samhoi

SÁM HỐI

Ngày mai là lễ tro (22/2/2012), khởi đầu cho Mùa Chay Thánh Năm Phụng Vụ 2012. Đây là thời điểm quan trọng trong đời sống đạo đối với người tín hữu. Mùa Chay Thánh là dịp để giúp người tín hữu rà soát lại, kiểm điểm lại đời sống thiêng liêng của mình xem có gì chưa thỏa đáng thì chỉnh sửa ngay để chuẩn bị tâm hồn sốt sáng, trong sạch đón mừng đại lễ Phục Sinh sắp tới thật tốt đẹp, hầu lãnh nhận được nhiều hồng ân cao cả Chúa tuôn đổ xuống cho mỗi người, mỗi cộng đoàn trong Mùa Hồng Ân trọng đại này như lòng Chúa hằng ao ước, do lòng thương xót vô biên của người : “Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi và bổ sức cho” (Mt. 11,28 ). Theo thông lệ tốt lành trong  Mùa Chay Thánh, người tín hữu sinh hoạt trong các cộng đoàn thường tham dự các giờ kinh nguyện đặc biệt, tập trung vào các chủ đề chính yếu : Sám hối, ăn chay làm việc lành phúc đức và đặc biệt là chuẩn bị tâm hồn thật tốt để lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải và đón nhận Thánh Thể. Đây là việc làm bắt buộc của Giáo Hội (xưng tội và rước lễ trong mùa Phục Sinh) nên mọi người tín hữu “ngoan đạo” đều chấp nhận rất nghiêm túc. Có điều việc chuẩn bị tâm hồn thường không được sâu sắc, mà chỉ hời hợt mang tính đối phó và thói quen nhiều hơn : Sám hối và lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải cốt để khỏi áy náy lương tâm tôn giáo hơn là được thúc đẩy bởi niềm tin và lòng sốt mến đối với Chúa. Bản thân kẻ viết bày này đã từng được nghe nhiều người đã trưởng thành và nhất là giới thanh niên thường  hay than phiền (rất nghiêm túc) rằng : Rất ngại đi lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, vì mỗi lần xét mình “thấy” không tìm đâu ra “tội trọng” để xưng.

- Cướp của, giết người.......đâu phải ai cũng làm được -  quanh đi quẩn lại cũng chỉ vài tội thông thường : Đi lễ trễ, hay chia trí.......thế thì không đủ “đô” để báo cáo với Cha giải tội. “Xưng tội” như vậy chỉ làm mất thời giờ của Ngài thôi, nên rất ngại đi đến tòa cáo giải.....Người viết trong một lần “xưng tội” đã gặp sự cố đáng suy nghĩ về phía Cha ngồi tòa :

-        Thưa cha, sau khi xét mình nghiêm túc con cảm thấy con đã cách này, cách khác phạm lỗi với Chúa, hầu như đủ cả 10 Điều Răn...... “Chưa mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Chưa yêu người như mình ta vậy” ….chưa xưng hết tội theo 10 Điều Răn thì Cha giải tội xem ra có vẻ không hài lòng về sự chân thành thú tội của tôi, nên Ngài đặt câu hỏi cắt ngang.

-        Vậy là ông cũng giết người à.....?

Bất ngờ trước thái độ của Cha giải tội, tuy nhiên tôi đủ bình tĩnh vì đã xét mình kỹ và có lẽ Chúa Thánh Thần đã giúp tôi để có câu trả lời thỏa đáng :

-        Thưa Cha, nếu cầm giao, cầm súng (tôi từng là một sĩ quan quân đội) mà giết người thì con chưa từng làm, nhưng trong quá trình cuộc sống biết đâu vì vô tình hoặc thiếu kiềm chế mà thông qua lời nói, con đã tác động tới người khác mà dẫn tới hậu quả làm chết người, như vậy là con đã lỗi phạm với Chúa, vậy xin Cha tha tội cho con.......

