phiemluan

LỬA MẾN  và một kẻ  “ngoại đạo”

      Lửa Mến được nhiều người quan tâm. Nhưng ở đây, chỉ xin được nói về một kẻ ngoại đạo, một người không ở trong PTTT mà tôi được gặp, đó là “Cha” C. Một kẻ ngoại đạo - như “Cha” thường vui vẻ tự nhận:“… Rất ủng hộ PTTT nhưng không có thì giờ tham gia, thôi thì, tùy sức tùy tâm mà đóng góp. Chúa biết lòng mình, thế đã là quá đủ…”, “Cha” thường nhẹ nhàng tâm sự như thế.

     Sẽ là một thiếu sót không thể tha thứ, nếu nói về Cha. mà không nói về Antônninh – vì Cha là “con nhà Antôninh” là những người đã từng tu học trong Chủng viện, từ Chủng viện Bắc Ninh Đạo Ngạn, đến Phước Lý rồi Thủ Đức. Tuy cùng tu học, song không phải tất cả đều ra trường làm ”Cha đạo”, nhưng một số tương đương còn là những “Bố đời” nữa. Trong một dịp rất tình cờ, tôi được biết con số Cha đạo và Bố đời sấp sỉ ngang nhau ở con số hơn 80 vị. Nhưng dù là Cha đạo hay Bố đời, họ vẫn muốn chan hòa và gắn bó với nhau.

     Thánh Antôn làm quan thày. Thêm chữ Ninh sau đuôi cho tiện nhớ về cội nguồn Bắc Ninh - quê hương quan họ nhà mình ( thực ra đây là ông thánh Tử Đạo Việt Nam tên Ninh có quan thầy là thánh Antôn ). Trong số các Cha đạo, tôi thấy nhiều linh mục rất nổi tiếng và lỗi lạc. Có nhiều vị đạo hạnh và thông thái được nhiều người cả trong đạo lẫn ngoài đời mến mộ. Tất nhiên, cũng không thiếu các vị ít được nghe tên biết tiếng. Nhưng nhìn cái danh sách tuy ngắn ngủi hơn 80 vị, song cũng hiểu được phần nào những đóng góp quan trọng của các Ngài vào lịch sử của Giáo Hội và xã hội. Dù lẫy lừng nổi danh hoặc âm thầm lặng lẽ- nhưng đều là những đóng góp và phục vụ đáng được biết ơn và khâm phục. Nếu hỏi rằng, có thứ bậc nào (tạm gọi thế) dưới linh mục nhưng trên giáo dân trong những kẻ tin Chúa? Phải đáp ngay ngay rằng, đó là những vị tu xuất.

      Câu hỏi có thể gây sốc, vì đã là giáo dân thì làm gì có cao thấp, làm gì có trên dưới.Tất cả đều bình đẳng . Nói như vậy không phải để phân biệt cao thấp , trên dưới ( vì phân biệt làm sao được khi đều là giáo dân cả ) Nhưng chỉ để hiểu họ rõ hơn mà thôi. Linh mục có 7 chức thánh , nhưng tu xuất thì từ 0 đến 3,4 hoặc 5 thậm chí  6 . Cùng lắm là 6 chức rưỡi, nên không là Linh mục . Sáu chức rưỡi là cách nói vui của một chuyện có thật .Vì có vị dù đã dày công tu tập và đủ năm đủ tháng, nhưng vào những giây cuối của phút 89 , lại có sự cố bất ngờ nên không thể lãnh đủ 7 chức , vì thế nói có 6 chức rưỡi là vậy .

      Họ là những người ở nhà TU RA. Chúa không chọn họ làm Cha đạo, song kêu gọi họ trong đấng bậc Bố đời. Ngoài quan thày chung là Thánh Antôninh, họ còn có một Thánh Bonaventura làm quan thày. Hai chữ cuối TURA đồng âm, thường được họ nói lái và chơi chữ thành Bộ lạc TARU để nói về mình một cách hóm hỉnh trào lộng. Bộ lạc TARU là một sắc dân thiểu số của những kẻ TURA. Họ có nhiều cao thủ ở nhiều lãnh vực xã hội, cả trong và ngoài nước. Rất hóm hỉnh và trào lộng, nhưng họ là những cánh tay nối dài rất hiệu quả của các linh mục. Ở các xứ đạo, họ thường là những Ca trưởng hoặc là thành viên HĐMV. Ngay cả khi không phụ trách hoặc nhận nhiệm vụ cụ thể nào trong xứ đạo, họ cũng là những người đầy uy tín với xung quanh.

