atn/11

                                   Ý NGHĨA SỰ ĐAU KHỔ

 

Mừng Bổn Mạng ATN Sài Gòn 2/9

“Hãy cố gắng đi qua khung cửa hẹp mà vào và hãy chọn đi trên con đường nhỏ hẹp, gập ghềnh, vì con đường này dẫn tới sự sống. Chỉ có ít người tìm biết và đi trên đường này.” (Mt. 7,13)

Theo thông lệ tốt đẹp từ nhiều năm nay, trong buổi sinh hoạt nhân ngày họp mặt mừng kính Thánh Bổn Mạng, anh chị em luôn dành thời gian để học hỏi, suy niệm Lời Chúa qua việc học tập gương sáng của Thánh Bổn Mạng để giúp cho đời sống thiêng liêng của anh chị em được thăng tiến và buổi họp mặt thêm phần ý nghĩa và bổ ích.

Trong tinh thần ấy, con xin phép được chia sẻ với Quý Cha và anh chị em một vài suy tư, cảm nhận từ nội dung trích đoạn Tin Mừng Thánh Mát Thêu mà quý vị vừa nghe.

Quy chiếu vào đời sống của Thánh Nhân, chúng ta thấy Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh đã triệt để sống theo tinh thần đoạn Tin Mừng trên đây. Ngài đã chọn khung cửa hẹp nhất để đi vào và chấp nhận đi trên con đường nhỏ hẹp, chông gai nhất là hy sinh mạng sống mình vì lòng mến Chúa và tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Nhờ vậy, Ngài đã đạt được mục đích tối thượng là “Sự Sống Đời Đời”, nhờ được ơn phúc Tử Đạo và có Chúa làm gia nghiệp.

Phần chúng ta được vinh dự là hậu duệ của Ngài, chúng ta hãy nỗ lực học tập, noi theo gương sáng của Ngài và các bậc tiền bối là điều cần thiết và khôn ngoan. Tuy nhiên không phải ai cũng được ơn phúc vác Thập Giá của Đức Kitô qua việc “đổ máu” để làm chứng tá cho tình yêu Thiên Chúa như các Thánh Tử Đạo, mà là những hình thức Thập Giá khác Chúa dành cho mỗi người chúng ta để vác hàng ngày trong cuộc sống. Đó là những đau khổ, bất hạnh, lo âu, sỉ nhục, khinh khi… mà chúng ta phải nỗ lực hết sức mình mà “vác” đi theo Chúa như lời Chúa dạy: “Ai muốn theo Ta, hãy vác Thập Giá mình mà đi theo Ta.”

Ngạn ngữ Đông Tây cũng có một câu nói: Nói dễ - Làm khó, It’s easier said than done. Câu ngạn ngữ này mách bảo chúng ta: Việc vác Thập Giá mà đi theo Chúa không hề dễ dàng, đơn giản mà phải thật sự nỗ lực hết mình và nhất là phải kết hợp với tâm tình cầu xin Chúa trợ giúp… thì mới thành công tốt đẹp được. Bởi lẽ “Đau khổ, bất hạnh…” là điều thông thường không ai muốn, không ai thích, dù là đau khổ thể xác hay tinh thần. Bởi vậy ai cũng muốn tránh né khi có thể. Thậm chí Chúa Giêsu trong cơn đau khổ cực độ trong vườn Cây Dầu cũng đã thốt lên cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu được xin cho Con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý Con, mà theo ý Cha.”

Xem vậy, ta thấy chấp nhận “đau khổ”, vác Thập Giá đau khổ không hề dễ dàng chút nào. Đau khổ khiến chúng ta bất an trong tâm hồn, nhức nhối nơi thân xác. Nhất là khi đau khổ đạt tới cực điểm có thể khiến con người suy sụp, ngã quỵ, mất phương hướng… trong cuộc sống, nếu chúng ta không khôn ngoan, thức tỉnh bám víu vào một lý tưởng cao đẹp để nỗ lực chịu đựng, chấp nhận sự hành hạ tàn khốc nhất thời của đau khổ để cuối cùng thắng lướt được nó, hầu đạt được những kết quả tích cực, tốt đẹp một cách vinh quang như các Thánh Tử Đạo đã chứng minh.

Bài học vô giá này đã được chính Đức Kitô thực hiện một cách trọn vẹn, hoàn hảo tuyệt vời nhằm mục đích để các Kitô Hữu chúng ta là những người con thân yêu của Ngài thấy được mà khôn ngoan học tập và ứng dụng trong cuộc sống, coi đó là kim chỉ nam, là bửu bối để thành công trong cuộc đấu tranh chống lại đau khổ, là hiện thân của sự ác, hầu đạt thắng lợi cuối cùng trong ngày sau hết của cuộc đời tạm gửi này, mà vào dự bàn tiệc Thánh cùng với Tổ Phụ Abraham trong nhà Chúa cùng với các Thánh của Thiên Chúa thì tốt đẹp biết dường nào! Đó là điều vô cùng tốt đẹp mà Chúa hằng mong ước mỗi chúng ta phải nỗ lực hết sức mình mà đạt cho bằng được trong ngày hồng phúc ấy. Chính vì thế mà Ngài đã đích thân dạy bảo chúng ta: “Phải cố gắng mà vào qua khung cửa hẹp và tìm chọn con đường nhỏ hẹp, gập ghềnh mà đi, vì con đường này mới dẫn tới sự sống….”

