau trong đời sống Giáo Hội, như phong trào Kinh Thánh và Phụng Vụ, việc Rao Giảng Lời Chúa và Giáo Lý, Hoạt Động Tông Đồ Giáo Dân, những hình thức mới trong đời Tu Trì, Nền Linh Đạo Hôn Nhân, Học Thuyết và Hoạt Động Xã Hội của Giáo Hội (x. HN 6b). Ðáng chú ý là việc Tông Đồ của Giáo Dân được đặc biệt nêu bật. Và hơn nữa, Công Đồng Vatican II là công đồng đầu tiên đã công bố một sắc lệnh về giáo dân, Sắc Lệnh về Hoạt Ðộng Tông Ðồ Giáo Dân! [Về lịch sử Vatican II nói chung, xin xem Giuseppe Alberigo, Joseph A. Komonchak (Eds.), History of Vatican II, Vol 1-4, Orbis Books 1996-1999; Collectif, Histoire du concile Vatican II, 3 vols., Cerf 1997.]  

Làm thế nào để thay đổi mô biểu của Giáo Hội học? Khi ủy ban chuẩn bị Công Đồng đề nghị lược đồ về Giáo Hội, thì đa số Nghị Phụ đã từ chối không nhận và yêu cầu một nhóm thần học gia nổi tiếng soạn thảo một lược đồ khác. Sau nhiều buổi thảo luận gay go và nhiều lần bỏ phiếu, Công Đồng đã đạt được một kết quả bất ngờ, tựa như theo lối biểu đạt của cha D.-M. Chenu, O.P. một cuộc cách mạng Copernic trong Giáo Hội học: ngày trước, Giáo Hội được quan niệm chủ yếu như là một xã hội đặt dưới quyền thống trị của Hàng Giáo Phẩm, và làm như tâm điểm của Giáo Hội tập trung cả vào nơi quyền bính của Hàng Giáo Phẩm [Vatican II: The Faithful Revolution, Thomas More Publishing, 1998] còn Công Đồng thì lại đặt tâm điểm nơi chính Thiên Chúa (mầu nhiệm), và cộng đồng tín hữu là Dân Thiên Chúa. Trong cộng đồng Giáo Hội, mọi thành viên đều có phẩm giá ngang nhau, dù chức năng có khác nhau. Nguồn gốc chung của mọi thừa tác vụ là Phép Thánh Tẩy, rồi các Bí Tích khác thì làm phát sinh nhiều Thừa Tác Vụ khác nhau; vì thế, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, chương 3 bàn về cơ cấu phẩm trật và chương 4 về giáo dân, nói cách khác: trước tiên bàn về nhiệm vụ chung, rồi sau đó mới đến các đặc tính của từng phần. Hơn nữa, sử liệu công đồng cũng cho thấy rằng tính chất chung này, đặc biệt là ơn gọi chung tiên tri, tư tế và vương giả là nguyên tắc chú giải (herme­neutical principle) áp dụng cho toàn bộ Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, tức cho nền Giáo Hội học của Vatican II. Hiến chế được chấp nhận ngày 21.11.1964, với 2151 phiếu thuận và 5 phiếu phủ quyết. Cho đến Vatican II, không một công đồng nào đã bàn luận như thế về giáo dân.

Như vậy, Dân Thiên Chúa (toàn thể tín hữu không phân biệt trật bậc) là nền tảng của Hội Thánh cả về phương diện xã hội lẫn về phương diện bí tích. Giáo Dân và Giáo Sĩ quả là khác nhau, song không phải như bề trên với bề dưới: hai bên đều chia sẻ cùng một ơn gọi nên thánh và cùng một sứ mệnh chung là xây dựng Nước Trời. Phải nói là ơn gọi chung này phức tạp và bao gồm nhiều ơn gọi riêng, cùng những đặc sủng tập thể cũng như cá nhân, thông thường thì được ban qua các bí tích khác nhau.

Vậy, nguồn suối của sức đổi mới trong Giáo Hội là Missio Dei, tức sứ mệnh Thiên Chúa trao phó (qua sự việc Chúa Cha sai phái Chúa Con, và Chúa Con sai phái Giáo Hội); và mục đích của sứ mệnh ấy là làm chứng cho Thiên Chúa và triển dương vương quyền tại thế của Người. Sứ mệnh là lý do hiện hữu (raison dêtre) của Giáo Hội: thiết lập Giáo Hội là Ðức Ki-tô có ý tạo nên một phương thế làm khí cụ của việc kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, và của mối hiệp nhất giữa toàn thể nhân loại (GH 1); nói cách khác: Giáo Hội là để cho thế gian, chứ không phải ngược lại, và Dân Chúa (mà đa số là giáo dân) là phương thế để đạt tới mục đích ấy; căn tính của Giáo Hội cốt tại ở sứ vụ này, và giáo dân càng dấn thân cho sứ vụ thì Giáo Hội càng thành tựu chính mình, càng lớn lên, v.v. Giáo Hội sẽ đổi mới hay không và đến mức độ nào, thì đó là tùy vào mức độ dấn thân của toàn thể Dân Chúa cho sứ vụ làm chứng về Ðức Ki-tô và phục vụ muôn loài. Việc gặp gỡ với xã hội, văn hóa, tôn giáo, v.v. phải diễn ra trong khuôn khổ và với tinh thần của sứ mệnh (Wilbert R. Shenk, Mission, Renewal, and the Future of the Church, International Bulletin of Missionary Research 21 (1997): 154-159).

[Felipe Gomez, Ngô Minh, SJ, bài đã dẫn]

 

II.- Trong các văn kiỆn Công ĐỒng Vatican II đã dành mỘt vỊ trí quan trỌng cho Giáo Dân

Ngoài các văn kiện liên quan tới mọi thành phần Dân Chúa là 4 Hiến Chế (Hiến Chế Mạc Khải Lời Thiên Chúa, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế giới Ngày Nay), 2 Sắc Lệnh Truyền Giáo và các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội và 3 Tuyên Ngôn (Giáo Dục Ki-tô giáo, Liên Lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Ki-tô giáo và Tự Do Tôn Giáo), Công Đồng Vatican II còn có những văn bản riêng về Giáo Dân. Linh mục Felipe Gomez Ngô Minh SJ đã viết về vấn đề này như sau:

“Vatican II đã đặc biệt bàn về Giáo Dân trong chương 4, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, và trong Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo dân. Tất cả những gì nói về Dân Thiên Chúa thì đều liên quan đồng đều đến cả Giáo Dân, Tu Sĩ và Giáo Sĩ (GH 30) để mọi người cùng góp phần vào công cuộc chung tùy theo cách thế của mình. Theo Công Đồng, cứu cánh của Dân thiên sai là phát triển thêm mãi Nước Thiên Chúa và không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần (GH 9). Tất cả mọi thành viên đều tham dự vào chức tư tế cộng đồng (x. GH 10-11) và hưởng nhận những đoàn sủng khác nhau khiến họ có đủ khả năng và sẵn sàng đảm nhận những công tác và nhiệm vụ khác nhau, hữu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội (GH 12). Vì thế, làm việc tông đồ là giáo dân thông phần vào chính sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội. Qua việc lãnh nhận bí tích Rửa tội và Thêm sức, hết thảy mọi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ (GH 33b). Ðã được làm anh em của Ðức Ki-tô cũng như của hàng giáo phẩm và giáo sĩ (x. GH 32d), tất giáo dân có nhiệm vụ cao cả là làm cho quyết định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan rộng tới tất cả mọi người ở mọi nơi, trong mọi thời đại (GH 33c).      

Cuối cùng, chương 4 kết thúc với lời trích dẫn thư gửi Diognetus (thế kỷ 20): Người Ki-tô hữu làm cho thế giới sống hệt như linh hồn làm cho thân xác sống vậy (GH 38).

Tiếp theo sau đó, Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân đã bắt đầu với lời xác định nói rằng: các Ki-tô hữu Giáo Dân giữ một phần cá biệt và thiết yếu trong sứ mệnh của Giáo Hội (TÐ 1), rồi khai triển nội dung của nhiệm vụ này, và sau cùng kết thúc với lời kêu gọi: Nhân Danh Chúa, thánh Công Đồng tận lực kêu mời tất cả các Giáo Dân hãy quảng đại, mau mắn đáp lại tiếng của Chúa Ki-tô hiện đang khẩn khoản mời gọi, cũng như hưởng ứng đà thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (TÐ 33). Công Đồng đã nhắc đi nhắc lại lời kêu mời này trong nhiều văn kiện; chẳng hạn, Hiến Chế Mục Vụ đã lên tiếng phàn nàn rằng: Tình trạng ly gián giữa đức tin các Ki-tô hữu tuyên xưng và cuộc sống thường nhật của nhiều người, là một trong số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta, và đồng thời khẳng định như sau: Giữ những phận vụ sinh động cần được thi hành trong đời sống Giáo Hội toàn thể, không những người Giáo Dân có sứ mạng đưa tinh thần Ki-tô giáo thấm đượm vào trong thế giới, mà còn được kêu gọi để làm chứng cho Ðức Ki-tô trong mọi hoàn cảnh, ngay giữa lòng cộng đoàn nhân loại (MV 43ad).

Qua những lời lẽ như thế, rõ ràng là Giáo Hội muốn gióng lên lời mời tha thiết kêu gọi Giáo Dân hăng say, quảng đại cùng tận lực dấn thân cho sứ mệnh Ki-tô, và hy vọng nhiều người sẽ đáp ứng tích cực.” [Felipe Gomez, Ngô Minh, SJ, bài đã dẫn]

 

III.- Công ĐỒng VATICAN II xác định danh hiỆu, tính cách riêng biỆt và đẶc thù cỦa Giáo Dân

3.1 ”Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Ki-tô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận; nghĩa là những Ki-tô hữu đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Ki-tô nhờ phép Thánh Tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Ki-tô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Ki-tô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình.

3.2 “Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thực vậy các phần tử trong hàng giáo sĩ dù đôi khi có thể lo những việc trần thế, hoặc hơn nữa, hành nghề giữa đời, nhưng vì ơn kêu gọi đặc biệt, sứ mệnh chính yếu và rõ rệt của họ vẫn là sứ vụ thánh. Phần các tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng cách hùng hồn và cao quí rằng người ta không thể cải tạo thế giới và cung hiến nó cho Thiên Chúa được, nếu không có tinh thần các mối phúc thật. Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Ðó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Ki-tô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo Thánh Ý Chúa Ki-tô, hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ.” [Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội tức Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân - Lumen Gentium - (viết tắt là LG trong tiếng la tinh và là GH trong tiếng Việt), số 31].

 

IV.- Công ĐỒng VATICAN II xác đỊnh mỐi tương quan mỚi cỦa giáo dân vỚi Hàng Giáo PhẨm và Hàng Giáo Sĩ

Nói đến mối tương quan giữa giáo dân và giáo sĩ, giáo phẩm là một điều hết sức tế nhị, vì rất dễ đụng chạm và bị hiểu lầm. Nhưng chúng ta cũng không có gì phải sợ mà tránh né, vì chúng ta cũng chỉ làm công việc là học hỏi các hướng dẫn của Công Đồng Vatican II. Mặt khác chính khi xác định được mối tương quan giữa giáo dân với giáo phẩm mà chúng ta biết rõ gía trị của mình hơn.  Công đồng Vatican II nói rất rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của người giáo dân trong mối tương quan với hàng giáo phẩm, giáo sĩ. Chúng ta có thể tìm thấy

- trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (số 37),

- trong Sắc Lệnh về Chức Vụ và Đời Sống các Linh Mục (số 9).

- và trong Tông Huấn Người Ki-tô hữu giáo dân của Đức Gio-an Phao-lô II (số 29):    

 

4.1 Trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 37, xác định mối tương quan của Giáo Dân với Hàng Giáo Phẩm với những quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể như sau:

 “Như mọi Ki-tô hữu khác, giáo dân cũng có quyền được các chủ chăn có chức thánh ban phát dồi dào ơn trợ lực chứa đựng trong kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, đặc biệt là Lời Thiên Chúa và các bí tích. Như con cái Thiên Chúa và như anh em trong Chúa Ki-tô, họ cũng sẽ trình bày với các vị ấy những nhu cầu và khát vọng của mình một cách tự do và tín cẩn. Nhờ sự hiểu biết, khả năng chuyên môn và uy tín của họ, họ có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ cảm nghĩ mình về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo Hội. Họ nên thực hiện điều đó, nếu cần, nhờ vào các cơ quan đã được Giáo Hội thiết lập nhằm mục đích ấy; và họ hãy luôn chân thành, can đảm và khôn ngoan, kính trọng và yêu mến những người thay mặt Chúa Ki-tô vì nhiệm vụ thánh của các ngài.

Như mọi tín hữu khác, với tinh thần vâng lời của người Ki-tô hữu, giáo dân cũng hãy mau mắn chấp nhận những điều mà các chủ chăn có nhiệm vụ thánh đại diện Chúa Ki-tô, đã quyết định với tư cách những thầy dạy và những nhà lãnh đạo trong Giáo Hội; làm như thế, họ đã theo gương Chúa Ki-tô, Ðấng đã vâng lời cho đến chết, để mở đường hạnh phúc của sự tự do con cái Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Giáo dân đừng quên dùng lời cầu nguyện phó dâng cho Thiên Chúa các vị lãnh đạo của mình, để các ngài hoan hỷ mà không than vãn thi hành nhiệm vụ chăm sóc linh hồn chúng ta, nhiệm vụ mà các ngài sẽ phải trả lẽ (x. Dt 13,17).

Phần các chủ chăn có chức thánh, các ngài phải nhìn nhận và nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội, các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, tin cẩn giao phó cho họ những công tác để họ phục vụ Giáo Hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động; hơn nữa, các ngài cũng nên khuyến khích họ tự đảm lấy trách nhiệm. Với tình cha con, các ngài hãy cẩn thận xem xét, trong Chúa Ki-tô, những kế hoạch, thỉnh cầu và khát vọng của họ. Ðàng khác, các chủ chăn phải nhìn nhận và tôn trọng sự tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực trần thế.

Họ hy vọng rằng, sự liên lạc mật thiết giữa giáo dân và chủ chăn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội: thực vậy, nhờ sự liên lạc đó, giáo dân ý thức trách nhiệm mình một cách vững vàng hơn; lòng hăng say của họ được phát triển, và họ góp sức dễ dàng hơn vào công việc của các chủ chăn. Phần các chủ chăn, nhờ sự trợ lực kinh nghiệm của giáo dân, các ngài có thể phán đoán minh bạch và đúng đắn hơn về những vấn đề thiêng liêng cũng như trần thế; như vậy, toàn thể Giáo Hội được vững mạnh nhờ tất cả mọi chi thể, sẽ chu toàn hữu hiệu hơn sứ mệnh mình đối với sự sống của thế gian.» [Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội tức Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 37].

- Từ bản văn trên chúng ta có thể rút ra những điều sau đây:

- Với hàng Giáo Phẩm: Giáo Dân có:

* QUYỀN được lãnh nhận một cách dồi dào những ơn trợ lực từ kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, nhất là từ Lời Chúa và Bí Tích;

* QUYỀN bày tỏ những nhu cầu và ước vọng của mình, trong tinh thần tự do, tin tưởng phù hợp với tư cách của những con cái Thiên Chúa và anh em Đức Ki-tô;

* KHẢ NĂNG VÀ NGHĨA VỤ (đôi khi) nói lên cảm nghĩ của mình về những việc liên quan tới lợi ích của Giáo Hội trong tinh thần chân thành, can đảm, khôn ngoan, kính trọng và bác ái;

* BỔN PHẬN tuân theo những chỉ thị mà hàng Giáo Phẩm quyết định với tư cách thày dạy  và lãnh đạo Giáo Hội.

