Vợ Vắng Nhà

        Chiều đi làm về, không có ai ở nhà, tôi thấy lạ. Từ nào tới giờ , chính xác là 25 năm chung sống, vợ tôi luôn có mặt ở nhà mỗi khi tôi từ sở về. Chẳng lẽ chỉ vì chuyện cỏn con hôm qua mà vợ tôi lại giận dỗi. Vào nhà thấy trên bàn ăn trống không, tôi nghĩ bụng, chắc là phải có sự gì vô cùng trọng đại xẩy ra mới đến nông nỗi này. Tôi xét mình xem có “vấp phạm bà xã” điều gì không? Hoàn toàn không. Một lúc sau thì thấy Hạ, đứa con gái lớn về, tay xách theo một chiếc cạp lồng 3 tầng, thấy tôi nó toét miệng ra cười.

-         Ba về lâu chưa ?

Vừa hỏi vừa đặt chiếc cạp lồng lên bàn ăn và nói tiếp

-     Sợ ba đói con đi mua phở, ba con mình ăn trước kẻo nguội, phần của em Xuân tý nữa về nó ăn sau, hôm nay ba con mình “được giải phóng” ba ạ.

       Vợ chồng tôi chỉ có hai “con vịt giời” rất dễ thương, đứa nào cũng nhiễm máu khôi hài của bố, còn bà xã tôi thì hơi nghiêm túc một tý, bố con tôi vẫn đùa, phải để mẹ làm chỉ huy trưởng một trại lính mới hợp.

-     Mẹ  đâu, có chuyện gì à ?

       Con tôi lại cười, chẳng nói chẳng rằng, đi tới ngăn chạn cầm một tờ giấy, cố tình đứng xa tôi và liến láu đọc một hơi:

Thuận thiên thừa vận,

Mẹ con chiếu viết:

Phong tin nhắn nhạn,

Ông ngoại bất an,

Thậm cấp chí nguy,

Không uống chẳng ăn,

Nặng nhẹ lành dữ,

Chưa rõ thực hư ,

Đang nằm cấp cứu ,

Thiếp phận làm con,

Hiếu đạo chưa tròn,

Dạ xót mây Tần,

Nên tạm lìa Hán,

Về lại cố hương,

Sự thể cho tường.

Nay vạn lý đường xa khởi hành cấp.

Ba bố con phải liệu chăm sóc nhau.

Hai con cố tranh thủ vào bếp.

Chợ búa gởi chị Tư mua.

Ba bố con lãnh chỉ

-     Ong ngoại đau mà con vẫn đùa được thì cũng lạ thật .

      Rồi tôi làm bộ nghiêm mặt hô theo kiểu quân sự:

-     Đưa ba ! Mau!

-     Tuân lệnh !

        Đọc tờ giấy tôi mới rõ, không có một chữ nào như con tôi vừa đọc. Đại khái vợ tôi viết rất chân phương mộc mạc: vì nhận được tin ông ngoại đau nên về xem sao, nhưng quá gấp nên không kịp nấu nướng, ba bố con mua phở ăn tạm. Trong giấy còn dặn rất nhiều điều, nhiều chi tiết mà tôi cho là không có gì quan trọng.

        Tôi thầm nghĩ, vợ tôi viết thì đơn sơ quê kệch, nhưng con tôi lại “dịch” một cách dí dỏm trào phúng như thế. Máu khôi hài của “con vịt giời” này cũng có hạng. Quả là hậu sinh khả úy..

        Kể ra ông ngoại đau là chuyện chẳng vui gì, nhưng cũng là cơ hội để tôi quán xuyến việc nhà, chứng tỏ được mình cũng đảm việc nhà giỏi việc nước, chứ ai lại đường đường một đấng tu mi nam tử như tôi đây, mà những lúc bà xã nổi cơn  tam bành, cứ bảo không có bà ấy thì bố con không có cái bát mẻ mà ăn .