Để minh họa cho những vấn đề chúng ta vừa trình bày trên đây là những hiện thực trong cuộc sống mà chúng ta không thể phủ nhận, chứ không phải là những lời thuyết giáo mơ hồ, lý thuyết suông, nếu mỗi chúng ta bình tâm suy nghĩ về những biến cố đã xảy ra trong cuộc sống chúng ta. Làm sao chúng ta đã có thể thành công trong học tập, đã có được địa vị tốt đẹp trong xã hội ngày hôm nay, nếu chúng ta đã không nỗ lực học tập chăm chỉ ngày đêm bao năm tháng, chấp nhận hy sinh những thời gian vui chơi, du hí thời trai trẻ thanh xuân để giùi mài kinh sử trong phòng học, trong thư viện…? Cuộc sống êm đềm, hạnh phúc trong gia đình chúng ta có ngày hôm nay, chính là kết quả của một nỗ lực không mệt mỏi chịu đựng khó khăn, vất vả, bất bình trong cuộc sống, trải qua bao tháng ngày chứ không phải từ trên trời rơi xuống một cách ngẫu nhiên.

Để việc minh họa thêm phần cụ thể và sinh động, chúng ta hãy suy gẫm về câu chuyện của Cựu Hoàng Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn đã được hồng phúc trở lại đạo Công Giáo vào ngày 17/04/1988 tại nhà thờ Thánh Saint Pierre de Chaillot, Paris với tên Thánh là Jean Robert chỉ 2 tháng trước ngày 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam trong thời cấm đạo của các vị tiên vương nhà Nguyễn được phong hiển Thánh (trong số 117 vị có 111 vị Tử Đạo dưới triều Nguyễn).

Sau khi được ơn trở thành Kitô Hữu, cựu Hoàng sống rất ngoan đạo, ông thường tới nhà thờ cầu nguyện và rất sùng kính Đức Mẹ Maria. Ông thường xuyên hát bài Magnificat (ngợi khen) trong lúc cầu nguyện.
- Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Ngài thật chí Thánh, chí Tôn, đời nọ tới đời kia.
- Chúa hằng xót thương những ai kính sợ Ngài.
- Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
- Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. 
(Lc.1, 49 - 53)

Năm 1995, cựu Hoàng Bảo Đại với tư cách là vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn và đồng thời là người Công Giáo, đã đệ đơn xin yết kiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, để chính thức nói lên lời xin lỗi Chúa và Giáo Hội.

Trong lá thư đề ngày 31/03/1995 gởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II để xin yết kiến, cựu Hoàng đã viết: “Đây sẽ là niềm hạnh phúc cho chúng tôi được quỳ bên cạnh Đấng kế vị Thánh Phêrô để cầu nguyện cho Việt Nam và Giáo Hội đang chịu đau khổ ở đó và qua sự kiện chúng tôi đã được lãnh nhận phép Thánh Tẩy đem lại cho đồng bào chúng tôi niềm xác tín vào tình thương vô biên của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, Đấng an ủi những người đau khổ.

Ngày 24/06/1995, ông và phu nhân đã được Đức Gioan Phaolo II tiếp kiến riêng tại Vatican.

Trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, cựu Hoàng đã sống một cuộc sống an bình của một Kitô hữu ngoan đạo.

Cuối tháng 6/1997 ông bị bệnh nặng và đã ra đi về với Chúa trong an bình tại Quân Y Viện Val de Grace ở Paris ngày 31/07/1997, hưởng thọ 84 tuổi. Thánh lễ an táng được cử hành trang trọng tại Thánh Đường Saint Pierre de Chaillot với sự chủ tọa của Linh Mục Guyard, đại diện Đức Hồng Y Giám Mục Paris. Một lần nữa, bài kinh Magnificat được ngân vang trong Thánh Đường theo ý nguyện của người quá cố. Trong tang lễ, Tổng Thống Pháp Jacques Chirac đã cử đại diện tham dự và điện phân ưu. Về phía Giáo Hội, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Angelo Sordano, đại diện Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II gởi điện phân ưu của Tòa Thánh đến vương phi Monique với lời lẽ như sau:
- Rất đau buồn khi nghe tin Ngài Hoàng Đế Bảo Đại đã từ trần. Trong cảnh đau buồn này, Đức Thánh Cha ủy thác cho tôi gởi tới bà lời phân ưu và niềm cảm thông sâu xa. Đức Thánh Cha xin phó thác Hoàng Đế quá cố trong tình thương của Chúa Kitô Phục Sinh. Chính nơi Ngài Hoàng Đế đã đặt niềm tin của mình. Đức Thánh Cha đã cầu xin Thiên Chúa sớm đưa Hoàng Đế vào cõi bình an và đầy ánh sáng. Để bày tỏ tình hiệp thông với bà cũng như tất cả những ai đang đau buồn trong tang lễ này, Đức Thánh Cha xin gửi tới bà và tất cả thân tộc phép lành đặc biệt của Tòa Thánh….