- Với Giáo Dân: Hàng Giáo Phẩm:

* PHẢI NHÌN NHẬN và NÂNG CAO PHẨM GIÁ và TRÁCH NHIỆM của Giáo Dân trong Giáo Hội;

* NÊN CHẤP NHẬN những ý kiến khôn ngoan của Giáo Dân, tin cẩn giao cho họ những công tác để họ phục vụ Giáo Hội; 

* NÊN KHUYẾN KHÍCH giáo dân lãnh lấy phần trách nhiệm của họ và tôn trọng sự tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực trần thế.

 

4.2 Trong Sắc lệnh về Chức Vụ và Đời Sống các Linh Mục, số 9 xác định:

“Các Linh Mục phải lãnh đạo cộng đồng làm sao để không tìm lợi ích riêng cho mình, nhưng tìm lợi ích cho Đức Giê-su Ki-tô (Pl 2,21) bằng cách kết hợp cố gắng của mình với cố gắng của giáo dân và xử sự với họ theo gương Thầy là Đấng đến ở giữa mọi người, không phải để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm gía chuộc thay cho nhiều người “ (Mt 20,28).

Cụ thể, Sắc Lệnh vạch ra 6 chỉ dẫn sau đây cho các Linh Mục:

(1º) “Các Linh Mục phải chân thành nhìn nhận và thăng tiến phẩm gía của Giáo Dân và vai trò riêng của họ trong sứ mệnh Hội Thánh;

(2º) “Các Linh Mục phải chân thành kính trọng sự tự do chính đáng mà mọi người có quyền được hưởng trong lãnh vực trần thế;

(3º) “Các Linh Mục phải sẵn lòng lắng nghe Giáo Dân, cứu xét các nguyện vọng của họ trong tinh thần huynh đệ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lĩnh vực khác nhau của hoạt động nhân bản, để cùng với họ có thể nhận biết các dấu chỉ của thời đại;

(4º) “Trong khi nghiệm xét các Thần Khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, các ngài phải lấy tinh thần đức tin mà khám phá và nhận ra các đoàn sủng muôn hình vạn trạng của Giáo Dân, từ những đoàn sủng nhỏ bé nhất đến những đoàn sủng cao vượt nhất. Các ngài sẽ vui mừng nhìn nhận và nhiệt thành phát huy các đoàn sủng ấy;

(5º) “Trong những hồng ân mà Thiên Chúa ban tràn đầy trên các tín hữu như thế, phải đặc biệt lưu tâm đến những ơn lôi kéo một số Giáo Dân tiến xa hơn trên đường thiêng liêng;

(6º) “Cũng thế, các Linh Mục phải biết tin tưởng Giáo Dân để giao phó cho họ những trách nhiệm trong việc phục vụ Hội Thánh, để cho họ được tự do và có điều kiện hoạt động, hơn nữa còn khuyến khích họ mỗi khi gặp cơ hội thuận tiện phải biết tự mình có sáng kiến mà hành động”

 

4.3 Trong Tông huấn “Người Ki-tô hữu giáo dân” (Christifideles Laici), số 29, của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II (là Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1987 về “Ơn gọi và Sứ mạng của Giáo Dân trong Giáo Hội và Thế Giới”), ngoài các quyền mở rộng công tác tông đồ và quyền tham gia vào các đại hội đồng giáo phận, giáo hạt, giáo xứ của Giáo Dân, còn nêu lên một quyền lợi khác là quyền tự do thành lập hội đoàn trong Giáo Hội:

“Trước tiên phải công nhận là người Tín Hữu Giáo Dân có quyền tự do thành lập hội đoàn trong Giáo Hội. Quyền tự do này là một quyền lợi thật, nó không phải chỉ là hình thức“nhân nhượng” của giáo quyền mà là hậu quả đương nhiên của Phép Rửa”   

 

V.- Các VỊ Giáo Hoàng và Giáo LuẬt hẬu Công ĐỒng đã có nhỮng quyẾt đỊnh quan trỌng liên quan tỚi giáo dân.

5.1 Ðức Phaolô VI đã đổi mới hệ thống thừa tác vụ không-bí tích trong Giáo Hội (Ministeria Quaedam, 15.8.1972). Chức Cắt tóc và chức Phụ phó tế không còn; các chức Ðọc sách và Giúp lễ thì đã trở thành những Thừa tác vụ mở rộng cho cả giáo dân.

 

5.2 Bộ Giáo Luật mới liệt kê nhiều nhiệm vụ Giáo Dân có thể đảm trách và thi hành: không chỉ các tác vụ giúp lễ và đọc sách trong phụng vụ (đ 230), mà còn cả tác vụ giảng Lời Chúa (trừ bài giảng sau Phúc âm, đ 776; 762.1). Giáo Dân có thể dạy thần học với danh nghĩa chính thức (đ 229.3), và đến một mức nào đó, đảm nhiệm cả những phận vụ chưởng ấn (đ 483.2), lục sự (đ 483.2) và biện lý trong giáo phận (đ 494); có thể làm thẩm phán trong một tòa án tập đoàn (đ 1431.2), cố vấn thẩm phán (đ 1424), chưởng lý và bảo hệ viên (đ 1435); có thể làm kiểm toán viên (đ 1428.2) cũng như thụ ủy (đ 1483). Trong giáo phận, Giáo Dân có thể làm thành viên của hội đồng kinh tế (đ 492.3) và hội đồng mục vụ (đ 512.1); còn trong họ đạo thì Giáo Dân có thể phối trí những công tác tông đồ dưới quyền chỉ đạo của cha xứ, và nếu không có linh mục, giáo dân có thể đảm trách việc trông coi họ đạo (đ 517.2). Giáo Dân có thể làm thừa sai (đ 784), làm thừa tác viên ngoại thường của Phép Rửa (đ 861.2), phân phát (đ 910.2) và đặt Mình Thánh Chúa (đ 943); Giáo Dân cũng có thể cử hành phụng vụ hôn phối (đ 1112), phụng vụ an táng và nhiều á bí tích khác (đ 1168). Khuôn mẫu pháp lý đã sẵn có, chỉ cần có ứng viên có đủ khả năng và điều kiện vào các chức vụ ấy.

5.3 Trong những thập kỷ gần đây, Tòa Thánh cũng đã đề xuất một số văn kiện về giáo dân. Trong Tông Huấn về Việc Dạy Giáo Lý Catechesi Tradendae (16.10.1979), Ðức Gio-an Phao-­lô II đã nêu bật vai trò của các Giáo Lý Viên Giáo Dân (số 66). Ðặc biệt, Tông Huấn Christifideles Laici (30.12.1988), thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1987, đã được coi là Hiến Chương của Giáo Dân. Tình trạng của Giáo Dân trong Giáo Hội có thể được ví như những người đứng đường rỗi rãi vì không ai mướn, trong khi có nhiều việc phải làm cho vườn nho; giờ đây, gia chủ (Ðức Ki-tô và Giáo Hội) bảo họ: Cả các anh nữa, hãy đi vào làm vườn nho cho tôi! (Mt 20,3-7). Cả một thế hệ sau Vatican II, các Giám Mục mới đấm ngực thú tội là đã không dùng hoặc không dùng cho đúng mức tài năng và đặc sủng của Giáo Dân. Bước vào thiên kỷ thứ ba này, trong Giáo Hội, không ai có thể ở rỗi rãi mà không ra tay làm việc được cả. Ðức Giáo hoàng đã nhắc lại lời của Ðức Pi-ô XII nói rằng Giáo Dân không chỉ thuộc về Giáo Hội, mà chính là Giáo Hội! Thế nên, họ tham dự vào thừa tác vụ tính (ministeria­lity) của Nhiệm Thể Ðức Ki-tô, nghĩa là chia sẻ bản chất tư tế, tiên tri và vương giả của Ðầu là Ðức Ki-tô, trong chiều kích làm men muối và ánh sáng giữa trần thế, như Vatican II đã dạy. Ðể chu toàn sứ mệnh, trước hết giáo dân phải thực sự nên thánh theo ơn gọi và thể cách riêng của mình, phải biết sống hiệp thông với Hội thánh toàn thể và áp dụng những ân huệ của Thánh Thần để phục vụ mọi người. Từ các ân huệ ấy xuất phát các nhiệm vụ, các thừa tác vụ và vai trò khác nhau trong Giáo Hội, lãnh nhận qua các bí tích; do đó, mọi người đều được mời gọi đảm nhận phần trách vụ trong sứ mệnh của Giáo Hội, cả đến trách nhiệm mục vụ trong giáo xứ (Cateche­­si trad. 25-26), cùng tác vụ công bố Tin Mừng cho lương dân (x. số 33, 35). Ðức Gio-an Phao-lô II quả quyết: đã đến giờ phải tiến hành công cuộc tân phúc âm hóa, và nếu đã thông dự trọn vẹn vào trong sứ mệnh tiên tri của Ðức Ki-tô, tất Giáo Dân cũng có bổn phận thông dự hoàn toàn vào trong sứ vụ của Giáo Hội (số 34). Chắc hẳn Giáo Dân cần phải được đào tạo chu đáo hơn cả về mặt giáo lý đức tin lẫn về mặt kỹ năng và đối với công tác đào luyện này, Giáo Sĩ có một bổn phận đặc biệt. Cuối cùng ngài kết thúc: Tôi tha thiết kêu gọi hết thảy mọi giáo hữu, mục tử cũng như giáo dân, hãy mãi mãi kiên trì giữ gìn cho sống động cảm thức về Giáo Hội, luôn luôn ý thức mình là thành phần của Hội thánh Chúa Giê-su Ki-tô, được thông dự vào mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội, vào sức năng động của sứ mệnh tông đồ Giáo Hội đảm nhận (số 64).

Các tài liệu khác cũng đều đi theo cùng một đường hướng và đều gióng lên cùng một lời mời gọi. Quả vậy, càng ý thức về những nhu cầu của Giáo Hội, thì Tòa Thánh càng mạnh mẽ kêu gọi Giáo Dân góp phần vào sứ mệnh chung.»

[Felipe Gomez  Ngô Minh, SJ, bài đã dẫn].

 


ĐÚC KẾT Ý KIẾN

BUỔI THẢO LUẬN & CHIA SẺ

CỦA KHÓA LINH ĐẠO GIÁO DÂN-TRUNG TÂM MỤC VỤ ĐA MINH NGÀY 15/04/2012

 

I. CÂU HỎI

Câu 1

a) Anh/Chị có cho rằng Giáo hội Việt Nam ít biết và ít quan tâm đến việc học hỏi và áp dụng các văn kiện của Công đồng Vatican II không? 

b) Nếu quả thực là Giáo hội Việt Nam ít biết và ít quan tâm đến việc học hỏi và áp dụng các văn kiện của Công đồng Vatican II thì tại sao lại như thế?

Câu 2

a) Theo Anh/Chị thì Giáo hội Việt Nam phải làm gì hơn nữa để nâng cao địa vị và vai trò của giáo dân trong Giáo hội? 

b) Theo Anh/Chị thì Giáo hội Việt Nam phải làm gì hơn nữa để hỗ trợ giáo dân chu toàn trách nhiệm trần thế của họ trong xã hội? 

 

II. ĐÚC KẾT CÁC Ý KIẾN CỦA BỐN NHÓM

Câu 1

a) Anh/Chị có cho rằng Giáo Hội Việt Nam ít biết và ít quan tâm đến việc học hỏi và áp dụng các văn kiện của Công đồng Vatican II không? 

* Có 37/39 học viên cho rằng Giáo hội Việt Nam ít biết và ít quan tâm đến việc học hỏi và áp dụng các văn kiện của Công đồng Vatican II. Và có 2/39 học viên cho rằng Giáo hội Việt Nam biết và quan tâm khá nhiều đến việc học hỏi và áp dụng các văn kiện của Công đồng Vatican II.

 

b) Nếu quả thực là Giáo hội Việt Nam ít biết và ít quan tâm đến việc học hỏi và áp dụng các văn kiện của Công đồng Vatican II thì tại sao lại như thế?

à Theo các thành viên trong Nhóm, thì việc Giáo Hội Việt Nam ít biết và ít quan tâm đến việc học hỏi và áp dụng các văn kiện của Công Đồng Vatican II có các nguyên nhân sau đây:

(1°) Giáo hội Việt Nam cho là giáo dân yếu kém, chỉ dành cho các bậc tu trì mà thôi,

(2°) Không có lớp dậy về Công đồng Vatican II.

(3°) Giáo hội không chia sẻ, giảng dậy về Công đồng Vatican II.

(4°) Điều kiện chính trị, xã hội Việt Nam khiến Hàng Giáo Phẩm chưa tạo nhiều cơ hội.

(5°) Những lớp học còn giới hạn về số học viên tham dự.

(6°) Giáo dân còn bận rộn công việc, chưa có thời gian.

(7°) Giáo dân hiền, cả nể phụ thuộc vào linh mục nhiều.

(8°) Linh mục chưa thực sự hiểu và tạo cơ hội để giáo dân hoạt động.

(9°) Có ít khóa học giúp giáo dân hiểu biết về Công đồng Vatican II.

(10°) Bản than giáo dân ít chịu tìm hiểu, học hỏi.

(11°) Tập quán của đa số giáo dân là nghe hơn là đọc và học hỏi.

(12°) Đội ngũ những người giảng dậy về Công đồng Vatican II rất ít, còn linh mục thì nhiều việc ở giáo xứ cũng không có thời gian để dậy cho giáo dân.

(13°) Giáo dân không có tiếng nói, theo sự áp đặt của linh mục.

(14°) Không được sự quan tâm của cha xứ khuyến khích giáo dân học tập, chỉ mến đạo, mộ đạo, giữ đạo (chưa hiều đạo).

(15°) Tinh thần củagiáo dân không quan tâm, không học hỏi.

(16°) Kinh tế khó khăn, hạn chế trình độ, nhận thức nên chưa quan tâm.

(17°) Chỉ học vể Kinh Thánh, các cha chưa quan tâm phổ biến các văn kiện cho giáo dân, không đưa vai trò giáo dân trong Giáo hội.

 

Câu 2

a) Theo Anh/Chị thì Giáo hội Việt Nam phải làm gì hơn nữa để nâng cao địa vị và vai trò của giáo dân trong Giáo hội? 

à Theo các thành viên trong Nhóm, thì nếu muốn nâng cao địa vị và vai trò của giáo dân trong Giáo hội thì Giáo hội Việt Nam phải làm hơn nữa những việc sau đây:

(1°) Phổ biến toàn bộ các văn kiện cho giáo dân,cho những người có trình độ

(2°) Những người trong hội đoàn phải ý thức tham gia các buổi học tập.

(3°) Các vị chủ chăn phải thay đổi suy nghĩ, để cao nâng cao vai trò của giáo dân, mở các lớp học phổ biến văn kiện cho giáo dân biết và thực hiện.

(4°)  Tinh thần học hỏi của giáo sĩ, giáo dân còn thấp, phải cần cố gắng học tập hơn nữa.

(5°) Giáo hội Việt Nam cần nâng cao trình độ cho giáo dân bằng việc mở các lớp học.

