atn/16

               Câu chuyện "TRĂM VOI"...      

                                                            Hai Lúa, Tân Phú

 


Mừng bổn mạng Gia Đình AnTôNinh Xóm Mới!

Nhân dịp ANT Xóm Mới chuẩn bị mừng Lễ Bổn Mạng Thánh Linh Mục Gioan Vianey ngày 02/08, Hai Lúa tôi xin được gửi tới anh chị em ATN khắp thế giới, đặc biệt Giáo Hạt Xóm Mới, một câu chuyện vui, khá thú vị trong lúc chia sẻ Lời Chúa trước cộng đoàn, được Linh Mục Chủ Tế khéo léo vận dụng để minh họa cho việc diễn giải Lời Chúa trong Tin Mừng được sinh động và gây ấn tượng sâu đậm trong tâm trí mọi người khi tham dự Thánh Lễ.

Đầu đuôi câu chuyện như sau:

CÂU TRUYỆN “TRĂM VOI…”

“Các ông nghĩ sao? Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho Cha.” Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người con thứ hai và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa Cha, con đây!” Nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của Người Cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” (Mt. 21, 28 – 31)

Cách đây ít ngày tôi có dịp tham dự thánh lễ chiều tại ngôi nhà nguyện của giáo họ Martino. Nhà nguyện của giáo họ không được bề thế, hoành tráng như thánh đường của giáo xứ. Tuy nhiên tinh thần sống đạo của giáo dân rất tốt, các thánh lễ ngày thường mỗi ngày rất đông người tham dự, hầu như các dãy ghế trong nhà thờ đều kín chỗ. Thật đáng quý! Chủ tế thánh lễ hôm đó là một Cha khách khá quen thuộc. Ngài vẫn thường tới dâng thánh lễ cho giáo họ vào những dịp thuận tiện. Cha là một Linh Mục đã trọng tuổi, nên kinh nghiệm và kiến thức mục vụ của Ngài khá phong phú. Điều này rất quý, vì nó giúp giáo dân khi tham dự Thánh Lễ thêm phần sốt sắng.

Khi công bố Tin Mừng trong phần phụng vụ Lời Chúa, Thánh Lễ hôm đó, Cha đã trân trọng đọc trích đoạn Tin Mừng Thánh Mát Thêu chương 21, từ câu 28 -31. Bằng một cung giọng chậm rãi, trịnh trọng, Cha tường thuật lại câu chuyện trong Dụ ngôn “Người Cha và hai con trai” mà ông sai đi làm vười cho ông. Khi chia sẻ Lời Chúa qua nội dung đoạn Tin Mừng, Ngài không dài dòng văn tự, cà kê dê ngỗng, mà chắt lọc ý, từ thật chuẩn xác để phân tích và đánh giá thái độ của hai người con một cách cụ thể, dễ hiểu, dễ nghe, và dễ chấp nhận của mọi người tham dự Thánh Lễ hôm đó:
- Người con thứ nhất đã nói “không” trước yêu cầu của Cha bảo đi làm vườn nho, nhưng sau đó nghĩ lại và hối hận đã ra vườn làm việc như ý Người Cha muốn. Đây là lối hành xử tốt, hợp tình, hợp lý, là bài học quý giá cho mọi người chúng ta suy nghĩ và học tập làm theo.

- Còn người thứ hai, khi Người Cha vừa bảo nó đi làm vười nho, đã mau mắn nói “xin vâng”, nhưng sau đó vì lười biếng hay sao đó, nó đã không đi làm. Đây là lối hành xử sai trái, không có đức vâng lời, không có tình hiếu thảo tôn kính Cha Mẹ, tuy nhiên rất thực tế, rất thường xuyên xảy ra trong cuộc sống. Tuy vậy, đây cũng là bài học tốt về kinh nghiệm sống, giúp chúng ta suy nghĩ và kiểm điểm về lối sống của mình, để xem chúng ta có bao giờ rơi vào tình trạng này không? Nếu có thì mau mắn sửa chữa ngay kẻo làm mất lòng Chúa và mọi người.

Tóm lại, hai lối sống khác nhau đều có thể giúp ta rút tỉa được bài học quý giá về kỹ năng sống ở đời, ngõ hầu chúng ta có thể hoàn thiện hơn trong cuộc sồng đời thường, cũng như cuộc sống thiêng liêng đối với Chúa là Đấng tốt lành, hằng yêu thương chúng ta hết mình, đến độ đã hy sinh mạng sống của Chúa Con để cứu chuộc nhân loại chúng ta khỏi phải chết đời đời! Ơn sâu nghĩa nặng ấy làm sao chúng ta báo đền cho đủ, cho xứng! Ngoài một việc chúng ta có thể và phải làm suốt đời là đấm ngực ăn năn và cầu xin Chúa mở rộng lòng thương xót vô bờ bến của Người đối với chúng ta là những con người phàm hèn.

Trước khi kết thúc bài chia sẻ Lời Chúa ngày hôm đó, Cha Chủ Tế đã khéo léo chốt chặt bài học đã rút tỉa từ Phúc Âm vào đầu óc mọi người khiến khó có ai có thể quên được sau khi rời khỏi nhà thờ bằng cách dí dỏm minh họa thái độ của người con thứ hai trong câu chuyện của Dụ ngôn là thái độ của hạng người vô trách nhiệm, vô tâm, bội ước, thất hứa. Tóm lại là hạng người xấu, không đáng tin cậy trong bất cứ cộng đồng nào, xã hội nào… Đó là hạng người mà xã hội Việt Nam từ thuở xa xưa đã khéo ví von xếp vào hạng người “Trăm voi không được bát nước xáo.” Để tăng thêm độ nhấn cho việc chốt chặt bài học đạo đức từ Phúc Âm vào tâm trí mọi người, Cha giảng thuyết bằng kinh nghiệm sống trong nghệ thuật ẩm thực đã giải thích “nghĩa đen” của câu châm ngôn trên đây một cách rất xác thực và vô cùng thú vị mà nếu không nói ra chắc ít ai biết.

Câu nói “Trăm voi không được bát nước xáo” được hình thành từ óc quan sát tinh tế và tâm hồn trào phúng vô cùng phong phú của người dân Việt khi muốn lên án và đánh giá tư cách, tác phong của một người không đáng tin cậy là hạng người “Trăm voi…”, vì lẽ thịt voi có một đặc điểm khác hẳn mọi thứ thịt của các con thú khác là khi đem đi luộc thì dù có nấu trong bao lâu, các chất đạm trong thịt voi cũng không bị phân hóa, tan biến trong nước làm cho nước luộc ngọt, ngon, thơm… như các thứ thịt khác. Trái lại chúng tồn tại y nguyên trong thịt voi khiến cho nước luộc thịt nhạt nhẽo như nước lã! Bởi đó mà có luộc cả trăm con voi để kiếm bát nước xáo cho ra hồn như luộc thịt các con thú khác như gà, vịt, heo… cũng đành chấp nhận con số “không” mà thôi. Chính đặc điểm này của thịt voi đã tác động tới tâm hồn trào phúng và châm biếm của người dân Việt Nam, dẫn tới việc hình thành câu châm ngôn thú vị trên đây mà cha ông ta dùng làm khuôn thước để đánh giá và lên án phẩm cách của một số người xấu trong xã hội….

Một cách chia sẻ Lời Chúa khá ấn tượng!

Tân Phú, ngày 30/07/2012
Hai Lúa