Câu chuyện cựu Hoàng Bảo Đại đã được ơn trở lại đạo Công Giáo và là người con ngoan đạo của Chúa đã kết thúc tuyệt đẹp, y hệt đoạn kết có hậu của một tác phẩm điện ảnh vĩ đại mà mọi khán giả ngưỡng mộ mong muốn phải diễn ra.
Qua sự kiện này, chúng ta khó có thể phủ nhận rằng: Nếu lịch sử đã không diễn ra như chúng ta đã chứng kiến – cuộc đời vương giả của cựu Hoàng đã bị bánh xe lịch sử đưa đẩy vào con đường gập ghềnh đầy sóng gió, bão táp, lên thác xuống ghềnh bao phen, và cuối cùng bị hất phăng khỏi ngai vàng, quyền lực, danh vọng…. Cuối cùng ông chỉ còn là một con người vô danh, sống thanh đạm trong căn hộ chung cư nằm trên đường Fresnel quận 16 Paris – thì đoạn kết tuyệt đẹp của tác phẩm điện ảnh trên đây đã không diễn ra để thỏa lòng khán giả mộ điệu!

Chúng ta cũng nên biết thêm rằng: Tòa chung cư mà vị cựu Hoàng đã trú ngụ những ngày tháng cuối cùng nằm cạnh khu đồi Công Viên Trocadero, gần đó là ngôi Thánh Đường Saint Pierro de Chaillot. Nhờ vậy mà vào những buổi chiều đẹp trời, ông thường tới lui dạo chơi trong khuôn viên Thánh Đường cho tâm hồn thanh thản. Chính tại nơi đây, Linh Mục Argomathe, Chánh Xứ Chaillot, một nhà trí thức lớn rất thông thạo lịch sử, văn học, đã phát hiện ra cựu Hoàng và cảm thông sâu sắc hoàn cảnh của ông, tìm cách để kết thân thành đôi bạn tâm giao. Từ đó, hai người thường gặp gỡ nhau để trao đổi các vấn đề xã hội, văn học, triết học, lịch sử và cuối cùng họ đã đi sâu vào lãnh vực tư tưởng, tâm linh, tôn giáo và đặc biệt tư tưởng Kitô Giáo…. Nhờ vậy cựu Hoàng tìm gặp được niềm tin Tôn Giáo có ý nghĩa cùng với niềm vui và lẽ sống cho cuộc đời. Từ đó, ông đã nhất quyết gia nhập đạo Công Giáo bất chấp ý kiến không đồng thuận của nhiều người. Cuối cùng, ngày 17/04/1988 ông đã lãnh Bí Tích Thánh Tẩy tại nhà thờ Saint Pierro de Chaillot với tên Thánh Jean Robert.

Để kết luận chúng ta có thể nói rằng: “Đau khổ là điều thông thường không ai muốn, nhưng cũng không tránh né được. Đau khổ xuất hiện trong cuộc sống mỗi người như một tố chất của cuộc sống trong cõi nhân sinh, không ai là không đau khổ, cách này hoặc cách khác, lúc này hoặc lúc khác. Mức độ khác nhau, tính chất cũng không giống nhau. Phật Giáo coi đời là bể khổ, còn Công Giáo khẳng định cuộc sống là thung lũng đầy nước mắt…. Tóm lại, đau khổ bám chặt vào cuộc sống mỗi người gần như là bản chất của cuộc sống vậy. Chính vì vậy mà đau khổ cũng có giá trị tích cực của nó trong cõi nhân sinh, nếu chúng ta biết tận dụng nó như một phương thế giúp chúng ta rèn luyện nhân cách để chúng ta trở nên cứng rắn, bản lãnh, đủ khả năng làm chủ cuộc sống của mình, thể hiện đúng vai trò mà khi tạo dựng nhân loại Thiên Chúa đã trao bao cho chúng ta: “Ngươi hãy làm chủ mọi loài thụ tạo trên mặt đất.” (Sáng Thế Ký)

Lạy Thánh Bổn Mạng Giuse, xin Ngài cầu bầu cùng Chúa ban cho chúng con là những con người hèn hạ, yếu đuối được ơn sức mạnh và khôn ngoan, biết luôn luôn noi gương sáng các Ngài mà sống hết mình vì Chúa và yêu thương mọi người như lời Chúa dạy: “Hãy mến Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính bản thân.”

Tân Phú ngày 13 tháng 08 năm 2012
Lễ Kính Thánh Maximilianô Kolbê
P. Hạ Huyền