         Hơn 20 năm qua, đời sống gia đình tôi thật phẳng lặng.Tất cả mọi sự đều do bà xã điều tiết, nên cứ đều đều như một cái đồng hồ. Đồ đạc sắm sửa trong nhà, quan điểm của bà xã tôi nhắm vào hiệu quả, chứ không cần mốt nên không được oai phong như người ta, tôi hoặc các con có kêu ca thì được trả lời: cảnh nhà mình chỉ được đến thế, có cái mà xài là tốt rồi. Kể ra với đồng lương ít ỏi, phải khéo thu vén và tằn tiện lắm mới giữ được cho gia đình ổn định, con cái vẫn được ăn học đàng hoàng, nhưng tôi vẫn cảm thấy nó đơn điệu làm sao ấy. Bởi thế phen này tôi quyết phải ra tay gạo xay ra cám cho thỏa chí tang bồng.

         Đầu tiên là việc ăn uống. Bao năm qua, quanh đi quẩn lại chỉ có 3 cách: luộc, kho, xào hoặc chiên. Nếu đã có món luộc thì dùng nước  để chan thay canh, thật là tiện và lợi theo vợ tôi, vì món canh phải tốn nhiều thứ linh tinh khác, mặc dù chỉ là gia vị nhưng có khi lại tốn hơn món chính. Tôi bèn triệu tập hai con để họp bàn phân chia công tác. Tôi đi chợ mua thức ăn. Vì ngay ở trước cổng sở tôi có một cái chợ chỉ họp chốc lát khi tan sở, chủ yếu giúp công nhân khi tan sở là có thể mua được ngay mang về chỉ việc nấu. Như thế tôi sẽ đi chợ ngày hai lần, mua buổi trưa cho bữa chiều và mua buổi chiều cho bữa trưa hôm sau. Con Xuân đi học buổi chiều lo nấu bữa trưa. Con Hạ đi làm về nấu bữa chiều, và thêm công tác rửa chén bát để ưu tiên cho con Xuân có thời gian học hành. Nhà cửa 3 ngày lau quét một lần. Ngày chủ nhật  giặt giũ, công tác này dùng tổng lực cả 3 cha con. Phân chia công tác xong, ba cha con lấy làm tâm đắc và cảm phục vì đầy tính chất khoa học. Bỗng con Xuân có ý kiến

-  Còn việc đọc kinh tối nữa ba.

-  Kinh tối thì sao ?

-  Con thấy đã đi lễ rồi, hay là nhân cơ hội mẹ vắng nhà bỏ đọc kinh tối đi.

-  Con này hay nhỉ, kinh tối là truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, con không thấy Giáo Hội đang khuyến khích à?

-  Nhưng mà cứ phết năm chục thì dài quá, vừa đọc vừa ngủ, vừa đọc vừa lo ra thì còn ơn ích gì.

-  Thôi, kinh tối vẫn phải giữ nhưng đọc một chục thôi và phải cầm lòng cầm trí hẳn hoi đấy.

- Hoan hô ba. Kiểu đọc kinh của mẹ rất kỳ cục:” Kính mừng Maria đầy ơn phúc con Xuân đi xem ấm nước sôi chưa tắt đi kẻo tốn gaz, Đức Chúa Trời  ở cùng bà …

          Ngày hôm sau, theo chương trình đã sắp xếp, tan tầm buổi sáng, ra khỏi cổng tôi ghé mua nửa ký thịt bò về làm bít tết.Tôi nghiệp hai con, đứa nào đứa ấy xanh xao như tàu lá, thiếu hồng huyết cầu trầm trọng, người ta bảo ăn bò bít tết da thịt hồng hào ngay, vậy mà bà xã tôi chẳng bao giờ cho chúng ăn. Về tới nhà, con Xuân đã nấu xong nồi cơm, nó nói.

-     Con đang chờ bố mang đồ ăn về để nấu, 1 giờ thiếu 15 là con phải đi học cho kịp.

-     Chết cha! Ba quên béng mất đồ ăn bữa trưa nay, đây ba có mua thịt bò cho bữa chiều để làm bít tết.Thôi để ba chạy ù đi kiếm cái gi  ăn đỡ bây giờ vậy.