       Không có PTTT, chắc chắn không có Lửa Mến. Không có linh mục, sẽ không gặp Cha C. sẽ không có dịp tìm biết để có thể “phiếm loạn” về Bộ tộc TARU như lúc này. Cái mắt xích đã đi theo một vòng Domino như thế.

       Người ít tuổi nhất của Bộ lạc cũng đều trên dưới 50. Họ đang đi qua cái ngưỡng mà sách vở bảo rằng: Ngũ thập tri thiên mệnh. Dù vậy, tính hài hước và trào lộng nơi họ không bao giờ thiếu .Cái trào lộng hài hước sâu lắng ,sự sâu lắng của những người đang mang một gánh  tuổi tác trên vai. Cái gánh tuổi tác đã trở nên nhẹ nhàng – cái ách đời sống đã trở nên êm ái – nhờ tinh thần lạc quan và biết yêu người, yêu đời qua những hài hước trào lộng của họ. Cái điều đơn giản ấy thì ai cũng biết rõ, nhưng không có mấy người thực hiện được. Đây là đặc điểm có sức thuyết phục và thu hút nhiều người – trong đó có tôi .

       Có một vị đã nói : Bọn tớ toàn là những kẻ dở người. Nghe vậy, lập tức tôi nhớ đến Trần tế Xương , khi cụ tự trào, tự cười mình :

« Vị Xuyên có Tú Xương

Dở dở lại ương ương. »

      Đọc hai câu này ai cũng thấy trong lòng sảng khoái, nhưng 2 câu tiếp sẽ làm khối kẻ nhăn mặt

« Cao lâu thường ăn quịt

Thổ đĩ lại chơi lường. »

      Ôi ! cụ Tú của làng Vị Xuyên ơi! An quịt với chơi lường có gì hay ho đâu mà cụ lại kể. Sao cụ không giấu đi mà lại tự khai ra giữa bàn dân thiên hạ như thế ? Cụ khờ dại quá thể đi thôi .

Bọn tớ toàn là những kẻ dở người. Từ câu nói gợi ý của Bộ lạc TARU, trí nhớ lại đưa tôi đến gặp Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ông viết :

« Sống có bao năm, vui vui buồn buồn,

Người người ngợm ngợm … »

     Một ai đó đã bảo rằng: Con người là một quả lắc giữa nụ cười và nước mắt. Thật chẳng sai chút nào. Cái vui, cái buồn nó theo nhau, đan xen, hòa quyện, tiếp nối. Nhiều khi thấy mình là người, nhưng cũng có nhiều lúc mình chẳng nhận ra chính mình khi nhìn lại. Chỉ thấy mình là một thứ ngợm nào đó. Rất xa lạ với chính mình .

Từ câu nói của Bộ lạc TARU, sự liên tưởng lại dắt tôi đến với thiên tài Bùi Giáng. Người có hàng loạt biệt danh trào lộng, một số trong các biệt danh ấy là: Thi sĩ Đười Ươi, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi… Kẻ dở hơi, người điên Bùi Giáng đã dịch vô số sách Anh, Pháp, Hán văn của Shakespeare, Saint Exupéry, Ngọa long Sinh…

      Dù là phiếm luận, dù là bàn chuyện phiếm nhưng cũng không thể ra ngoài đề tài. Biết như vậy, nhưng xin hãy tha lỗi cho tôi, nếu tôi không làm chủ được ngòi bút mình để đi hơi xa. Tất cả cũng chỉ từ một câu nói gợi ý mà tôi bỗng trở nên yếu đuối, không cầm được lòng mình.

      Bọn tớ toàn là những kẻ dở hơi. Dở người, ngố ngáo, điên điên. Chẳng ai muốn nhận những cái từ rất dễ xa nhau và mất đoàn kết ấy về phần mình. Nhưng có một cây bút rất quen của Lửa Mến và cũng là một thành viên của Taru, lại rất vui khi được ai gọi như thế. Đó là ông Ngộ Lang. Có một lần Ngộ Lang tâm s : Ong cụ tớ hồi xưa đặt tên tớ là LÁNG. Thế là ngay hôm sau, lập tức đã có kẻ gọi ông là LẠNG NGỐ – NGỘ LÁNG chứ không phải Ngộ Lang. Nghe điện thoại mỗi khi thấy ông trả lời: Lạng Ngố đây – thì biết ngay đó là một người rất thân của ông vừa gọi lại .