(6°) Mỗi giáo dân tự học hỏi và trang bị kiến thức cho mình.

(7°) Cải tổ quan điềm suy nghĩ các thành phần trong Giáo hội.

(8°) Giáo dân cần học hỏi nhiều hơn về Công đồng để sống đúng tinh thần.

(9°) Các thừa tác (có chức thánh) cần khuyến khích tinh thần học hỏi, tổ chức cho giáo dân học.

(10°) Linh mục và giáo dân cần xây dựng mối liên hệ hợp tác yêu thương xây dựng cho nhau nhiều hơn. Tránh thái độ linh mục là bề trên, truyền lệnh cho giáo dân.

(11°) Tổ chức nhiều lớp học để giáo dân biết được vai trò của mình trong Giáo hội.

(12°) Tổ chức nhiều lớp tại giáo hạt để giáo dân thuận tiện trong việc di chuyển.

(13°) Linh mục phải gần gũi với giáo dân để có thể khơi dậy trong giáo dân niềm yêu mến, ham học hỏi.

(14°) Linh mục tin tưởng, khuyến khích để giao phó cho giáo dân các trọng trách trong Giáo hội.

 

b) Theo Anh/Chị thì Giáo hội Việt Nam phải làm gì hơn nữa để hỗ trợ giáo dân chu toàn trách nhiệm trần thế của họ trong xã hội? 

à Theo các thành viên trong Nhóm, để hỗ trợ giáo dân chu toàn trách nhiệm trần thế trong xã hội thì Giáo hội Việt Nam phải làm hơn nữa những việc sau đây:

(1°) Dậy cho giáo dân biết linh đạo giáo dân để họ chu toàn trách nhiệm trần thế trong xã hội, không thể linh đạo giáo sĩ, tu sĩ cho giáo dân.

(2°) Hàng giáo phẩm phải làm gương cho giáo dân để họ cũng trở thành muối men giữa cuộc sống thường ngày.

(3°) Có người linh hướng cho từng nhóm đối tượng (sinh viên, doanh nhân, công nhân).

(4°) Phải tôn trọng giáo dân, huấn luyện giáo dân trong công tác tông đồ, nhất là quan tâm đến giới trẻ, giáo lý viên.

(5°) Đổi mới tư duy não trạng cho giáo dân sang não trạng của giáo dân

(6°) Tạo điều kiện cho giáo dân phát triển học tập.

(7°) Nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức, học hội giáo lý, Kinh Thánh cho giáo dân.

(8°) Mở lớp nâng cao trình độ của giáo dân.

(9°) Giáo hội phải truyền thông rộng rãi vai trò của giáo dân.

(10°) Người Ki-tô hữu chúng ta phải biết sống khích lệ, ủng hộ và hưởng ứng.

(11°) Là một Ki-tô hữu thì người giáo dân của chúng ta sống cuộc sống đích thực, hữu ích, năng lực thì mới giúp ích cho xã hội thăng tiến.

(12°) Tạo một cầu nối thiết thực giữa giáo dân và Giáo hội và đời sống tu sĩ để học hỏi tìm hiểu về lối sống đạo.

(13°) Nói cho giáo dân biết vị thế thực sự của mình để họ tích cực sống đạo.

(14°) Giáo dân tôn trọng linh mục và cần đóng góp thẳng thắn hơn.

(15°) Các thành phần trong Giáo hội cần tôn trọng nhau và kết hợp nhuần nhuyễn hơn để sống tinh thần đạo giữa đời.

(16°) Phổ biến nhiều hơn văn kiện, tài liệu về Giáo hội để giáo dân hiểu và sống mầu nhiệm Giáo hội hơn.

 

Người nêu câu hỏi và đúc kết các ý kiến

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

 

 

BỐN ĐỀ TÀI CHÍNH

CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Gm Gio-an Baotixia Bùi Tuần

 

Dịp Tĩnh Tâm tháng này, tôi xin trình bày mấy nét chính của nội dung Công đồng Vatican II. Tôi chọn đề tài trên vì 3 lý do:

* Lý do thứ nhất là vì tháng vừa qua, khi nghe rao ý chỉ cầu nguyện tháng 3 in trong lịch công giáo là: “Cầu cho mỗi người Kitô hữu cũng như các Giáo hội địa phương biết luôn luôn theo tinh thần Công đồng Vatican II”  thì nhiều giáo dân và có cả người ngoại đã hỏi: “Tinh thần Công đồng Vatican II là gì?” Thực là bất ngờ nhận thấy không thiếu người, kể cả linh mục, tu sĩ đã không trả lời được.

*  Lý do thứ hai là vì tháng vừa qua, một Tổng Giám Mục nổi tiếng cực kỳ bảo thủ, không chịu tuân thủ Công đồng Vatican II đã từ trần. Đó là Đức Cha Marcel Lefèvre. Nhìn ngài, rồi lại nhìn vào chính mình ta, chúng ta nên tự xét mình, ta có thực sự tuân thủ Công đồng Vatican II không?   

* Lý do thứ ba là vì tháng vừa qua, tôi nghe có một linh mục ngoại quốc, sau khi đã tiếp xúc với một số Giám mục, Linh mục, tu sĩ và tham dự nhiều cuộc lễ tại Việt Nam, đã có cảm tưởng là: sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam rất sinh động, nhưng tiếc là chưa có bề sâu của Công đồng Vatican II. 

Ba lý do trên đây thiết tưởng đủ mạnh để thúc giục tôi nói để thôi thúc anh chị em lắng nghe, và để mời gọi chúng ta cùng suy nghĩ.

Tôi sẽ vắn gọn.

         

 Công đồng Vatican đưa ra bốn đề tài chính:

 * Đề tài thứ nhất là Hội Thánh thao thức với sứ mệnh Truyền Giáo.

 Truyền Giáo là bản chất của Hội Thánh. Thế nhưng, sau gần 20 thế kỷ, ngay khi lúc Công đồng đang họp, thì nhiều nơi trên thế giới không hề biết gì đến Tin Mừng cứu độ. Thí dụ: trong năm châu thì châu Á đông dân nhất, sắp chiếm gần nửa dân số nhân loại. Nhưng hiện nay số người công giáo chưa tới 4 phần trăm. Rồi trên năm châu hiện nay, có nhiều loại người mà người ta gọi là thuộc những thế giới chuyên môn, thí dụ thế giới khoa học, thế giới văn học, thế giới nghệ thuật, thế giới chính trị, thế giới kinh tế; các thế giới này hoạt động hầu như không hề biết đến Tin Mừng cứu độ.

Trong tình hình như trên, Hội Thánh không thể chỉ lo quy tụ những người đã rửa tội, mà cũng phải lo đi rao giảng Tin Mừng cho những ai chưa biết Tin Mừng như lời Đức Kitô đã truyền. Khi nhận thức được tiếng gọi đó, thì Bí tích Truyền Chức nên được nhấn mạnh đến ý nghĩa là dụng cụ và dấu chỉ của sự sai đi rao giảng Tin Mừng cho những người chưa biết Tin Mừng. Do đó, linh mục phải coi việc rao giảng Lời Chúa là thừa tác vụ ưu tiên hàng đầu.

Tình hình hiện nay kêu gọi mọi người trong Hội Thánh phải thao thức đến việc truyền giáo. Tất cả mọi thành phần Dân Chúa đều có trách nhiệm phục vụ cộng đoàn Hội Thánh đã thành hình, đồng thời cũng có trách nhiệm xây dựng những cộng đoàn Hội Thánh đang sinh ra.

Đừng cho rằng: Hoàn cảnh hiện nay không thuận lợi, nên không thể nghĩ đến việc truyền giáo. Xin thưa: Hoàn cảnh hiện nay tuy khó khăn, nhưng cũng có nhiều mặt thuận lợi cho những ai có tinh thần truyền giáo, khôn khéo và năng động. Hoàn cảnh thời các tông đồ còn khó gấp bội. Hoàn cảnh Việt Nam thời cha Alexandre de Rhodes cũng khó khăn gấp bội. Thế mà các ngài đã hoạt động truyền giáo không ngơi nghỉ. Và kết quả không phải là nhỏ. Dù sao, câu hỏi đặt ra cho ta hôm nay là: “ta có thực sự quan tâm đến việc truyền giáo không?”

 

* Đề tài thứ hai là Hội Thánh tập trung vào Đức Kitô là trung tâm điểm.

Sách Tông Đồ Công Vụ và các thánh thư cho thấy sự thực quan trọng đó. Thế nhưng, dần dà trung tâm điểm là Đức Kitô đã bị lu mờ. Có nơi đức tin được tập trung vào sự thuộc lòng các kinh, các chân lý đức tin và luân lý. Có nơi đức tin được tập trung vào sự vâng phục các kỷ luật chung của Hội Thánh và riêng của cộng đoàn. Có nơi đức tin được tập trung vào việc tôn sùng vị thánh này đấng thánh nọ.

Đang khi đó, đức tin đích thực phải là tin vào Đức Kitô chiụ nạn và phục sinh. Đức Kitô không phải chỉ là gương mẫu, là Thầy dạy mà còn là chính sự sống của người tin. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Ta là Đàng, là Sự Thực và là Sự Sống”. Tin Đức Kitô là tham dự  vào sự sống của Ngài, là thông hiệp mật thiết với Ngài, như hình ảnh cành cây với thân cây: “Ta là cây nho, chúng con là nhành”. Tin Đức Kitô là có Đức Kitô trong mình, như Thánh Phaolô nói: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi”.

Để tập trung vào Đức Kitô, chúng ta cần tăng cường cầu nguyện, suy gẫm đời sống Đức Kitô và học hỏi Mặc Khải của Đức Kitô.

Tôi nghĩ rằng: Tín hữu nào và cộng đoàn đức tin nào không đi vào chiều sâu của trung tâm điểm đó, sẽ khó tránh được suy thoái mặc dù được sống trong những hoàn cảnh xã hội, chính trị, kinh tế thuận lợi. Dù sao câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay, là ta có thực sự tập trung tu đức và mục vụ của ta vào Đức Kitô không?

 

* Đề tài thứ ba là Hội Thánh gồm toàn thể Dân Thiên Chúa.

Trước Công đồng Vatican II, người ta có thói quen nhìn Hội Thánh chỉ là Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục và các linh mục. Thấy cái nhìn nhu vậy là không đúng, Công đồng Vatican II đã xác định Hội Thánh là toàn thể Dân Thiên Chúa. Dân Thiên Chúa là mọi người đã được rửa tội và tin vào Đức Kitô. Tất cả mọi người ấy đều có giá trị như nhau, đó là giá trị làm con Chúa. Tất cả mọi người ấy đều có tự do như nhau, đó là sự tự do mà Chúa Thánh Thần ban cho. Tất cả mọi người ấy đều có một ơn gọi như nhau, đó là ơn gọi nên thánh. Tất cả mọi người ấy đều có sứ mệnh như nhau, đó là sứ mệnh xây dựng Hội Thánh.

Tuy nhiên, trong Dân Chúa phải có những thừa tác vụ, đó là các Đức Giám Mục, các linh mục và các Thày Sáu. Các vị ấy là những người phục vụ, những người đưộc sai đi, những người nhận lãnh trách nhiệm quan trọng. Các ngài là những dụng cụ, những dấu chỉ. Các vị ấy cũng như toàn Dân Chúa đều phải trung thành, gắn bó với Phúc Âm, với bí tích Thánh Thể và với Chúa Thánh Thần.

Trong quan niệm mới này về Hội Thánh, Công đồng đề cao vai trò giáo dân và muốn cho vai trò giáo dân được phát huy mạnh mẽ. Cũng do quan niệm mới này về Hội Thánh, Công đồng Vatican II khuyến khích tinh thần đại kết giữa các Hội Thánh cùng tin vào Đức Kitô và cổ võ tinh thần đối thoại với các tôn giáo khác và nững người không tin.

Một quan niệm như thế về Hội Thánh sẽ không phù hợp với quan niệm về Hội Thánh khép kín hình Kim Tự Tháp. Theo đó, Đức Giáo Hoàng truyền xuống cho các Đức Giám Mục, các Đức Giám Mục truyền xuống cho các linh mục, các linh mục truền xuống cho các giáo dân. Đó là con đường mòn mà Công đồng Vatican II không còn thừa nhận.

Thế nhưng, trong cách đối xử và làm việc, không thiếu người vẫn bảo vệ con đường mòn đó. Dù sao, câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay là: Chúng ta có xây dựng những mối liên đới đúng đắn trong phạm vi Hội Thánh chúng ta, hợp với định nghĩa Hội Thánh là Dân Thiên Chúa không?

 

* Đề tài thứ bốn là Hội Thánh nhận thức về mối tương quan mật thiết giữa Hội Thánh và thế giới.

Hội Thánh và thế giới cùng xuất phát từ một nguồn mạch, đó là Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc. Hội Thánh và thế giới cùng được hướng dẫn về cùng một mục đích, đó là sống hạnh phúc do có công lý, bình an, yêu thương đoàn tụ trong gia đình một cha chung trên trời. Hội Thánh và thế giới cùng có các thành viên như nhau đó là những con người, vừa là dân Chúa, vừa là công dân một nước.  Như vậy, một cách huyền nhiệm, thế giới đã thuộc về Chúa, về Đức Kitô và về Hội Thánh của Ngài. Do đó, mọi người trong thế giới và mọi giá trị của họ, bất cứ có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng, bất cứ thuộc tôn giáo nào, đều có quyền được Hội Thánh kính trọng, và Hội Thánh cần có liên hệ tốt với họ. Cũng vậy, các vấn đề của thế giới, như nền hòa bình, sức khỏe, tình yêu, lao động, khoa học, chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao….đều là những thực tại trần thế làm nên một cánh đồng mênh mông của cuộc sống, mà Hội Thánh không có quyền làm ngơ.

Hội Thánh là một mảng của nhân loại được đặc ân có Tin Mừng cứu độ, thì Hội Tháni đem Tin Mừng ấy tưới cho cánh đồng muôn mầu đó. Hội Thánh phải cởi mở dấn thân vào các thực tại trần thế. Các vấn đề của cuộc sốngphải được Hội Thánh quan tâm. Hội Thánh phải có mặt và góp phần giải quyết các vấn đề đang là những trăn trở của con người hôm nay. Không phải chỉ ra khỏi nhà thờ, người Kitô hữu mới nghĩ đến việc dấn thân như vậy, mà ngay trong các lời kinh, các bài thánh ca, cả đến phụng vụ cũng không được quên những nhịp đập của dân tộc mình, của đồng bào địa phương mình, với những niềm vui nỗi buồn của họ.

               Về điểm này, tôi thấy Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã rất cởi mở và sâu sắc. Trong dịp tiếp hàng giáo sĩ Roma ngày 14.2.1991 Đức Thánh Cha nói: “Hội Thánh phải nhìn mình trong thế giới, và Hội Thánh phải nhìn thế giới qua sứ mệnh của mình”. Trong tinh thần ấy, anh chị em và tôi phải nhìn giáo xứ và giáo phận của ta trong các tương quan với đồng bào của ta và với Tổ Quốc Việt Nam của ta. Ta sống đức tin là sống với và sống trong địa phương này, đất nước này. Đức Thánh Cha kêu gọi ta hãy để ý cái từ với và cái từ trong.

Trên đây là những đề tài chính của Công đồng Vatican II. Tôi tóm lại, theo nội dung trong cuốn “Préparer aujourd’hui l’Eglise de demain” của Đức Cha Gabriel Matagrin, Giám Mục Grenoble.