       Tôi vội phóng xe đi liền. Đang còn lóng ngóng không biết đi đâu, mua gì thì có tiếng ai đó gọi, nhìn xung quanh thì thấy trong quán có mấy người bạn đang quây quần bên bàn nhậu .

-     Vào đây làm cái đã, việc gì mà lúc nào cũng tất bật vậy đại huynh?

-     Thông cảm mình đang vội, bà xã đi vắng, tớ đang phải quán xuyến việc nhà, đang đi kiếm cái gì cho lũ trẻ ăn cơm bây giờ để chúng còn đi học.

      Một người trong bọn họ đứng lên đưa ly bia cho tôi và nói

-     Chúc mừng cậu được tự do, cứ bình tĩnh cạn đi, không việc gì mà vội.

-     Con tớ nó đang đỏ mắt chờ mang đồ ăn về mà lại chẳng vội

-     Thì cứ cạn đi, rồi tớ giải quyết xong ngay, đây là nghề của tớ mà. Bà xã tớ ra Bắc vào Nam cứ xoành xoạch, mà cậu thấy không? Tớ vẫn ung dung nhàn nhã, việc nhà vẫn đâu ra đấy, không chê vào đâu được.

-     Có họa  cậu biết phép mầu.

-     Thì cứ cạn đi rồi tớ truyền phép mầu cho cậu.

-     Ừ  thì cạn , cạn xong xin sư phụ truyền cho đệ tử phép mầu để đệ tử còn về cho kịp.

       Tôi làm một hơi , lắc lắc cái ly kêu lạch cạch cho mọi người thấy.

-     Đệ tử xong  rồi xin chờ sư phụ.

-     Tốt , trong khi chờ đợi phép mầu ,đệ tử làm ly nữa cho có bạn, một ly trong bụng nó cô đơn buồn chết

-     Xin tha cho em đi, giờ này em không còn bụng dạ nào ngồi đây với các anh được đâu.

-     Có ai bắt phải ngồi mãi đâu, cứ bình tĩnh cạn đi rồi phép mầu sẽ xảy ra ngay thôi .

      Anh ta ấn ly bia vào tay tôi rồi tiếp.

-     Để tớ đi lấy bửu bối . Nào dô.

      Không biết làm thế nào tôi đành cạn ly thứ hai. Một lát sau anh ta quay ra

- Đây đệ tử cầm lấy 4 túi cẩm nang này, nhớ là về đến nhà mới mở đấy.

      Tôi mừng quá thì ra ở tiệm người ta có bán các đồ ăn nấu sẵn, thế mà tôi không nghĩ ra, cứ phải tính toán đến việc chợ búa.

-     Bao nhiêu đây để em gửi.

-     Phép mầu chỉ truyền chứ không bán. Nhưng phải làm cái nữa để lỡ hai ly trước nó cãi nhau còn có ly thứ ba nó can.

      Tôi cạn ly rồi vội phóng về, lòng mừng khấp khởi. Nghĩ bụng, mình đã thông minh, ai dè thiên hạ còn lắm kẻ thông minh hơn mình. Phen này phải theo các sư phụ học hỏi vài chiêu phòng thân mới được.

      Hai con tôi đang sốt ruột ngóng bố, thấy tôi mang đồ ăn nấu sẵn về, khỏi phải nói, chúng  mừng hết cỡ, khen lấy khen để

-     Bố tài thật, lại rất thông minh, biến nguy thành an ngay được.

      Tôi không tiết lộ sự việc, cứ điềm nhiên nhận sự khen ngợi của chúng, tiện tay cầm đôi đũa giả làm cái ba (cái dùi cô đào cầm để gõ nhịp trong hát ca trù), gõ lách tách xuống mặt bàn rồi làm bộ dương dương tự đắc, hát bằng giọng ca trù :

“Thông minh nhất nam tử ư. . .

yếu vi thiên hạ à . . . kỳ”

( Nguyễn Công Trứ)

        Các con tôi. đứa bắt chước cầm chầu, chát! Chát! Tom! Tom! đứa bắt chước tiếng đàn anh kép, không khí thật vui nhộn, không lo bị bà xã phê bình "bố con cứ như phường chèo".

