td02

 Không Thầy đố mày làm nên

Người Việt Nam vốn có truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo. Truyền thống này hình thành và ảnh hưởng sâu đậm trên nếp nghĩ, lối sống của người Việt, bởi lẽ chúng ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn minh, triết học Trung Hoa từ lâu đời, đặc biệt là Nho học. Đạo lý Quân – Sư – Phụ của Khổng Tử đã tác động mạnh mẽ trên lối sống của một phần không nhỏ người Việt chúng ta ngày trước cũng như hiện nay. Câu nói “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” mà mỗi người chúng ta đều nằm lòng, đã chứng tỏ điều đó. Trong xã hội, người Thầy rất được tôn trọng, đứng hàng thứ hai chỉ sau nhà Vua và trên cả Cha Mẹ! Khách quan mà nói, người Thầy được xã hội luôn tôn trọng như vậy cũng có phần hữu lý, bởi lẽ con người ta chỉ giá trị hơn nhau ở cái đầu trí tuệ và lối sống có văn hóa, có đạo đức. Ngoài ra thì mọi thứ đều như nhau - con người sinh học. Chính người Thầy đã khai tâm, mở trí để dẫn dắt chúng ta đi vào thế giới tri thức, trở thành một con người biết vận dụng khối óc, trí tuệ để biết điều hay lẽ phải mà làm và xa lánh điều xấu, thói hư.

Ngọc bất trác, bất thành khí.
Nhân bất học, bất tri lý.
(Ngọc kia không dũa, không mài,
Cũng là vô dụng người đời coi khinh.
Con người không học thông tinh,
Thấy điều phải trái cũng đành bó tay.)

Nhờ có học, mà chúng ta tự tách rời khỏi con người sinh học tầm thường chỉ sinh hoạt theo bản năng thấp hèn. Con người chúng ta được nâng cấp trở thành con người tri thức có văn hóa, có lối sống văn minh, đạo đức, đúng với phẩm giá của một con người “linh ư vạn vật”, xứng đáng vị trí là chủ mọi sinh vật trên vũ trụ mà Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy khi tạo dựng nhân loại đã ban cho con người: “Ngươi sẽ làm chủ mọi tạo vật trên trái đất.” (Sáng Thế Ký)

Xem vậy ta thấy vị trí của người Thầy trong đời sống xã hội là tối cần thiết. Bởi thế trong dân gian có truyền tụng câu nói rất phổ biến không ai không biết: “Không Thầy đố mày làm nên.” Câu nói này tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng biết bao ý nghĩa sâu xa, thâm thúy mà chúng ta có thể rút tỉa được từ đó những bài học quý giá để vận dụng trong cuộc sống mỗi người chúng ta.

1. Bài học biết ơn đối với mọi người: trước hết là Cha Mẹ và những người thân yêu của chúng ta. Từ trong trứng nước, Cha Mẹ đã yêu thương nuôi nấng, dạy dỗ chúng ta với muôn vàn khó nhọc từ lúc còn nằm trong bào thai trong lòng Mẹ đến khi khôn lớn thành người hôm nay. Công lao ấy nếu chất đống lại cao hơn núi Thái Sơn, ngôn ngữ nào kể cho xiết, giấy bút nào viết cho cùng. Ngoài Cha Mẹ, người thân, muôn vàn người trong môi trường sống đã giúp ta khôn lớn thành người hôm nay. Từ một lời nói đầu tiên phát âm chưa chuẩn, đến bước đi xiêu vẹo không chính xác, tiếp đến là mọi động tác giao tiếp xã hội không hoàn hảo, ta đều nhờ mọi người mà hoàn chỉnh dần dần nhân cách và lối sống của mình. Như vậy, tất cả mọi người đều là Thầy của ta hết thảy. Ta không thể không mang ơn mọi người.

2. Bài học khiêm tốn và vị tha: 
Như chúng ta đã thấy, chúng ta chịu ơn mọi người, chúng ta là học trò của mọi người. Nhờ mọi người xung quanh ta mà chúng ta lớn lên thành người trưởng thành mọi mặt như ngày nay. Vậy chúng ta không thể vô tâm bạc nghĩa mà tự coi mình là cái rốn của vũ trụ, không coi ai ra gì, đồng thời phải biết nghĩ đến người khác mà có thái độ, lối sống vị tha với mọi người. Có như vậy ta mới xứng đáng là người có trí tuệ, có tâm đức của một con người trí thức. Từ những ý tưởng, những bài học rút tỉa được từ câu “Không Thầy đố mày làm nên” vừa trình bày trên đây, khiến tôi liên tưởng tới lời dạy của Chúa Giêsu trong Phúc Âm: “Không có Thầy, anh em chẳng làm nên chuyện gì.” (Ga. 15, 5) Nguyên văn lời Chúa Giêsu theo trần thuật của Thánh Gioan trong bản dịch tiếng Anh là: “Apart from me, you can do nothing.” (Tách rời khỏi Thầy, anh em không thể làm nên chuyện gì.) Câu nói này được Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ trong bối cảnh Người nói về dụ ngôn Cây nho và cành nho. Chúa Giêsu ví mình là cây nho, còn các Tông Đồ là cành nho. Cây nho là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho mọi cành nho. Nếu cành nào tách rời khỏi cây đương nhiên sẽ khô héo và chết. Như vậy làm sao sinh hoa trái được. Ở đây ai cũng hiểu rằng Chúa Giêsu muốn nói Người là nguồn gốc mọi ân sủng. Chúng ta chỉ có thể thụ hưởng ân sủng khi chúng ta gắn bó với Chúa. Khi chúng ta được nghĩa cùng Chúa, chúng ta có tràn đầy ân sủng, thì chúng ta có tất cả, chúng ta làm được mọi sự. Ngược lại, khi chúng ta mất nghĩa cùng Chúa, chúng ta xa rời Chúa, thì tất nhiên chúng ta sẽ chết, như cành nho tách rời khỏi cây nho. 

Lạy Chúa Giêsu đầy lòng thương xót! Chúa là nguồn gốc, là cội rễ mọi ân sủng, xin thương xót chúng con, đừng để chúng con xa lìa Chúa bao giờ. Chỉ ở nơi Chúa, chúng con mới có được lời ban sự sống đời đời như lời Thánh Phêrô năm xưa đã thưa với Chúa: “Bỏ Thầy chúng con biết phải đến với ai? Chỉ Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga. 6, 68)

Tân Phú, ngày 21/10/2013
Petrus Thảo Dân
...