Tôi vẫn dùng 4 đề tài trên đây như thước đo, để đánh giá một giáo sĩ, một giáo xứ, một giáo phận. Và tất nhiên, đó cũng là những hướng đi mà tôi cố gắng theo đuổi.

 

[Bài nói chuyện của Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần, Giám Mục Phó Giáo phận Long Xuyên, với các linh mục, tu sĩ dịp Tĩnh Tâm tại Long Xuyên ngày 01 tháng 4.1991].

 

 


BA THAO THỨC XUẤT PHÁT

TỪ CÔNG ĐỒNG VATICAN II  & HOÀN CẢNH VIỆT NAM

Gm Gio-an Baotixia Bùi Tuần

 

Lời đầu tiên tôi muốn nói ở đây là lời cám ơn tất cả anh em. Cám ơn vì anh em đã có mặt ở đây, cám ơn vì những tình cảm tốt lành anh em đã dành cho tôi và cho địa phận. Cám ơn vì những đóng góp thân tình và tích cực anh em dành cho Hội Thánh nói chung và giáo xứ mình nói riêng.

Tôi coi cuộc gặp gỡ hôm nay là cuộc gặp gỡ gia đình, một cuộc gặp gỡ hiếm có. Vì thế, tôi muốn lợi dụng cuộc gặp gỡ gia đình này để tâm sự với anh em.

Tôi xin chia sẻ một số thao thức của tôi, những thao thức ngày đêm như những hòn than  cháy bỏng âm ỉ trong lòng tôi.

 

1/ Thao thức thứ nhất của tôi là công việc xây dựng nhân sự về mặt văn hóa cuộc sống.

Khi nhìn về tương lai, tôi thấy trong những năm sắp tới, cái sẽ nắm quyền chỉ huy con ngườinViệt Nam không còn là ý thức hệ nữa, mà sẽ là văn hoá đời sống. Anh em chỉ cần nhìn qua bầu khí tâm lý lúc này của những người chung quanh và của chính chúng ta, thì sẽ hiểu được điều tôi nói. Cái gì đang điều khiển con em chúng ta? Cái gì đang hướng dẫn những người chung quanh chúng ta trong những lựa chọn, trong những sắp xếp, trong các chương trình, trong các kế hoạch? Thưa là những gì nhìn thấy ở tivi, ở video, những gì nhìn thấy ở những tiệm bày bán, những gì nhìn thấy ở các mẫu mã, những gì nhìn thấy ở trên con người, những gì nhìn thấy ở các đồ vật bày trong mỗi gia đình. Rồi ngoài những cái nhìn thấy như vậy, còn là những gì đọc được trên các sách , các báo, trong các dư luận thu tập được qua những cuộc dối thoại trao đổi. Thêm vào đó còn là những gì nghe được qua đài này đài nọ.

              Tất cả những cái đó đang mở ra một chân trời mới về lãnh vực khoa học, về lãnh vực kỹ thuật, về lãnh vực mỹ thuật, về lãnh vực tư tưởng. Nó cung cấp cho con người bây gìơ những giá trị mới. Chẳng hạn như cái gía trị bây giờ người ta cho là rất quan trọng – mà trước đây ta không để ý – đó là sự chính xác.  Đồng hồ tốt là đồng hồ phải chính xác, đúng giờ. Hoạt động tốt là hoạt động phải chính xác, đúng việc, đúng nội dung, đúng thời, đúng nơi. Người tốt là người phải chính xác, nói đúng làm đúng. Tất cả những gía trị như thế đang dần dần tạo ra một thứ tòa nhà vô hình để che chở cuộc sống. Dần dần nó tạo ra một vườn hoa vô hình để làm đẹp cuộc sống. Dần dần nó tạo ra một dòng sông vô hình để phát triển cuộc sống. Cuộc sống nào cũng phải dính vào đó, kể cả cuộc sống đức tin. Ví dụ như cuộc lễ hôm nay, nội dung thuần túy đức tin, nhưng phải dựa vào văn hóa cuộc sống. Nếu hệ thống âm thanh không tốt, thì cuộc lễ hôm nay sẽ không thành công. Nếu không có những vẻ đẹp của cung thánh, vẻ đẹp của những mầu hoa mầu áo, thì chưa chắc cuộc lễ tôn giáo sẽ thành công. Nếu những bài thánh ca của ca đoàn, của cộng đoàn không có kỹ thuật, tinh thần dân tộc thì chưa chắc cuộc lễ sẽ thành công. Rồi nếu thiếu một chút kinh tế, thì chưa chắc cuộc lễ sẽ thành công. Rồi nếu bài giảng của tôi không có tính cách hệ thống rõ ràng, chính xác, cuộc lễ chưa chắc sẽ thành công.

Tôi gọi tất cả những gía trị ấy là văn hóa cuộc sống. Văn hóa cuộc sống chính là trình độ, cái đúng, cái thực, cái hay, cái đẹp, cái thiện trong tư tưởng, trong lời nói, trong việc làm, trong các tương quan.

Văn hóa cuộc sống ví như chiếc xe. Ta phải chuyên chở đức tin nhờ chiếc xe đó. Nếu thiếu văn hóa cuộc sống, đức tin sẽ khó diễn tả được, sẽ khó vận chuyển được, sẽ khó hấp dẫn được.

Văn hóa cuộc sống dần dần trở thành một tiêu chuẩn để đánh giá một con người, đánh gía một họ đạo, đánh gía một Hội Thánh, đánh gía một dân tộc. Nếu người ta đến xứ đạo chúng ta, thấy nhà thờ rất lớn, nhưng khi gặp cha xứ, tu sĩ, hội đồng giáo xứ, giáo dân, người ta thấy văn hóa cuộc sống của ta quá thấp, quá thiếu, tôi e rằng người ta sẽ chê cười.

Nền văn hóa cuộc sống như tôi vừa nói, đang làm nên gía trị của con người, nhất là khi chúng ta nhìn về tương lai, một tương lai sẽ được hướng dẫn bởi văn hóa, chứ không bởi chính trị.

Trên đây là cái nhìn của tôi về năm 2000. Xây dựng nhân sự linh mục, tu sĩ, hội đồng giáo xứ và quảng đại quần chúng công giáo là phải để ý xây dựng nền văn hóa cuộc sống. Mỗi người phải nâng cao trình độ tư tưởng lên, trình độ kỹ thuật lên, trình độ khoa học lên, trình độ nhân bản lên.

Nói như vậy để anh em hiểu thiện chí không đủ. Tôi biết là anh em đầy thiện chí. Nhưng nếu chúng ta không để ý đến vấn đề xây dựng thêm văn hóa cuộc sống, tôi sợ rằng tương lai đang mở ra, nhưng chúng ta sẽ lại lỡ chuyến tầu lịch sử, sẽ lại lỡ chuyến xe lịch sử, vì chúng ta không biết đi vào đúng tuyến đường lịch sử, đó là văn hoá.

 

2/ Thao thức thứ hai của tôi là công việc xây dựng nhân sự về mặt nội dung đức tin           

Tôi cũng đang nhìn về năm 2000. Tương lai trước mặt là một thời điểm mở ra. Mà khi mở ra thì các trào lưu văn minh sẽ tràn vào. Cái tốt cũng tràn vào, cái xấu cũng tràn vào. Cái tốt cũng hấp dẫn, cái xấu nhiều khi hấp dẫn hơn.

Trong thời điểm mở ra như vậy, nếu đức tin không vững, không sâu, không thực chất, mà chỉ là cái hình thức bên ngoài, thì phong trào văn minh tự do đang tới sẽ lôi cuốn những cái vỏ đức tin ấy như những chiếc bèo trên sông. Vì thế mà tôi muốn rằng bây giờ còn thời giờ thì phải xây dựng nội dung đức tin cho sâu, cho trúng, cho vững.

Nội dung đức tin mà tôi thấy cần thông báo cho anh em, đó là sự gặp gỡ đức Kitô sống động. Khi tôi thấy các trẻ đọc giáo lý rất thuộc tôi vẫn nghĩ rằng thuộc giáo lý vẫn chưa phải là đức tin. Đức tin là đón gặp được Đức Kitô sống động. Ngài đến với ta, Ngài ở trong ta, Ngài chia sẻ sự sống của Ngài với ta. Sống đức tin là một cuộc trao đổi tình yêu với Chúa như trao đổi tình yêu giữa hai người thương nhau sống động.

Rồi sống đức tin là nhận ra dung mạo thực của Chúa. Quen gặp Chúa rồi, ta sẽ nhận ra khuôn mặt của Chúa. Cái đẹp nhất của Ngài là tình yêu. Không phải gặp dược ở sách giáo lý, mà do tiếp xúc với Ngài nhiều lần. Sống với Ngài, nên thấy khuôn mặt của Ngài có nét đặc biệt đó là tình yeu thương xót.

Rồi sống mật thiết với Đức Kitô, sẽ dần dần nhận ra chữ ký của Chúa Kitô. Tôi dùng từ đó để anh em hiểu. Khi tôi gặp một người, tôi để ý xem người ấy có chữ ký của Chúa Kitô trên đời sống của họ không. Có những mét của Chúa Kitô rất dễ nhận ra. Thí dụ nét khiêm nhường. Đức Kitô quì xuống rửa chân cho các môn đệ. Đó là sự khiêm nhường trên mọi sự khiêm nhường. Ai có nét đó thì như mang nét chữ ký của Đức Kitô trong đời sống mình. Rồi một nét nữa của Đức Kitô là quên mình. Trên Thánh Gía, Chúa Giêsu chết mà không lo cho mình, chỉ lo cho người khácc. Ngài quên mình vì phục vụ. Rồi một nét khác của Đức Kitô là sự hiền lành yêu thương. Khi nhìn một cuộc sống, khi nhìn một gia đình, khi nhìn một nhà xứ, một nhà tu nếu tôi cảm thấy có một cái gì là quên mình hy sinh có một cái gì là khiêm nhường hiền lành, tôi sẽ cho rằng Đức Kitô đã ký trên cuộc sống đó. Cái đó chỉ nhận ra được qua cuộc sống đức tin. Chứ nếu đức tin chỉ là học cho thuộc bài giáo lý thì không thấy được.

Rồi một khi đã quen sống với Đức Kitô đức tin là gặp gỡ Ngài, sống với Ngài thì chúng ta cũng dễ nhận ra hương thơm của Đức Kitô. Đó là Tám Mối Phúc Thật. Tám Mối Phúc Thật là một thư hương thơm thiêng liêng tuyệt vời, chỉ những người sống đức tin sâu sắc, thực sự mới có, và mới cảm thấy được.

Rồi sống đức tin còn là chia sẻ những tâm tình, thao thức của Đức Kitô. Thật sự khi nhìn các sinh hoạt về ngoài của một giáo xứ, tôi thấy hoạt động bên ngoài có vẻ rầm rộ. Nhưng tôi vẫn cảm thấy nội dung đức tin chưa sâu. Nhất là khi tôi nhìn những thao thức của họ. Ít người có những thao thức của Chúa Kitô. Thao thức của Chúa Kitô là đi cứu độ mọi anh em, người lương người giáo. Ngài yêu thương tất cả, cứu độ tất cả. Khi nhìn sinh hoạt dân Chúa tại các giáo xứ, tôi thấy ít có những thao thức ấy lắm. Tôi cảm thấy như thể nhiều nơi mắc một chứng bệnh mất máu thiêng liêng. Đức tin nghèo nàn, xanh nhợt, chỉ là cái vỏ thôi. Bởi vì đã không có những thao thức với Đức Kitô. Ngày đêm chỉ thao thức về tiền của, rồi cạnh tranh nhau chuyện này chuyện nọ, chứ không phải là thao thức như Đức Kitô suốt ngày suốt đêm, lo phục vụ loài người, đi tìm loài người.

Điều mà tôi rất thao thức đó là xây dựng nhân sự sao cho có một nội dung đức tin cho thực đẹp. Cần phải sống đức tin, nhận ra chữ ký của Đức Kitô, nhìn rõ khuôn mặt thực sự của Đức Kitô, chia sẻ những thao thức của Đức Kitô trong từng thời điểm, nhận ra được những gía trị thực sự mà Đức Kitô muốn đem lại cho Việt Nam hôm nay.

 

3/ Thao thức thứ ba của tôi là công việc xây dựng nhân sự về mặt đổi mới con người theo tinh thần Công Đồng Vatican II           

Như tôi vừa nói, tương lai sẽ là một tương lai cởi mở. Nhà Nước sẽ cởi trói chúng ta, cởi trói về pháp luật. Còn Hội Thánh đã cởi trói cho chúng ta từ lâu rồi qua Công Đồng Vatican II. Thế nhưng, khi nhìn vào các nếp sống đạo, tôi thấy chúng ta tự trói mình nhiều quá. Chúng ta không những là không chịu cởi trói ra, mà lại còn tự trói mình lại.

Trước hết, Công Đồng Vatican II mở trói cho chúng ta bằng cách khuyên chúng ta hãy tập trung vào Đức Kitô và Phúc âm của Người. Điều này có nghĩa là đừng trói mình vào các tập tục nghịch với Phúc âm Đức Kitô. Chúng ta thử nhìn xem các tập tục trong các kênh, các xứ. Nhiều tập tục là những cái dây, những cái xiềng xích trói buộc con người. Mà đó là tự ta trói mình và trói nhau. Đức Kitô bảo mở ra. Công Đồng nói mở ra. Hãy nhìn Đức Kitô và Phúc âm của Người. Căn bản cốt cách của Đạo là công bình bác ái. Tập trung vào đó thì tự nhiên Đạo của ta sẽ mở ra.

 Rồi tôi cũng nhìn thấy nhiều nơi vẫn còn trói mình trong các bờ cõi chật hẹp của họ đạo mình. Đang khi đó Công Đồng Vatican II đã mở trói cho chúng ta, bảo chúng ta rằng hãy nhìn về phía các nơi truyền giáo, hãy biết nhìn đến những người ngoài công giáo ngoài Hội Thánh chúng ta.

Rồi tôi cũng nhìn thấy nhiều nơi còn trói mình vào một hình ảnh phiếm diện của Hội Thánh. Cứ cho Hội Thánh chỉ là các Đức Cha, các linh mục, đang khi Công Đồng Vatican II nói rằng Hội Thánh là tất cả Dân Thiên Chúa. Ai cũng có bổn phận trong Hội Thánh. Ai cũng có quyền trong Hội Thánh. Những cái đó thực sự Công Đồng đã mở ra rồi. Nhưng chúng ta cứ tự trói lại.

Rồi nhìn vào các giáo xứ, tôi lại thấy nhiều người tự trói mình vào một thói quen hẹp hòi cho rằng sống đạo là chỉ cần những việc của tôn giáo, rồi coi thường những gía trị trần thế, đang khi đó Công Đồng Vatican II nói rằng không những phải lo việc đạo, mà cũng phải dấn thân phát triển những gía trị trần thế, chính trị, khoa học, mỹ thuật, cuộc sống…

Phải mở ra. Hãy cởi trói. Đừng trói mình. Đừng trói nhau. Đó là tinh thần của Công Đồng Vatican II mà tôi thấy nhiều nơi chưa hiểu, chưa thấm nhuần.