       Theo đúng lịch trình, tan tầm buổi chiều tôi mua đô ăn cho bữa trưa  hôm sau. Phải thừa nhận câu nói “trăm hay không bằng quen tay” thật chí lý, có đi chợ mới thấy cái khó của kẻ đi chợ, mới biết thương cho các bà xã, hàng họ bày bán la liệt nhưng phải biết cần gì mua gì, bao nhiêu thì vừa, rồi giá cả nữa. Tôi loanh quanh mãi mà không biết phải mua cái gì? Đi qua dãy hàng rau, thấy rất nhiều loại rau, rau muống, rau đay, rau mồng tơi v.v … Họ thi nhau chào mời, tôi dừng lại cô hàng rau gần nhất còn khá trẻ, giọng bắc sệt mời tôi:

-     Anh ăn gì em đi.

     Tôi cười cười, nghĩ bụng chắc là cô chào mời nhiều quá mỏi miệng, nên cắt bớt lời, chỉ giữ những từ chính. Đang không biết mua gì, tôi hỏi lại :

-     An gì là ăn gì ?

      Ngập ngừng một lúc, cô ta nhìn vào mặt tôi, thấy tôi cười cười, cô ta lầm bầm.

-     Đồ khỉ gió gì đâu á nói ngay cứ bẻ làm queo

      Biết là gặp già đanh, tôi vội lỉnh ngay. Đi qua chỗ mấy người bán thịt

-     Anh ơi ! anh ăn thịt em đi.

-     Thôi tôi chả dại, ăn thịt cô để tôi đi tù à?

       Lần này thì cả cô ta và mấy người bán thịt gần đấy cùng cười. Tôi vui vẻ đi tiếp vì trong đầu mới chợt có ý định mua con cá lóc về nấu canh chua. Bà xã tôi nấu canh chua cũng ngon nhưng phải cái chỉ dám mua những con cá vừa vừa, người ta vẫn bảo “cá cả lợn lớn” là có cái lý của nó. Sắp tới hàng cá, chợt có lời  mời ;

  • Ông ơi, ăn cua em đi .
  • Cua của cô toàn đất thế kia thì ăn thế nào được.
  • Tức thì có tiếng hàng cua đối diện
  • Cua em sạch, anh ăn giùm em

      Thấy tôi mang cá về con tôi bảo

-     Mua cá bây giờ mai mới ăn thì ươn hết còn gì.

-     Ừ nhỉ, thế mà ba không nghĩ ra. Thế bây giờ làm thế nào?

-     Để tủ lạnh sợ đượm mùi tanh, hay là đun chuội để đó mai nấu, mà ba tính nấu món gì?

-     Thì nấu canh chua chứ còn gì nữa.

-     Canh chua mà ba chỉ mua trọi thòi lọi mỗi cá, ba phải mua thêm: me, dọc mùng, cà chua, thơm, giá, hành, ngò, rau ôm mới thành nồi canh được.

-     Ừ nhỉ, chả trách mẹ vẫn bảo có khi những món gia vị còn nhiều tiền hơn món chính .

      Thì ra các món ăn nó phải đi theo bộ của nó, bây giờ tôi mới vỡ lẽ điều này,

-     À, thịt bò bố tính nấu gì mà mua nhiều thế?

-     Bít tết con ạ, các con đứa nào cũng xanh xao thiếu máu, bố phải tẩm bổ cho các con có sức chứ.

-     An bít tết chúng con sợ mất eo rồi mập lên là khổ đấy

      Lại một khám phá mới về sự sợ ăn sợ uống của con gái. Tôi trấn an ngay

-    An nhiều cơ mới sợ chứ nhà mình, nhờ mẹ con vắng mới dám bồi bổ được chút nào hay chút ấy, có đâu mà ăn nhiều hả con

     Món bít tết đích thân tôi phải ra tay, vì chỉ những người biết nhậu mới có thể làm được chứ để con nó làm  sợ hỏng mất. Đổ mỡ vào chảo chờ sôi, đập nhánh tỏi vào cho thơm rôi mới thả thịt vào. Mùi thơm xông lên, hứa hẹn một bữa ra trò.