Sau đó việc lãnh nhận phép Bí Tích Hòa Giải diễn tiến tốt đẹp. Tôi ra về với tâm hồn bình an. Tuy nhiên trong lòng vẫn thầm ao ước, khi ngồi tòa cáo giải các linh mục nên có được tâm thức của một Alter Christus thì hay biết mấy, để các Ngài nắm bắt được tâm tư của hối nhân đang trải lòng ra với Chúa để xin được ơn tha thứ như Người đã từng kêu mời : “Hãy xin thì sẽ được” (Mt. 7, 11). Nếu được như vậy thì người tín hữu cảm thấy được an ủi, được nâng đỡ, được bồi dưỡng như Lời Chúa phán : “ Hỡi những ai k hó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi và bồi dưỡng cho” (Mt. 11, 28).

Viết tới đây tôi bỗng nhớ lại một câu chuyện có thật, rất cảm động đáng để mọi người cùng suy ngẫm về thái độ, lời nói của mỗi chúng ta trong Mùa Chay Thánh này.

Một cựu chiến binh Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam. Anh bị thương nặng, bị cưa mất một tay, được giải ngũ trở về Mỹ. Khi về đến phi trường San Francisco, anh thương binh này gọi điện về  nhà báo tin cho gia đình biết anh đang trên đường về nhà. Nhận được tin này cả nhà vui mừng khôn tả, có lẽ vì chưa biết được thực trạng của anh. Trong câu chuyện trao đổi qua điện thoại với gia đình, anh cho biết, cùng về với anh, có một người bạn rất thân, thân lắm. Anh và anh bạn gắn bó với nhau như hình với bóng, nên anh muốn anh bạn sẽ cùng về nhà để ở với gia đình như một người thân thật sự. Anh không thể xa rời anh bạn thân thiết này vì anh bạn là thương binh không thể tự túc được nếu không có sự giúp đỡ, bao bọc của người thân bên cạnh. Nghe người con nói vậy, người cha đã dứt khoát cự tuyệt và trả lời :

-        Con hãy về nhà một mình và để mặc anh bạn kia để anh ta tự lo liệu cho anh ta thì hơn. Con không biết rằng một người tàn phế như vậy sẽ là một gánh nặng và sẽ gây ra biết bao nhiêu phiền toái cho gia đình ta sao? Con hãy về nhà một mình thôi.

Nghe người cha nói vậy, người cựu binh kia cúp máy......Ba ngày sau báo chí Mỹ loan đi một thông tin gây chấn đông cả nước : “Tại San Francisco có một thanh niên đã nhảy từ lầu 3 của một khách sạn và tử vong.....nạn nhân là một cựu binh.....

Sau 3 ngày gia đình anh cựu chiến binh sốt ruột trông ngóng người con thân yêu trở về vẫn biệt vô âm tín, thì bỗng đọc thấy thông tin động trời trên đây xuất hiện trên  báo và người cha đã tức tốc bay tới San Frncisco để xem sự thể thực hư thế nào. Sau khi được giới chức thẩm quyền hướng dẫn tới gặp gỡ nạn nhân, ông đã chết lặng trước thi hài người con trai thân yêu của mình. Cùng với một vài món đồ của nạn nhân để lại, được cảnh sát trao lại cho thân nhân gồm : Thẻ quân nhân và một cái bóp trong đó có tấm ảnh gia đình đã chụp trước khi lên đường nhập ngũ và một mảnh giấy trên có ghi dòng chữ : “Con xin lỗi ba má và gia đình về sự ra đi bất đắc dĩ này, vì con không muốn là gánh nặng cho ba má và mọi người.....Vĩnh biệt”.

Người cha chết lặng sau khi đọc mấy dòng chữ của con để lại. Tâm can tan nát vì mất con, tâm hồn bị giày vò vì ân hận. Chính những lời nói  thiếu suy nghĩ của ông đã đẩy con ông tới thảm cảnh này. Đây sẽ là một hình phạt vô cùng nặng nề mà ông phải chịu đựng trong suốt những tháng ngày còn lại.......

          Tân Phú, ngày 21/02/2012

          Mùa Chay 2012

          Thảo Dân