Thưa anh em,

Tôi vừa nói với anh em về ba thao thức của tôi:

Thao thức thứ nhất là công việc xây dựng nhân sự về mặt văn hóa cuộc sống,

Thao thức thứ hai là công việc xây dựng nhân sự về mặt nội dung đức tin, 

Thao thức thứ ba là công việc xây dựng nhân sự về tinh thần Công Đồng Vatican II đổi mới.

Xin anh em nhớ ít ra ba thao thức đó, để anh em thông cảm với tôi nhiều hơn, để anh em cùng thống nhất với tôi trong đường lối xây dựng nhân sự, và để anh em biết rằng nếu không đạt được lý tưởng mình mong muốn thì ít ra cũng cố gắng góp phần vào bằng cách cầu nguyện cho chương trình mà tôi vừa chia sẻ.

Năm 2000 là năm thị trường cạnh tranh mạnh. Cạnh tranh hàng hóa, cạnh tranh người giỏi, cạnh tranh người tài, cạnh tranh người có đức.

Cạnh tranh quan trọng nhất chính là cạnh tranh con người. Nếu chúng ta, gia đình ta có con em tốt, có một nền văn hóa cuộc sống cao, có một nội dung đức tin vững, sâu, có một tinh thần đổi mới của Vatican II, chúng ta đi đâu cũng sẽ được kính trọng. Chúng ta có thể đối thoại với Phật Giáo, với anh em Cộng Sản, với Tin Lành, với bất cứ ai.  Còn trái lại, nếu chúng ta kém về văn hóa cuộc sống, nếu chúng ta nông cạn về đời sống đức tin, nếu chúng ta cứ  tự trói mình vào nếp sống cũ ngược lại Công Đồng Vatican II, thì tôi sợ rằng càng đi vào tương lai năm 2000, chúng ta càng sẽ yếu, chúng ta sẽ tự mình làm nô lệ cho người khác, họ đạo chúng ta sẽ không thể so sánh được với ai, người ta sẽ không kính trọng chúng ta, người ta sẽ không cần chúng ta. Và như vậy, không những chúng ta thiệt, mà Đạo chúng ta cũng thiệt, Hội Thánh chúng ta thiệt, Đất Nước chúng ta thiệt.

Tóm tắt một lời, vấn đề xây dựng nhân sự là rất quan trọng. Văn hóa cuộc sống, nội dung đức tin và tinh thần Công Đồng Vatican II. Cứ ba hướng đó mà đi, nếu chúng ta biết lo cho con em mình, lo cho họ đạo mình.

Hãy cố gắng. Tôi nghĩ rằng công việc không phải dễ đâu. Nhưng nếu chúng ta có hướng đi, có kế hoạch, có thiện chí. Và nếu chúng ta biết cùng làm với nhau thì địa phận chúng ta sẽ lên, giáo hạt chúng ta sẽ lên, giáo xứ chúng ta sẽ lên, gia đình chúng ta sẽ lên và bản thân chúng ta sẽ có gía trị trong tương lai của Đất Nước đang mở ra.

              

Xin cám ơn anh em.

 

[Bài nói chuyện của Đức Cha G.B. Bùi Tuần, giám mục phó Long Xuyên tại Nhà Thờ Thạnh An, ngày 14.4.1992, với các Ban Hành Giáo giáo hạt Thốt Nốt]

 

 


ĐỊA VỊ VÀ SỨ MỆNH

CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN

 

 Lm Giuse Hoàng Kim Đại

 

LỜI MỞ ĐẦU

Hội Đồng Giám Mục VN đã viết trong thư mục vụ năm 2006 như sau:

“Chúng tôi “chọn chủ đề : Sống đạo hôm nay, để mời gọi mỗi người sống niềm tin bằng những hành động cụ thể, như thánh Giacôbê Tông đồ viết: “Đức tin không có hành động quả là đức tin chết.” Gc 2,17). Quả thực, đời sống đạo vừa cần gắn bó với Thiên Chúa, vừa phải đi đến với anh em, như Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể và nhập thế đã nêu gương cho chúng ta.” (Thư MV số 1)

Để giúp anh chị em đáp ứng lời mời gọi của Hội đồng Giám mục, tôi gửi đến anh chị em tài liệu về : Địa vị và sứ mệnh của người giáo dân đã được Công đồng Vaticanô II quyết nghị và công bố từ năm 1965.   

Tôi hy vọng tài liệu trích dẫn từ Công đòng Vaticanô II này sẽ giúp anh chị em hiểu rõ hơn địa vị và sứ mệnh của mình trong Hội Thánh; đồng thời tích cực thi hành sứ mệnh đối với thế giới, nhất là với xã hội Việt Nam hôm nay.  

 

Phần một

ĐỊA VỊ CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN

 

1. Công đồng Vaticanô II đã nói gì về người giáo dân ?

“Sau khi xác định những chức vụ của các phẩm trật, Thánh Công Đồng sẵn lòng đề cập đến bậc sống của những Kitô hữu được gọi là giáo  dân. Mặc dầu những gì nói về Dân Thiên Chúa đều có liên quan đến giáo dân, tu sĩ cũng như giáo sĩ. Nhưng có một số điều đặc biệt thuộc về giáo dân nam nữ, vì địa vị và sứ mệnh của họ : những điều mà hoàn cảnh đặc biệt của thời đại chúng ta đòi phải tìm hiểu nền tảng chung cách thấu đáo hơn.” (GH số 30)

 

2. Giáo dân có giúp ích gì cho Hội Thánh không ?

 “Thực thế, các chủ chăn của Dân Thánh ấy biết rõ giáo dân giúp ích rất nhiều cho toàn thể Hội Thánh. Các ngài biết rằng Chúa Kitô không đặt các ngài lên để một mình lãnh lấy tất cả sứ vụ cứu độ của Hội Thánh đối với thế giới; nhưng nhiệm vụ cao cả của các ngài là chăn dắt các tín hữu và nhận biết các phận sự và đoàn sủng của họ, để mọi người đều góp phần vào công cuộc chung, tùy theo cách thức của mình.”

 “Vì thế, mọi người “phải lấy bác ái mà thực hành chân lý, nhờ mọi sự hãy lớn lên trong Đấng làm đầu là Chúa Kitô; nhờ Người, toàn thân thể được phối hợp và kết tụ bằng sự liên lạc tương trợ nhau, tùy theo công dụng khả năng từng phần tử, khiến thân thể được tiến triển hầu xây dựng trong đức ái.”  (Ep 4,15-16) (GH số 30)

 

3. Vậy người giáo dân là ai ?

 “Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Hội Thánh công nhận; nghĩa là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Hội Thánh và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình.” (GH số 31)

 

4. Tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân là gì ?

 “Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thực vậy các phần tử trong hàng giáo sĩ dù đôi khi có thể lo việc trần thế, hoặc hơn nữa, hành nghề giữa đời, nhưng vì ơn kêu gọi đặc biệt, sứ mệnh chính yếu và rõ rệt của họ vẫn là sứ vụ thánh. Phần các tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng cách hùng hồn và cao quý rằng người ta không thể cải tạo thế giới và cung hiến nó cho Thiên Chúa được, nếu không có tinh thần các mối phúc thật.” (GH số 31)

 

5. Ơn gọi riêng của người giáo dân là gì ?

 “Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ.”

 “Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin, cậy, mến sáng ngời, và nhất là với những bằng chứng đời sống, họ tỏ rõ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo thánh ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ.”  (GH số 31)

 

6. Người giáo dân có được kêu gọi nên thánh không ?

 “Tất cả mọi người trong Hội Thánh đều được kêu gọi nên thánh, như lời thánh Phaolô dạy : “Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa” (1 Tx 4,3; Ep 1,4); sự thánh thiện này của Hội Thánh luôn được biểu lộ và phải được biểu lộ qua những hoa trái ân sủng mà Thánh Thần đã kết sinh nơi các tín hữu; sự thánh thiện ấy được diễn tả dưới nhiều hình thức nơi tất cả những ai đang cố đạt tới Đức ái trọn hảo trong bậc sống của mình trong khi xây dựng kẻ khác.” (GH số 39)

 “Quả vậy, mọi người đều thấy rõ rằng tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Đức ái. Ngay trong xã hội trần thế sự thánh thiện này cũng giúp người ta sống nhân đạo hơn.” (GH số 40)

 

7. Người giáo dân có phải là chi thể của Chúa Kitô không ?

 “Hội Thánh do Chúa thiết lập được tổ chức và điều khiển theo nhiều thể thức khác biệt rất lạ lùng. “Ví như trong một thân thể, chúng ta có nhiều chi thể, mọi chi thể không có cùng một nhiệm vụ; cũng vậy, chúng ta tuy nhiều người song là một thân thể trong Chúa Kitô, nên mỗi người chúng ta là chi thể lẫn nhau.” (Rm 12,4-5)

“Thế nên chỉ có một Dân Thiên Chúa được Ngài tuyển chọn; “chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một phép Thánh Tẩy,” (Ep 4,5) cùng chung một phẩm giá, những chi thể vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia. Vì thế, trong Chúa Kitô và trong Hội Thánh, không còn có sự hơn kém vì nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hoặc vì nam nữ, bởi lẽ “không còn là người Do thái hoặc Hy lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì anh em hết thảy đều là một trong Chúa Giêsu Kitô.” (Gl 3,28; Cl 3,11)

 “Vì thế, tuy trong Hội Thánh, tất cả không cùng đi một đường, nhưng tất cả vẫn cùng được mời gọi nên thánh, và đồng thừa hưởng đức tin trong sự công chính của Thiên Chúa.” (2 Pr 1,1) (GH số 32)

 

8. Người giáo dân có phải là em Chúa Kitô ?       

 “Nhờ lòng ưu ái của Thiên Chúa, giáo dân được làm em Chúa Kitô, Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ, dù Người là Chúa tể muôn loài (Mt 20,28). Cũng vậy, họ làm em những người lãnh nhận chức vụ thánh, những kẻ đang lấy quyền Chúa Kitô mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản để chăn dắt gia đình Chúa, hầu mọi người chu toàn giới luật mới là luật bác ái.”

“Thánh Au-gus-ti-nô đã dùng những lời tuyệt diệu này để nói lên điều đó : “Là giám mục cho anh em, tôi rất sợ; làm tín hữu với anh em, tôi rất an tâm. Giám mục là một chức vụ, tín hữu là một ân phúc. Giám mục là danh hiệu nguy hiểm, tín hữu là một danh hiệu đem ơn cứu độ.” (GH số 32)

 

9. Người giáo dân có được tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Kitô không ?

“Chúa Giêsu Kitô linh mục thượng phẩm và vĩnh cửu, vì cũng muốn giáo dân tiếp tục công việc chứng tá và việc phục vụ của mình, nên đã nhờ Thánh Thần ban cho họ sự sống và không ngừng thôi thúc họ thực hành những điều thiện hảo.”

“Thực vậy, những kẻ mà Người đã cho tham dự mật thiết vào sự sống và sứ mệnh Người, Người cũng cho họ dự phần vào chức vụ tư tế, để họ thực hành việc phụng thờ thiêng liêng, hầu tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi loài người. Bởi thế, vì giáo dân đã được hiến dâng cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên họ được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa trái nơi họ ngày càng phong phú hơn.”

“Thật vậy, mọi hoạt động và kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần, và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô (1 Pr 2,5), vì những của lễ ấy được thành kính dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành lễ Tạ ơn.”

“Như thế giáo dân cung hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Ngài bằng những hành động thánh thiện khắp nơi. (GH số 34)

 

10. Người giáo dân có tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô không ?

Theo Công đồng Vaticanô II, thì người giáo dân cũng tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô, nhưng theo cách thức riêng của mình. Công Đồng xác định như sau :

“Chức linh mục cộng đồng của các tín hữu và chức linh mục thừa tác hay phẩm trật tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về bản chất, song cả hai bổ túc cho nhau. Th?c vậy, cả hai đều tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình.”

“Linh mục thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh, đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Kitô, cử hành hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng.”

“Phần tín hữu, nhờ chức linh mục vương giả, c?ng tác dâng thánh lễ, và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái tích cực.” (GH số 10)

 

11. Người giáo dân có tham dự vào chức ngôn sứ của Chúa Kitô không?

 “Dân thánh Thiên Chúa cũng tham gia vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô bằng cách phổ biến chứng tá sống động về Người, nhất là qua đời sống đức tin và đức ái; và dâng lên Thiên Chúa của lễ ca tụng, hoa trái của những miệng lưỡi ngợi khen thánh danh Người. (Dt 13,15) toàn thể tín hữu được Chúa Thánh Thần xức dầu (1 Ga 2,20.27), không thể sai lầm trong đức tin, họ biểu lộ đức tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi “từ các giám mục cho đến người giáo dân rốt hết” đều đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa.”

 “Thật vậy, nhờ cảm thức về đức tin được Thánh Thần chân lý khơi d?y và duy trì, dưới sự giáo huấn thần linh của Hội Thánh mà họ trung thành tuân theo, dân Thiên Chúa nhận lãnh không phải là lời nói của loài người nữa, mà thật sự là lời của Thiên Chúa. (1 Tx 2,13); họ gắn bó hoàn toàn “với đức tin chỉ một lần được ban bố cho các thánh” (Gđ 3), họ tiến sâu hơn trong đức tin nhờ phán đoán đứng đắn, và sống đức tin cách hoàn hảo hơn.” (GH số 12)   

 

 

Phần hai

SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN

 

12. Việc tông đồ là gì ?

 - Hội Thánh được khai sinh là để làm cho nước Chúa Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu, hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha : tức là làm cho mọi người tham dự vào việc chuộc tội và cứu rỗi, để rồi nhờ họ, toàn thể vũ trụ thực sự để qui hướng về Chúa Kitô. Mọi hoạt động của nhiệm thể hướng về mục đích này gọi là việc tông đồ, công việc mà Hội Thánh thực hiện nhờ tất cả các chi thể, tùy theo những cách thức khác nhau.”

 - Bởi vì ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ. Cũng như toàn bộ một cơ thể sống động, không chi thể nào hoàn toàn thụ động, nhưng cũng tham dự vào đời sống và công việc của toàn thân. Cũng thế, trong nhiệm thể Chúa Kitô tức Hội Thánh, toàn thân “tùy theo công dụng khả năng từng phần tử khiến thân thể được tiến triển” (Ep 4,16). Hơn nữa, các chi thể trong thân thể này gắn bó và liên kết chặt chẽ với nhau (Ep 4,16), đến nỗi chi thể nào không hoạt động đúng tầm mức của mình trong việc tăng triển toàn thân đều bị coi là không dụng ích đối với Hội Thánh cũng như với chính mình.” (TĐ số 2)

 

13. Người giáo dân có phải là tông đồ của Chúa Kitô ?

 - “Giáo hữu được qui tụ trong dân Thiên Chúa và cấu tạo thành thân thể duy nhất của Chúa Kitô dưới quyền của một Đầu duy nhất; dù họ là ai, họ vẫn được kêu gọi dùng hết sức lực đã nhận lãnh do lòng từ ái của Đấng Tạo Hóa và do ân huệ của Đấng Cứu Thế để như những chi thể sống động, phát triển và thánh hóa Hội Thánh không ngừng.”

 - “Vì thế, giáo dân làm tông đồ là thông phần vào chính sứ mệnh cứu độ của Hội Thánh; nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy và Thêm Sức, mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ; đàng khác các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể thông ban và nuôi dưỡng trong họ đức ái đối với Thiên Chúa và đối với loài người, nhân đức này là linh hồn của mọi hoạt động tông đồ. Nhưng giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Hội Thánh hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Hội Thánh sẽ không trở thành muối của thế gian.”