     Người ta bảo mùi vị thường đi đôi với mầu sắc, những miếng bít tết tôi làm mùi vị còn thơm hơn cả nhà hàng, mầu sắc trông thật bắt mắt, không đỏ quạch sống sít như người ta, chắc là ngon phải biết. Có điều khi bày ra bàn ăn, chỉ có mỗi món bít tết chỏng gọng nên không có vẻ thịnh soạn. Chẳng sao, miễn ngon là được, tính ra đầu người gần 2 lạng thịt chứ ít gì.

     Ba bố con răng lợi rất tốt thế mà cứ như đánh vật với miếng bít tết, nhai lấy nhai để, nó cứ trân trân không suy chuyển tý nào, bỏ thì thương, vương thì tội. Sau cùng ba cha con đành chịu thua, may mà trong nhà bà xã luôn dự phòng lọ chao.

      Chao là món ăn thông dụng ở miền nam. Chính ra nó là món ăn của người ăn chay, nhưng người ăn mặn cũng rất quen dùng, nhất là những lúc lỡ làng. Tuy không hiểu cách thức làm ra sao nhưng chắc chắn chao rất bổ dưỡng vì được chế biến từ đậu nành, dễ bảo quản, không cần phải để tủ lạnh nên rất được vợ tôi ca ngợi. Nếu ai biết mà nói chuyện thích chao với vợ tôi là vặn đúng “tần số”, chiếm được cảm tình ngay.

     Ba bố con ăn bữa cơm chay bất đắc dĩ, vừa ăn vừa bàn luận vì sự thất bại trong món bít tết mà tôi đã “nuôi dưỡng” ý định bao năm hôm nay mới có cơ hội ra tay. Theo ý kiến của hai con tôi thì chúng cho là tại tôi chiên quá kỹ nên mới dai và cứng. Tôi thì cho là không đúng vì càng chiên kỹ càng mềm mới hợp “lô gích”, bằng chứng là những món hầm phải đun cả tiếng đồng hồ mới được. Cuối cùng cả ba bố con cùng đồng ý là tại thịt con bò này già. Vậy mà khi mua, cô hàng thịt cứ mồm năm miệng mười thịt này rất ngon, rất mềm, làm bít tết thì tuyệt hảo, tôi bảo hai con tôi rút kinh nghiệm đừng bao giờ tin vào lời nói của người bán. Con tôi hỏi lại

-    Vậy làm thế nào để biết thịt bò non bò già hả ba ?

     Một câu hỏi rất khó trả lời, tôi hơi lúng túng, vì thực tình tôi cũng không biết làm sao phân biệt nhưng cũng phải tỏ ra hiểu biết để trả lời các con:

-   Phải bắt họ cho xem cái đầu con bò, rồi căn cứ vào độ dài của cặp sừng, nếu ngắn là bò non, nếu dài là bò già, hoặc vạch hàm nó ra xem răng của nó, nếu còn đủ răng là bò non, nếu rụng hết là bò già.

    Điều này tôi nghe được từ mấy ông lái bò mách bảo, nhưng là để mua trâu mua bò về cày hoặc kéo xe chứ đâu phải để mua thịt, mà tôi thì chẳng bao giờ tậu trâu tậu bò làm gì nên cũng không để ý, nay gặp lúc bí mới bất đắc dĩ “phang đại”. Còn con tôi tuy lớn đấy, nhưng chúng vẫn rất ngây thơ, vẫn tin tưởng bố là một người tài ba, cái gì cũng biết, cái gì cũng làm được. Tôi nhớ lúc đứa con lớn được 6,7 tuổi gì đó, đi đường gặp cái gì nó cũng hỏi và tôi thì cái gì cũng giải thích được, từ cái máy bay tại sao nó bay được mà không phải vỗ cánh như chim, cái ôtô buýt làm sao nó chạy v.v. . . Đối với chúng, hễ cái gì bố biết là bố làm được nên nó còn bảo lúc nào tôi làm cho nó cái ôtô buýt để chở cả nhà đi chơi. Tôi nghĩ bụng đến cái ôtô bằng nhựa bố còn không làm nổi huống chi là cái ôtô thật

-    Nhưng mà hình như những người bán thịt bò không ai đem theo cái đầu con bò để mình coi thì phải ?