Như thế, vì những ân huệ đã lãnh nhận, mọi giáo dân vừa là chứng nhân vừa là dụng cụ sống động do chính sứ mệnh Hội Thánh, “tùy theo độ lượng ân sủng Đức Kitô ban cho.” (Ep 4,7) (GH số 33)

 

14. Người giáo dân có quyền làm tông đồ không ?

“Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hiệp với Chúa Kitô là Đầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép Rửa Tội sát nhập họ vào nhiệm thể Chúa Kitô, phép Thêm Sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Họ được thánh hiến vào chức vụ tư tế, vương giả và dân tộc thánh (1 Pr 2,2-10), hầu trong mọi việc họ dâng những lễ vật thiêng liêng và làm chứng cho Chúa Kitô ở mọi nơi trên hoàn cầu.” (TĐ số 3)

 

15. Có mấy hình thức làm tông đồ ?

 - “Giáo dân có thể thực hiện việc tông đồ hoặc từng ngu?i hoặc liên kết thành cộng đoàn hay hội đoàn.” (TĐ số 15)

 - “Việc tông đồ của giáo dân, cá nhân hay tập thể, phải được đặt vào đúng chỗ trong công cuộc tông đồ của toàn thể Hội Thánh. Hơn nữa điều cốt yếu của việc tông đồ Kitô giáo là liên kết với những ngu?i đã được Chúa Thánh Thần đặt lên cai trị Hội Thánh Chúa. (Cv 20,28). Vả lại, việc cộng tác giữa các tổ chức tông đồ khác nhau cũng cần thiết và phải được Hàng Gíao Phẩm điều hành thích đáng.” (TĐ số 23) 

 a) “Việc tông đồ cá nhân rất hiệu quả ở bất cứ nơi nào và thời nào. Hơn nữa, trong một số hoàn cảnh chỉ có hoạt động này mới thích hợp và mới có thể thực hiện được. Mọi ngu?i giáo dân, dù thuộc thành nào đi nữa, dù không có cơ hội hay khả năng để cộng tác trong các hội đoàn đều được kêu gọi và hơn nữa phải làm việc tông đồ cá nhân.”

 “Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ cá nhân là giúp giáo dân làm chứng bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức cậy, đức mến. Đó là dấu chỉ rất thích hợp trong thời đại chúng ta để biểu lộ Chúa Kitô sống động trong các tín hữu của Ngài. Cùng với việc tông đồ bằng lời nói mà trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết ngu?i giáo dân rao giảng Chúa Kitô, cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Ngài tùy theo hoàn cảnh và tài năng của mỗi ngu?i, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng giáo lý của Ngài nữa.” (TĐ số 16)     

 b) “Hoạt động tông đồ tập thể rất phù hợp với đòi hỏi của các tín hữu dưới khía cạnh con ngu?i cũng như dưới khía cạnh Kitô hữu. Đồng thời nó cũng biểu lộ được dấu chỉ hiệp thông và hiệp nhất của Hội Thánh trong Chúa Kitô, Đấng đã phán : “Vì ở đâu có hai, ba ngu?i họp nhau nhân danh Thầy, thì Thầy sẽ ở giữa họ.” (Mt 18,20)

“Hoạt động tông đồ rất quan trọng, vì trong các cộng đoàn Hội Thánh, cũng như trong các môi trường khác nhau, hoạt động tông đồ thường đòi hỏi phải được chu toàn do một hoạt động chung. Bởi vì các hội đoàn được thành lập nhằm hoạt động tông đồ tập thể, nâng đỡ và huấn luyện các hội viên làm tông đồ, phối hợp và hướng dẫn hoạt động tông đồ của họ để có thể hy vọng nơi họ những kết quả phong phú hơn là từng ngu?i hoạt động riêng rẽ.”

“Vậy trong những hoàn cảnh hiện tại, nơi nào có giáo dân hoạt động thì hoạt động tông đồ nhất thiết phải được củng cố dưới hình thức tập thể và có tổ chức.” (TĐ số 18) 

 

16. Người trẻ và trẻ em có bổn phận làm tông đồ không ?

- “Ngu?i trẻ phải trở nên những tông đồ đầu tiên và trực tiếp của giới trẻ trong khi chính họ hoạt động tông đồ giữa ngu?i trẻ và nhờ ngu?i trẻ tùy theo môi trường họ đang sống.”

- “Trẻ em cũng có hoạt động tông đồ riêng của chúng. Tùy khả năng, chúng có thể thực sự là những chứng nhân giữa các bạn hữu.” (TĐ số 12)

 

17. Người giáo dân làm tông đồ bằng cách nào ?

- “Giáo dân thực sự thi hành việc tông đồ bằng công việc của mình để rao giảng Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn hảo hóa những việc thuộc phạm vi trần thế, sao cho công việc của họ thuộc lãnh vực này làm chứng tỏ tường về Chúa Kitô và góp phần vào việc cứu độ nhân loại. Vì bản chất riêng biêt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời, nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột.” (TĐ số 2)

 - “Người giáo dân có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ : rao giảng Phúc Âm và thánh hóa. Chính chứng tá của đời sống Kitô và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa, vì Chúa phán : “Sự sáng các con phải soi trước mặt người ta, như vậy để họ xem thấy việc lành các con mà ngợi khen Cha các con trên trời.” (Mt 5,16)

 - “Tuy nhiên việc tông đồ này không chỉ ở tại việc làm chứng bằng đời sống. Người tông đồ đích thực còn tìm dịp loan truyền Chúa Kitô bằng lời nói hoặc cho người chưa tin để đưa họ đến đức tin, hoặc cho tín hữu để giáo huấn họ, củng cố và thúc đẩy họ sống sốt sắng hơn “vì tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng ta” (2 Cr 5,14), và trong lòng mọi người phải âm vang lời thánh Phaolô : “Thật khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm.” (1 Cr 9,16)  (TĐ số 6) 

 

18. Người giáo dân hoạt động tông đồ trong những môi trường nào?

 “Gíao dân thi hành việc tông đồ muôn mặt của mình trong Hội Thánh cũng như giữa đời. Trong cả hai lãnh vực này, nhiều môi trường hoạt động tông đồ khác nhau được khai mở. Ở đây chúng tôi muốn nhắc tới những môi trường chính yếu hơn cả là : các cộng đoàn Hội Thánh, gia đình, giới trẻ, môi trường xã hội, các lãnh vực quốc gia và quốc tế. . .

 a- Giáo xứ  : “Giáo xứ là một hình thức tông đồ cọng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi qui tụ đủ mọi hạng ngu?i thành một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của hội Thánh. Giáo dân nên tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình đ? hoạt động trong giáo xứ. Họ cũng nên có thói quen trình bày với cộng đoàn Hội Thánh những vấn đề riêng của cộng đoàn mình hay của cả thế giới hoặc những vấn đề liên quan đến phần rỗi của mọi người đ? cùng nhau góp ý kiến, nghiên cứu và giải quyết. Họ cũng phải tùy sức mà cố gắng đóng góp vào mọi công việc tông đồ và truyền giáo của Hội Thánh địa phương.”

 

b- Giáo phận : “Giáo dân phải luôn nuôi dưỡng ý thức về giáo phận, vì giáo xứ như là một tế bào của giáo phận. Họ phải luôn mau mắn đáp lại tiếng gọi của chủ chăn, và tùy sức tham gia những công cuộc chung của giáo phận. Hơn nữa, để đáp ứng những nhu cầu nơi thành thị cũng như ở thôn quê, họ không chỉ hạn hẹp sự cộng tác của mình trong giới hạn trong giáo xứ hay giáo phận nhưng họ cố gắng mở rộng phạm vi tới cả lãnh vực liên xứ, liên giáo phận, quốc gia hay quốc tế.”

“Vì thế, người giáo dân phải quan tâm đến những nhu cầu của Dân Thiên Chúa ở rải rắc trên khắp hoàn cầu. Nhất là họ phải coi những công cuộc truyền giáo như việc của chính mình, bằng cách đóng góp về vật chất hay cả về nhân sự. Vì chưng nhiệm vụ và vinh dự của ngu?i Kitô hữu là trả lại cho Thiên Chúa phần của cải họ đã nhận nơi Ngài.”  (TĐ số 10)

 

c- Môi trường xã hội : “Làm tông đồ trong môi trường xã hội là cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần tư tưởng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đồng nơi họ đang sống : đó là bổn phận và trách nhiệm của ngu?i giáo dân mà không ai có thể thay thế họ cách đầy đủ.

Trong lãnh vực này, ngu?i giáo dân có thể làm tông đồ cho ngu?i đồng cảnh ngộ với mình. Ở đó, họ lấy lời nói bổ túc cho bằng chứng của đời sống. Cũng ở đó, họ dễ dàng giúp đỡ anh em trong môi trường làm việc hay nghề nghiệp, môi trường học vấn, cư ngụ, giải trí cũng như trong sinh hoạt địa phương.”

 “Việc tông đồ này phải nhắm tới hết mọi ngu?i trong môi trường hoạt động và không được loại bỏ bất cứ lợi ích thiêng liêng hay vật chất nào có thể làm cho họ. Nhưng ngu?i tông đồ đích thực không chỉ hài lòng với hoạt động này, mà họ còn phải quan tâm đến việc rao giảng Chúa Kitô cho anh em bằng cả lời nói nữa. Bởi vì nhiều ngu?i chỉ có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Chúa Kitô nhờ những ngu?i giáo dân sống gần họ.”  (TĐ số 13)

 

19. Gia đình có phải là môi trường hoạt động tông đồ của người giáo dân không ?

 - “Có một bậc sống rất có gía trị để thể hiện nhiệm vụ đó, bậc sống được một bí tích đặc biệt thánh hóa, đó là đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình là môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân.”

 - “Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái : lòng tin và tình yêu Chúa Kitô.”

 - “Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nuớc Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế, bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo làm cho thế gian nhận biết tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang kiếm tìm chân lý.” (GH số 35)

- “Tất cả những việc ngày xưa vốn là bổn phận vợ chồng, thì ngày nay còn phải coi là phần quan trọng nhất của việc tông đồ. Đó là : phải biểu lộ và chứng minh bằng đời sống tính cách bất khả phân ly và sự thánh thiện của dây hôn phối. . .”

- “Chính gia đình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa sứ mệnh trở nên tế bào đầu tiên và sống động của xã hội. Gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh đó nếu gia đình tỏ ra như một đền thờ của Hội Thánh trong nhà mình nhờ yêu thương nhau và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, nếu tất cả gia đình cùng tham dự vào việc phụng vụ của Hội Thánh; sau cùng nếu gia đình tỏ ra hiếu khách và cổ võ đức công bằng cũng như những việc thiện khác giúp các anh em đang túng thiếu.”

- “Trong công việc tông đồ của gia đình cần phải kể đến những việc như:

- nhận làm con những đứa trẻ bị bỏ rơi,

- ân cần tiếp đón những khách lạ,

- cộng tác với học đường,

- khuyên bảo và giúp đỡ thanh thiếu niên,

- giúp những ngu?i đã đính hôn chuẩn bị cho việc hôn nhân của họ được tốt đẹp,

- giúp dạy giáo lý,

- nâng đỡ những đôi vợ chồng cũng như những gia đình khi họ gặp khó khăn về vật chất hay tinh thần,

- lo cho ngu?i già cả không những có những điều kiện cần thiết, mà còn cung cấp cho họ những tiện nghi chính đáng của tiến bộ kinh tế. . .

Để dễ dàng đạt tới những mục đích tông đồ này, các gia đình nên qui tụ thành những nhóm.” (TĐ số 11)

 

20. Bác ái có phải là linh hồn của công việc tông đồ không ?

 - “Đức ái như là linh hồn của tất cả việc tông đồ, được chuyển thông và nuôi dưỡng nhờ các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.” (TĐ số 3)

 - “Thật vậy, mọi hoạt động tông đồ phải bắt nguồn và lấy sức mạnh từ đức bác ái. Nhưng một vài công việc tự bản chất của chúng có thể biểu lộ tình yêu cách sống động. Chúa Kitô đã muốn những việc đó là dấu chỉ cứu độ.” (Mt 11,4-5)

 - “Giới răn quan trọng nhất trong lề luật là yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn và yêu tha nhân như chính mình (Mt 22,37-40). Thật vậy, Chúa Kitô đã làm cho giới răn bác ái đối với tha nhân thành một giới răn riêng của Ngài và mặc cho nó một ý nghĩa mới phong phú hơn, khi Ngài muốn đồng hóa mình với anh em như chính đối tượng của bác ái, Ngài  nói : “Bao nhiêu lần các ngươi làm những việc đó cho một trong những người hèn mọn là anh em Ta đây, tức là các ngươi làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

 - “Bởi vì khi nhận lấy bản tính nhân loại, chính Ngài đã nối kết toàn thể nhân loại với Ngài thành một gia đình bằng một tình liên đới siêu nhiên, và Ngài đã dùng đức ái làm dấu hiệu riêng của các môn đệ Ngài, khi Ngài nói : “Nếu các con yêu thương nhau, thiên hạ cứ dấu ấy mà nhận biết các con là môn đệ Thầy.” (Ga 13,35)

 - “Trong thời sơ khai, Hội Thánh đặt bữa ăn thân tình “agapê” đi liền với bữa tiệc Thánh Thể để biểu lộ sự hợp nhất hoàn toàn trong tình yêu thương chung quanh Chúa Kitô. Như vậy, bất cứ thời đại nào, người ta cũng nhận ra Hội Thánh nhờ dấu hiệu tình yêu này và Hội Thánh đã tự đảm nhận những công cuộc bác ái như là nhiệm vụ và quyền lợi bất khả di nhượng của mình, dầu Hội Thánh vẫn hân hoan trước những khởi công của người khác.” 

- “Vì thế, Hội Thánh đặc biệt đề cao lòng xót thương đối với người nghèo đói, bệnh tật, cũng như những công cuộc mệnh danh là từ thiện và tương trợ để xoa dịu mọi nỗi thống khổ của nhân loại.” (TĐ số 8)

 

21. Việc bác ái phục vụ những ai ?

- “Ngày nay, công cuộc bác ái có thể và phải nhằm tới tất cả mọi người và mọi nhu cầu. Ở đâu có người thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mặc, thiếu nhà ở, thiếu thuốc men, thiếu việc làm, thiếu giáo dục, thiếu những phương tiện cần thiết để sống xứng danh con người; ở đâu có người bị đau khổ vì nghịch cảnh, ốm yếu, chịu cảnh lưu đầy, tù ngục, thì ở đó bác ái Kitô giáo phải tìm gặp, ân cần săn sóc, ủi an và xoa dịu họ bằng những trợ giúp thích đáng.”

- “Thi hành bổn phận này trước hết là bổn phận của những người giàu và các dân tộc giàu.” (TĐ số 8)  

 

22. Bác ái thực sự là thế nào ?

“Để thực thi bác ái mà không bị chỉ trích và để tỏ ra là bác ái đích thực, cần phải :

1/- Nhìn nhận nơi tha nhân hình ảnh Thiên Chúa, vì họ đã được dựng nên giống hình ảnh Ngài và nhìn nhận nơi họ chính Chúa Kitô, bởi vì bất cứ sự gì được tặng cho người nghèo là đã thực sự được dâng cho Ngài.

2/- Hết sức tế nhị tôn trọng tự do và nhân phẩm của người được trợ giúp. Đừng làm hoen ố ý hướng ngay lành và mưu cầu tư lợi hay vì một tham vọng thống trị nào.

3/- Thỏa mãn những đòi hỏi công bình trước đã, kẻo những tặng phẩm đem cho tưởng là vì bác ái, mà thực ra phải đền trả vì đức công bằng. Phải loại trừ không những hậu quả mà cả nguyên nhân gây nên sự dữ.

4/- Tổ chức giúp đỡ sao cho những người được trợ giúp dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc người khác và có thể tự túc.”

“Vậy người giáo dân phải quý trọng và tùy sức giúp vào các việc từ thiện và những công cuộc cứu trợ xã hội của tư nhân, cũng như của quốc gia, kể cả quốc tế.”

“Nhờ những công cuộc đó, người ta mới trợ giúp hữu hiệu cho mỗi người và mỗi dân tộc đang lâm cảnh khốn cùng. Trong việc này, giáo dân cần cộng tác với mọi người thiện chí.” (TĐ số 8)     

 

23. Người tín hữu không sống bác ái, có được cứu rỗi không ?

- “Bất cứ người tín hữu nào, “dù được tháp nhập vào Hội Thánh, nhưng nếu không kiên trì sống trong đức bác ái, thì vẫn không được cứu rỗi, vì tuy “thể xác” họ thuộc về Hội Thánh, nhưng “tâm hồn” họ không ở trong Hội Thánh.”

- “Nhưng các con cái của Hội Thánh phải nhớ rằng : Địa vị cao trọng của họ không phải do công đức riêng mình, nhưng do đặc ân của Chúa Kitô; nếu họ không đáp lại h?ng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn.” (GH số 14)    

 

24. Người giáo dân có phải là chứng nhân của Chúa Kitô không ?

- “Chúa Kitô, vị tiên tri cao cả, Đấng đã dùng chứng tá đời sống và sức mạnh của Lời nói để công bố Nước Chúa Cha; Ngài chu toàn chức vụ tiên tri, cho đến lúc sự vinh hiển của Người tỏ ra trọn vẹn; Ngài chu toàn chức vụ đó không những nhờ hàng giáo phẩm, là những người nhân danh và lấy quyền Ngài mà giảng dạy nhưng cũng nhờ các giáo dân; sở dĩ Ngài đã đặt họ làm chứng nhân, đồng thời ban cho họ cảm thức đức tin và ơn dùng ngôn ngữ nữa (Cv 2,17-18; Kh 19,10) là để sức mạnh Phúc Âm sáng ngời trong đời sống hằng ngày, trong gia đình và ngoài xã hội.”

- “Nếu giáo dân vững lòng trông cậy mà lợi dụng thời gian hiện tại (Ep 5,16; Cl 4,5) và kiên trì trông đợi vinh quang một ngày kia sẽ đến (Rm 8,25), họ sẽ tỏ ra là con cái của lời giao ước; nhưng niềm hy vọng đó, họ không nên dấu kín trong lòng, trái lại họ phải diễn tả nó qua những cơ cấu của cuộc sống trần gian, bằng cách hoán cải không ngừng và chiến đấu chống lại “bá chủ của thế gian tăm tối này và bọn tà thần” (Ep 6,12).

- “Như những bí tích của luật mới, là của ăn nuôi dưỡng đời sống và hoạt động tông đồ của tín hũu, tiên báo trời mới và đất mới thế nào (Kh 21,1), thì giáo dân cũng mạnh mẽ loan báo lòng tin vào điều mình trông đợi như thế (Dt 11,1), nếu họ không ngần ngại nối kết đời sống đức

tin với việc tuyên xưng đức tin làm một.”

- “Trong cuộc rao giảng Phúc Âm đó, nghĩa là sự loan báo Chúa Kitô bằng đời sống, chứng tá và lời nói, mang một sắc thái và hiệu qủa đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh chung của trần gian.” (GH số 35)

 

25. Người giáo dân có nhiệm vụ truyền bá Phúc Âm cho thế giới không ?

 - “Người giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao qúy là truyền bá Phúc Âm cho thế giới, cả lúc họ bận tâm lo lắng những viêc trần thế. Dù khi thiếu thừa tác viên có chức thánh hoặc khi các ngài bị ngăn trở vì bách hại, có những giáo dân thay thế các ngài thi hành một vài phận vụ thánh tuỳ theo khả năng của họ; dù có một số giáo dân đã dốc toàn lực vào việc tông đồ, tất cả vẫn phải cộng tác vào việc mở mang Nước Chúa Kitô trên trần gian.”

- “Vì vậy, giáo dân phải khéo léo tìm hiểu sâu xa hơn chân lý Chúa mạc khải, và tha thiết nài xin Chúa ban ơn khôn ngoan cho mình.” (GH số 35)

- “Thực thế Chúa cũng muốn nhờ cả giáo dân để mở rộng nước Ngài, nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình; trong nước này, chính tạo vật cũng được giải thoát khỏi thân phận làm nô lệ sự hư đốn, để được hưởng tự do rạng ngời của con cái Thiên Chúa.” (Rm 8,21) (GH số 36)

 

26. Người giáo dân có phải là chứng nhân         của Chúa Giê-su Phục Sinh không ?

“Trước mặt nhân loại, mỗi giáo dân là chứng nhân của sự phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và mỗi người góp phần nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng (x Gl 5,22), và truyền bá cho thế gian tinh thần của những người nghèo khổ, hiền lành và hiếu hòa, những người mà Phúc Âm Chúa đã tuyên bố là có phúc.” (x Mt 5,3-9).

 Tóm lại “người Kitô hữu hãy làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống.” (Th Gioan Kim Khẩu) (GH số 38)

 

 

27. Người giáo dân có nhiệm vụ canh tân trật tự trần thế không ?

- “Người giáo dân phải đảm nhận việc canh tân trật tự trần thế như là nhiệm vụ riêng, và trong nhiệm vụ đó, được hướng dẫn nhờ ánh sáng Phúc Âm và theo tinh thần của Hội Thánh, với bác ái Kitô giáo thúc đẩy, họ phải trực tiếp và cương quyết hành động.”

- “Với tư cách là công dân, họ phải đem khả năng chuyên môn cùng với tinh thần trách nhiệm để cộng tác với các công dân khác. Họ phải tìm sự công chính nước Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi sự. Phải canh tân trật tự trần thế cách nào để vẫn tôn trọng toàn vẹn các định luật riêng của nó mà vẫn làm cho trật tự đó phù hợp với các nguyên tắc cao cả của đời sống Kitô giáo, cùng thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau của các địa phương, các thời đại và các dân tộc.”

- “Trong những công cuộc của việc tông đồ này nổi bật hơn cả là hoạt động xã hội của người Kitô hữu. Thánh Công Đồng ước ao hoạt động đó lan đến mọi lãnh vực trần thế, kể cả lãnh vục văn hóa.” (TĐ số 7)

 

28. Người giáo dân có thể góp phần vào công cuộc tông đồ của hàng giáo phẩm không ?

- “Ngoài việc tông đồ này, mọi việc có liên quan đến mọi Kitô hữu không trừ ai, giáo dân có thể còn được mời gọi góp phần trực tiếp hơn và bằng nhiều cách vào công cuộc tông đồ của hàng giáo phẩm, giống như những tín hữu nam nữ đã chịu vất vả vì Chúa Kitô để giúp đỡ tông đồ Phaolô rao giảng Phúc Âm. (Pl 4,3; Rm 16,3 tt). Đằng khác, họ có những khả năng mà hàng giáo phẩm có thể dùng một số phận vụ thuộc hàng giáo sĩ có mục đích thiêng liêng.”

- “Bởi vậy, nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan rộng tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế, khắp nơi phải mở đường cho họ tham gia vào công cuộc cứu độ của Hội Thánh, tùy sức lực họ và tuỳ nhu cầu của thời đại.” (GH số 33)

 

 

Lm Giuse Hoàng Kim Đại

Chính xứ Chợ Lách Bến Tre,

(Trích dẫn và trình bày)


THỂ HIỆN GIÁO HỘI MỘT CÁCH MỚI  THEO CÔNG ĐỒNG &  TÔNG HUẤN GIÁO HỘI TẠI CHÂU Á

(A New Way of Being Church)

 

Lm Tiến sĩ Phêrô Phan Đình Cho

 

Có một cách khác làm nổi bật điều mà tôi đã lưu ý khi nói rằng Thượng Hội đồng Giám mục Á châu có một tác động lâu dài, là các Giáo hội Á châu– với lòng can đảm và óc sáng tạo - phải tìm cho ra cách thể hiện Giáo hội một cách mới và từ đó xây dựng một Giáo Hội học khác có thể thay thế. Đây là một chủ đề được Liên Hội đồng Giám mục Á châu nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rất nhiều lần, đặc biệt trong Đại hội toàn thể lần  thứ  3 tại Băngcốc (Thái Lan) năm 1982 và lần thứ 5 tại Băngđung (Indonesia) năm 1990. Như cuộc cách mạng Côpécnic, Giáo hội học ấy sẽ thực hiện một cuộc thay đổi quyết liệt: lấy Vương quốc của Thiên Chúa làm trung tâm đời sống Kitô hữu thay vì coi Giáo hội là trung tâm như từ trước đến nay. Các Kitô hữu không lấy Giáo hội làm trung tâm mà lấy Nước Thiên Chúa làm trung tâm. Sứ mạng của họ không phải là mở rộng Giáo hội và các cơ chế của Giáo hội (plantatio ecclesiae) để giúp Giáo hội mở rộng phạm vi ảnh hưởng mà để Giáo hội trở nên dấu chỉ trong sáng và dụng cụ hữu hiệu của sự hiện diện cứu độ của Vương quốc Thiên Chúa, Vương quốc của công lý, hoà bình, tình thương mà Giáo hội là hạt giống. Như  Tông huấn Giáo hội tại châu Á đã nói: “Được Chúa Thánh Thần hỗ trợ và làm cho có khả năng hoàn tất công cuộc cứu độ của Đức Kitô trên trần gian, Giáo hội chính là hạt giống của Nước Thiên Chúa, luôn náo nức mong cho Nước ấy ngự đến. Căn tính và sứ mạng của Giáo hội không thể không có liên quan với Nước Thiên Chúa…. Chúa Thánh Thần nhắc Giáo hội nhớ rằng tự Giáo hội không có cùng đích nơi mình: trong tất cả những gì Giáo hội là và trong tất cả những gì Giáo hội thực hiện, Giáo hội hiện hữu là để phục vụ Đức Kitô và cứu độ thế giới” (Giáo hội tại châu Á, số 17). Cách thức mới để thể hiện Giáo hội và Giáo hội học mang tính cách mới ấy sẽ có những đặc điểm sau đây:

 

1. Trước hết, ở cấp địa phương cũng như ở cấp toàn cầu, Giáo hội phải được coi là “sự hiệp thông của các cộng đoàn”, trong đó giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ nhìn nhận và coi nhau như anh em chị em một nhà. Ở trung tâm mầu nhiệm Giáo hội là sự hiệp thông nối kết Thiên Chúa với con người và nối kết con người với nhau mà Thánh Thể là dấu chỉ và là phương thế tuyệt vời.

Đàng khác, Giáo hội học này nhìn nhận sự bình đẳng cơ bản giữa các thành phần khác nhau của Giáo hội địa phương với tư cách là môn đệ Đức Giê-su và sự bình đẳng cơ bản giữa các Giáo hội địa phương khác nhau với tư cách là các cộng đoàn môn đệ của Đức Giêsu mà sự hiệp thông tạo nên Giáo hội toàn cầu. Sự hiệp thông (koinonia) tạo nên Giáo hội, cả ở cấp Giáo hội địa phương, cả ở cấp Giáo hội toàn cầu và từ đó xuất phát sự bình đẳng cơ bản của mọi Kitô hữu, bắt nguồn từ đời sống thâm sâu của Thiên Chúa Ba Ngôi trong đó có sự hiệp thông trọn vẹn của ba Ngôi bằng nhau. Nếu sự bình đẳng cơ bản của tất cả mọi Kitô hữu này không được nhìn nhận thì Giáo hội không thể trở thành “sự hiệp thông của các cộng đoàn” tại châu Á.  Sống sự bình đẳng cơ bản ấy là việc hết sức khó tại châu Á, không chỉ vì sự nhấn mạnh đến tính phẩm trật của Giáo hội có thể làm lu mờ và hạn chế sự bình đẳng ấy mà còn vì điều đó trái nghịch với ý thức về giai cấp của nhiều xã hội Á Châu.

Hơn nữa, nhìn Giáo hội là “sự hiệp thông của các cộng đoàn” và hệ quả tất nhiên của cách nhìn ấy là tính bình đẳng cơ bản,  là điều kiện không thể thiếu (sine qua non) để chu toàn sứ mạng của Giáo hội. Nếu Giáo hội không là sự hiệp thông, Giáo hội không thể chu toàn sứ mạng truyền giáo của mình, vì Giáo hội không là gì khác ngoài là sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau. Như  Tông huấn Giáo hội tại châu Á đã khẳng định:”hiệp thông và truyền giáo không thể tách rời nhau” (số 24).