-    Có chứ sao không, tại mình không hỏi đó thôi, người ta để dưới gầm phản đó.

     Tôi cứ lo con tôi hỏi sừng bò dài bao nhiêu hoặc bộ răng của con bò có bao nhiêu cái thì hỏng to, may mà chúng chuyển những câu hỏi sang hướng khác.

-    Bây giờ mình phải xử lý món bít tết thế nào hả ba ? Bỏ đi thì phí quá.

     Đây là tính cần kiệm chắt chiu đáng quý chúng học được từ vợ tôi.

-   Bỏ là bỏ thế nào, mỗi khi thất bại ta phải “điều tra” nguyên nhân rồi tìm cách khắc phục, có như thế mới tích lũy được những kiến thức và tiến bộ chứ mọi sự đều suôn sẻ dễ dàng thì ai chả làm được. Vấn đề của mình bây giờ là làm sao cho nó mềm ra thì mới ăn được, mà muốn mềm ra chỉ có mỗi cách nấu tiếp.

-    Con nghĩ ra rồi, làm món bò kho Trung quốc!

      Nghe con em nói thế, con chị cười ngặt nghẽo:

-   Làm gì có món bò kho Trung quốc bao giờ,  thịt kho tàu thì có, nhưng người ta dùng thịt heo chứ không phải thịt bò, ngoài ra còn thêm cả trứng vịt nữa .

-    Ay chính là chỗ ấy, vì mình dùng thịt bò nên em mới gọi là bò kho trung quốc cho nó mới mẻ.

     Sao không gọi là bò kho theo cách bình thường sẵn có?

-    Bò kho người ta toàn dùng loại thịt gân, thịt bạc nhạc ghê chết, còn của mình là thịt bắp, thịt phi lê đàng hoàng.

     Nếu để hai đứa tranh luận thì không biết bao giờ mới kết thúc nên tôi đưa ra quyết định:

-    Về tên gọi thế nào cũng được, còn ba sẽ mua thêm nửa ký bò gân, mấy trái trứng vịt nữa để cho vào hầm là xong chuyện.

     Thế là ba bố con chúng tôi mới “phát minh” thêm một món ăn mới chưa từng có trong lịch sử bếp núc nên có thể đặt tên là bò kho Trung Quốc cũng là được.

     Ngày hôm sau chúng tôi thưởng thức món bò kho Trung Quốc mới thấy rằng nó không phù hợp để ăn với cơm. Đây cũng là một khám phá mới mẻ trong văn hóa ẩm thực. Có những món ăn với bánh mì thì hợp còn với cơm thì lại không hoặc ngược lại. Có những món chỉ dùng để nhậu thì rất bắt còn ăn với cơm lại đoảng, lại vô duyên. Oi cái kho tàng văn hóa ẩm thực cũng rất rắc rối chứ không đơn giản như tôi vẫn tưởng.

     Trước đây ba cha con tôi vẫn cho vấn đề bếp núc là chuyện vặt chuyện xoàng. Tất cả chỉ là từ món luộc mà biến hóa ra món này món kia theo một trình tự thêm bớt gia vị. Như món luộc thì chỉ mỗi nguyên liệu là rau hoặc gì đó với nước lã, đem đun sôi nấu chín là xong. Nếu bây giờ nêm thêm muối mắm bột ngọt vào món luộc sẽ thành món canh. Nếu canh bớt nước đi thì ra món xào. Bớt nước nữa thì thành món kho v.v. . .

      Vợ vắng nhà mới được ba hôm mà cái đầu óc phong phú của tôi không còn nghĩ ra được hôm nay mua gì ăn gì, chỉ cần thường thường như vợ tôi vẫn cho ăn cũng được. Lại còn một điều khủng khiếp nữa là số tiền chợ mà vợ tôi để lại để đi chợ trong một tuần lễ, tôi đã tiêu hết sạch. Đấy là vợ tôi còn phòng hờ chi ra gấp đôi để ba bố con được thoải mái chút .