 

2. “Tính môn đệ của những con người bình đẳng” dẫn tới đặc điểm thứ hai của việc thể hiện Giáo hội một cách mới tại Á Châu, đó là bản chất mọi thừa tác cùng tham gia và hợp tác trong Giáo hội: ”Đó là Giáo hội mà mọi người đều tham gia trong đó hồng ân mà Thánh Thần ban cho hết mọi tín hữu- giáo dân, tu sĩ và linh mục- được nhìn nhận và được đưa vào hành động, để Giáo hội có thể được xây dựng và chu toàn sứ mạng của mình”. Bản chất mọi người cùng tham gia cần phải được sống không chỉ ở trong nội bộ Giáo hội địa phương mà cả ở giữa tất cả các Giáo hội  địa phương với nhau, kể cả với Giáo hội Roma nữa, dĩ nhiên là với sự nhìn nhận thẩm quyền của Đức Giáo hoàng. Trong bối cảnh ấy, cần khuyến khích việc đọc lại khẳng định sau đây của Tông huấn: “Thật vậy, chính khi đặt mình trong viễn tượng hiệp thông Giáo hội, người ta mới thấy rõ hơn thẩm quyền của Đấng Kế Vị Thánh Phêrô mang tính phổ quát, không phải một quyền hành mang tính pháp lý trên các Giáo hội địa phương mà là sự trổi vượt mang tính  mục vụ nhằm xây dựng sự hiệp nhất trong đức tin và đời sống của toàn thể Dân Chúa.” (Giáo hội tại châu Á, số 25). “Thẩm quyền mục vụ” phải làm hết sức có thể để phát huy tính đồng trách nhiệm và sự tham gia của tất cả mọi Giáo hội địa phương trong ba sứ vụ: giảng dậy, thánh hóa và phục vụ trong Giáo hội và phải làm thế nào để  những từ ngữ ấy không chỉ dừng lại ở những lời thuyết giảng đạo đức mà phải sinh hoa kết trái trong các cơ chế và hành động. Nếu Thượng Hội đồng Giám mục Á châu chứng tỏ được rằng các Giáo hội Á châu có điều gì đó dể dậy Giáo hội Roma và Giáo hội toàn cầu, thì “Huấn Quyền” trong Giáo hội không còn được quan niệm như con đường một chiều từ Roma đến các Giáo hội địa phương. Thay vào đó, phải là việc học hỏi và dạy dỗ lẫn nhau, phải là việc khch lệ và sửa sai lẫn nhau giữa Giáo hội Roma và các Giáo hội khác, tức giữa tất cả mọi Giáo hội địa phương. Chỉ bằng cách đó thì sự sửa sai mới có thể được hiểu bằng một khái niệm rộng rãi, nhất là trong các quốc gia với các GH được mệnh danh là Giáo hội quốc gia hay Giáo hội yêu nước, rằng thì là Giáo hội Kitô giáo tại châu Á là một tổ chức nước ngoài (thật  ra là một tổ chức quốc tế), có thể so sánh được với các tổ chức đa quốc gia, rằng Giáo hội ấy phải nhận lệnh từ một quyền bính nước ngoài. Trong bối cảnh này, có lẽ sẽ hữu ích khi đưa ra nhận định rằng để không gây hiểu lầm, chúng ta nên tránh xử dụng một vài kiểu  diễn tả mối quan hệ giữa Giám mục địa phương và Giám mục Roma, thịnh hành trong một số giới thuộc giáo hội. Tôi muốn nhắc đến từ  “trung thành” và “vâng phục” là hai từ  đặc trưng cho thái độ của các Giám mục đối với Đức Giáo hoàng. Nhưng đối với người Á châu thì các từ ấy không thể không gợi lên những cam kết phục tùng của các chư hầu đối với các lãnh chúa trong chế độ phong kiến. Không kể sự kiện là trong Giáo hội sự “trung thành” không thuộc về một người khác ngoài một mình Đức Kitô mà thôi và vị Giám mục không mang  ơn đối với Đức Giáo hoàng về chức vụ Giám mục của mình cũng không phải là phụ tá của Đức Giáo Hoàng, nên theo thần học mà nói thì việc thích hợp hơn là phải diễn tả và sống mối quan hệ giữa Giáo hội địa phương và Đức Giáo hoàng bằng các ý niệm của từ giám mục đoàn và tình liên đới. Chỉ bằng cách ấy thì trách nhiệm giảng dậy của Giáo hội và thừa tác vụ cổ võ sự hiệp nhất của Đức Giáo hoàng mới có thể được thực thi một cách có hiệu quả, khi học hỏi được nhiều kinh nghiệm phong phú khác nhau về cách thể hiện Giáo hội từ khắp bốn phương trời của địa cầu này và khi đón nhận sự sửa lỗi đầy kính trọng nhưng chân thành trong trường hợp có sai phạm lỗi lầm do tâm trí hẹp hòi, do kiêu căng về luân lý và do u tối về tâm linh.

 

3. Đặc điểm thứ ba của việc thể hiện Giáo hội một cách mới tại Á châu là tinh thần đối thoại: “Được xây dựng giữa lòng các dân tộc, đó là Giáo hội mà chứng từ đầy lòng tin và tình yêu thương đối với Chúa Phục Sinh và truyền tới những người có niềm tin và xác tín tôn giáo khác nhờ sự  đối thoại về sự giải phóng toàn diện của tất cả mọi người. Ngay từ Đại hội toàn thể lần đầu tiên họp tại Taipei, Đài Loan, năm 1974, Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã nhắc đi nhắc lại rằng trọng trách đầu tiên của các Giáo hội Á châu là Loan Báo Tin Mừng. Nhưng Liên Hội đồng Giám mục Á châu cũng thường chủ trương rằng Giáo hội chỉ có thể thực hiện được trọng trách ấy tại Á châu bằng con đường đối thoại với các Nền Văn hoá Á châu, với các Tôn giáo Á châu và với chính người Á châu, nhất là những người nghèo. Tông huấn nhắc lại sự cần thiết của cuộc đối thoại này. Trong cuộc đối thoại với các Nền Văn hóa Á châu (hội nhập văn hóa), Tông huấn làm nổi bật các lãnh vực Thần học, Phụng vụ và Thánh Kinh (Giáo hội tại châu Á, số 22). Trong cuộc đối thoại với các Truyền thống Tôn giáo khác, Tông huấn nhấn mạnh cuộc đối thoại mang tính đại kết và giữa các tôn giáo. Tông huấn lập lại đề nghị 41 của Thượng Hội đồng Giám mục Á châu: Những quan hệ giữa các Tôn giáo sẽ được mở mang cách tốt đẹp, nhất là khi mọi người sống trong bầu khí cởi mở  với nhau, có ý muốn lắng nghe, tôn trọng và thông cảm người khác trong những khác biệt của họ. Để làm được tất cả những việc này, cần phải biết yêu thương tha nhân. Từ đó mới có sự hợp tác, hòa hợp và làm giầu cho nhau (Giáo hội tại châu Á, số 31). Trong cuộc đối thoại với người nghèo, Tông huấn khẳng định cần phải có tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo (cách riêng những người dân nhập cư, các dân tộc và bộ lạc gốc bản xứ, phụ nữ và trẻ em), bênh vực quyền con người, chăm sóc về y tế, giáo dục, kiến tạo hoà bình, hủy bỏ nợ nước ngoài và bảo vệ môi sinh (Giáo hội tại châu Á, số 32-41).  Hẳn nhiên nếu Giáo hội Kitô giáo phải trở thành Giáo hội của Á châu thực sự, thì các Kitô hữu Á châu phải dấn thân, một cách kiên cường và toàn tâm toàn ý, vào cuộc đối thoại bằng “cuộc sống và trái tim” với ba đối tác trên. Và bằng cách đó họ thực thi quyền và trách nhiệm của mình là Loan báo Đức Giêsu cho những người đồng hương Á châu khác.

Trong bối cảnh Loan báo Tin Mừng và đối thoại với các Nền Văn hóa, với các Tôn giáo và với người nghèo Á châu, có lẽ sẽ nẩy sinh  vấn đề đang được tranh cãi là phải Loan báo Đức Kitô là Đấng Cứu Độ và là Đấng Cứu Độ duy nhất như thế nào tại Á châu. Tông huấn khẳng định rằng “Không thể có sự Phúc Âm hóa thật sự nếu không có việc công khai loan báo Đức Giêsu là Chúa” (Giáo hội tại châu Á, số 19) và rằng sự Loan báo ấykhông phải là do một động cơ phe phái hay do tinh thần chiêu mộ tín đồ hoặc bởi sự trịch thượng nào” mà “chỉ vì muốn tuân theo mệnh lệnh của Đức Kitô(Giáo hội tại châu Á, số 20). Vì thế cho nên sự Loan báo ấy phải được thực hiện với lòng kính trọng đối với cả hai phía: ”một đàng tôn trọng con  người trong hành trình tìm kiếm những giải đáp cho những vấn nạn sâu xa nhất của cuộc sống, đàng khác tôn trọng hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi con người” (Giáo hội tại châu Á, số 20).

Về việc phải loan báo như thế nào về Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất thì TH thẳng thắn nhìn nhận rằng sự loan báo ấy “đã đụng phải những khó khăn về triết học, văn hóa và thần học, nhất là nhìn từ những niềm tin có trong các Tôn giáo lớn của Á châu, vốn quyện rất chặt với các nền Văn hóa và các thế giới quan riêng biệt(Giáo hội tại châu Á, số 20). Nỗi khó khăn này là do sự kiện đã được nhắc đến ở trên là, Đức Kitô được coi là người xa lạ đối với Á châu, như một gương mặt Tây phương hơn là một gương mặt Á châu. Ở đây Tông huấn đáng được ca tụng vì đã yêu cầu ba điều quan trọng sau đây:

* một công cuộc giáo dục tiệm tiến về việc Loan báo Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất,

* xử dụng cách kể chuyện để bổ sung cho các hệ (thần học) trong việc Loan báo ấy,  và

* nhìn nhận có sự khác biệt chính đáng trong các cách tiếp cận để loan báo về Đức Giêsu.

Đây không phải là chỗ để tranh luận thần học về chủ nghĩa khử trừ, dung nạp và đa dạng, nhưng theo sự phán đoán của tôi, vấn đề Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất là vấn đề lý thú có lẽ trong thần học, nhưng là một kiểu nói vô bổ trong giảng dậy và giáo lý. Nguyên do là vì mục tiêu trực tiếp của việc loan báo Tin Mừng là làm cho người ta đón nhận Đức Giêsu là “Đấng Cứu Độ của họ” (personal Savior) - nếu muốn dùng cách nói mà các Kitô hữu thuộc Phong trào Thánh Linh rất thích dùng - chứ không phải là “Đấng Cứu Độ duy nhất”. Điều được nhắm tới là sự dấn thân có tính cá nhân và trọn vẹn của người tân tòng đối với Đức Giêsu chứ không phải là sự khước từ việc có thể có những cách thức khác mà Thiên Chúa có thể dùng để đến với người khác. Câu hỏi mang tính sống còn vượt trên tất cả không phải là các dân tộc khác có thể được cứu độ hay không và được cứu độ bằng cách nào nhưng là câu hỏi ‘bằng cách nào tôi có thể đi vào mối quan hệ cá vị (personal) với Thiên Chúa một cách sung mãn?’  Khi một người nào đó đã khám phá ra rằng Đức Giêsu là con đường giúp  người ấy đạt tới Thiên Chúa thì lúc đó với kinh nghiệm cá nhân của mình, người ấy có thể làm chứng về sự kiện ấy với người khác. Sức mạnh và lòng nhiệt thành của chứng nhân không phát sinh từ sự xác tín có tính thần học rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất nhưng xuất phát từ kinh nghiệm sâu xa rằng Người  là Đấng Cứu Độ của tôi (personal Savior for me). Trong giảng dậy khi tôi bị hỏi về các tôn giáo khác và về các khuôn mặt cứu độ khác thì tôi sẽ phải công nhận, một cách vui vẻ và biết ơn rằng các tôn giáo và các khuôn mặt cứu độ khác có nhiều yếu tố tốt và có sự hiện diện cứu độ của Thánh Thần Thiên Chúa nơi họ; nhưng tôi sẽ làm chứng rằng Đức Giêsu là con đường cho tôi đến với Thiên Chúa và tôi sẽ mời họ thử  đi vào con đường này xem. Nếu họ chấp nhận Đức Giêsu là con đường của họ để tới Thiên Chúa thì khi ấy tôi sẽ cho thấy rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ phổ quát và duy nhất, nghĩa là Đấng Cứu Độ của tôi cũng như của những người khác.

 

4. Đặc điểm thứ bốn và là đặc điểm cuối cùng của việc thể hiện Giáo hội một cách mới tại Á châu là tính ngôn sứ: “Giáo hội là men biến đổi trong thế giới này và là dấu chỉ ngôn sứ dám nhìn xa hơn thế giới hiện tại để hướng tới Nước Thiên Chúa là Triều Đại đang đến nhưng chưa đến trọn vẹn. Trong những gì có liên quan tới Á châu, thì nếu muốn làm “men biến đổi thế giới”, Kitô giáo phải từ bỏ tham vọng của mình đã gắn liền với những giai đoạn truyền giáo hồi đầu thế kỷ 20, để kéo đại đa số người Á châu về với Đức Kitô. Nói về cái chết của các tôn giáo Á châu xem ra có vẻ quá sớm và đã được phóng đại một cách quá đáng.  Tại Á châu, nơi mà các Kitô hữu vẫn còn là một thiểu số rất khiêm tốn trong dân chúng sau 4 thế kỷ truyền giáo và nơi mà các tôn giáo không phải là Kitô giáo đã tỏ cho thấy có sức cạnh tranh lớn lao, thì viễn tượng người ta trở lại hàng loạt với đức Tin Kitô giáo là hoàn toàn không thể xẩy ra. Các Kitô hữu Á châu phải đi đến chỗ nhận ra sự kiện này là họ sẽ mãi mãi là một “nhóm nhỏ còn sót lại” đồng hành với các tín đồ của các tôn giáo khác trong cuộc hành trình tiến về Vương quốc của Thiên Chúa.

Mục tiêu của việc truyền giáo “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19) của Giáo hội tại Á châu vì thế không thể là càng có thêm nhiều tín hữu càng tốt, bằng phép rửa “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19) mà sẽ được coi như là mục tiêu đáng ước ao của việc truyền giáo của Giáo hội.  Đúng hơn thì trách nhiệm ưu tiên hàng đầu của Giáo hội là trở nên “dấu chỉ ngôn sứ” đáng tin cậy của Nước Thiên Chúa đang đến. Trọng tâm mới này của việc truyền giáo của Giáo hội phải là ngọn đèn soi sáng việc sắp đặt các mối ưu tiên và sự chọn lựa các chiến lược không nhằm mục tiêu phục vụ các lợi ích nội bộ của Giáo hội mà nhằm Loan báo Tin Mừng xuyên qua cuộc đối thoại với ba đối tác đã đề cập ở trên.

Có một cách diễn tả rất hữu ích về sứ mạng của Giáo hội mà Thomas Thangaraj đã thực hiện là nhìn sứ mạng ấy là một phần và là sự hoàn tất sứ mạng của chính nhân loại bao gồm ba nhiệm vụ cơ bản là: tính trách nhiệm, tình liên đới và sự hỗ tương.  ‘Tính trách nhiệm’ theo Thangaraj có nghĩa là con người là sinh vật thoát ra khỏi chính mình và quay lại với chính mình trong lương tâm có suy nghĩ, lý giải chính mình và với một cảm nhận tính hiệu quả biết lãnh lấy trách nhiệm về chính mình và về các hành động của mình. Nhiệm vụ này con người phải chu toàn trong tình liên đới và hỗ tương giữa người này với người khác. Điều mà sứ mạng của người Ki-tô hữu thêm vào sứ mạng của nhân loại - nhờ niềm tin của mình -  là làm cho ba nhiệm vụ trên  có một cung cách mới: tính trách nhiệm mang dấu tích “bị đóng đinh thập giá”, tình liên đới “có tính giải phóng” và sự hỗ tương “mang tính cánh chung” 

Hệ quả của cách nhìn sứ mạng truyền giáo như trên là các Giáo hội phải thiết lập không chỉ các Cộng đoàn Kitô cơ bản (Basic Christian Communities) mà Tông huấn đã khuyến cáo cách mạnh mẽ (đọc Giáo hội tại châu Á, số 25) mà còn phải xây dựng cả các Cộng đoàn nhân sinh cơ bản (Basic Human Communities). Vì́ các Kitô hữu Á châu cần phải hợp tác với những người đồng hương Á châu của mình trong nhiệm vụ thăng tiến nhân sinh, nên các Cộng đoàn nhân sinh cơ bản cũng cần thiết không kém các Cộng đoàn nhân sinh cơ bản để Giáo hội trở thành dấu chỉ ngôn sứ của Nước Thiên Chúa. Các Cộng đoàn nhân sinh cơ bản làm cho người Kitô hữu mở rộng các mối quan tâm của mình vượt ra ngoài khuôn khổ của các bức tường chật hẹp của các ngôi Thánh đường và đặt họ vào tư  thế đối thoại “bằng đời sống và trái tim" với các tôn giáo khác kể cả với những người không tin.

 

[Lm Tiến sĩ Phêrô Phan Đình Cho (giáo sư Đại học Georgetown của Dòng Tên, DC, Hoa Kỳ), Ecclesia in Asia: Challenges for Asian Christianity, Giêrônimô Nguyễn Văn Nội dịch]

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Địa chỉ liên lạc

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Email: hnoivnguyen@yahoo.ca

Điện thoại: 098 648 0337