Bọn tớ toàn là những kẻ dở hơi. Từ câu nói gợi ý của Bộ lạc TARU, trí nhớ lại bắt tôi quay về với vị tông đồ dân ngoại Phaolô, khi ngài nói về việc rao giảng sự “ điên rồ Thập giá”. Đối với người Hy Lạp từ 2000 năm trước, Thập giá là một sự điên rồ. Ngày hôm nay , tình hình vẫn không đổi khác bao nhiêu. Dù như vậy, từng ngàn năm và ngàn năm đã qua, vẫn có hàng hàng lớp những người đi theo sự “điên rồ Thập giá “ mà Thánh phụ Phao lô đã rao giảng khi xưa. Từ đó mới hiểu được điều mà Hồng Y Nguyễn văn Thuận đã khẳng định:  “Các Thánh là những người điên… vì Chúa . Khôn ngoan thế gian quả không thể làm thánh được .”

Dở hơi mà biết mình dở hơi – nghĩa là không dở hơi. Điên mà biết mình điên – nghĩa là chẳng điên chút nào. Thật khó khăn lắm thay.

*

        Cha C. là TARU nên không phải là linh mục. Nhưng nhiều người vẫn hay gọi anh là Cha vì mái tóc bạc trắng, phong thái đạo mạo, mô phạm mang những nét rất đặc trưng, rất tu sĩ, rất Cha đạo. Gọi như vậy anh rất bực mình, có lần đã phát cáu và nói :

        ...“ Hãy chỉ cho tôi biết có sách giáo lý nào, hoặc ở đâu trong Thánh kinh nói rằng, bí tích truyền chức thánh cao trọng hơn bí tích hôn phối. Tôi là Bố đời không phải Cha đạo. Gọi như vậy là vô tình coi nhẹ và xúc phạm bí tích hôn phối? Cha đạo và Bố đời đều bình đẳng trước mặt Chúa – nếu chu toàn bổn phận mình …”

      Từ lần nổi nóng ấy ít ai gọi anh là Cha, nhưng thỉnh thoảng, vẫn có người gọi C.  là “Cha phó ngày xưa “ vì có thời gian anh đi giúp xứ. “ Cha phó ngày xưa”  thật gần với “Chim sáo ngày xưa” một bản nhạc rất hay – nghe có vẻ nhẹ nhàng và đầy tính văn nghệ. Anh cười không ý kiến .

     “Cha phó ngày xưa” đặc biệt quan tâm đến Lửa Mến. Hỗ trợ tốt, cả vật chất lẫn tinh thần. Anh đọc rất kỹ, từ những mục vui tươi nhẹ nhàng đến cả những bài khô khan khó nuốt của mỗi số. Những ý kiến của anh, dù nhiều khi không là chuyên sâu, nhưng mọi người đều lắng nghe trân trọng. Có cả những xúc động nữa, khi biết rõ rằng, những cố gắng của mọi người trong tập thể Lửa Mến, đang được một trong những “kẻ ngoại đạo “ quan tâm .

      Viết đến đây lại chợt thấy chạnh lòng, khi biết rằng đến lúc này vẫn có người, ở ngay trong PTTT mà không hề biết mình đang có Lửa Mến. Cũng có kẻ tuy biết rõ, nhưng chưa một lần thăm nó, chưa một lần đọc nó. Khen một tiếng cũng vui, chê một câu cũng tốt. Vì có khen có chê là có quan tâm. Không khen mà cũng chẳng chê, một sự bàng quan dửng dưng lạnh lùng. Cái Mến lúc ấy không còn là ngọn Lửa nữa rồi. Nó chỉ còn một Nửa. Mến một Nửa mà thôi. Có gì vui đâu, khi sống chỉ bằng MỘT NỬA của mình?

       Cho đến số này  Lửa Mến đã gần 10 năm tuổi. Mười nă, vẫn còn là nhi đồng, vẫn chưa đủ lớn. Nhưng với những cố gắng của tập thể Lửa Mến, ai cũng  nhận thấy đã có một số kết quả bước đầu khích lệ. Tuy vậy , ai cũng ý thức rõ rằng, đường đi về phía trước đang còn rất dài và rất xa với mong ước của mọi người. Cái rất dài và rất xa ấy, không cá nhân riêng lẻ nào có thể rút lại và thu ngắn được. Phải có sự chăm sóc và quan tâm của tất cả . 

*

       Buổi chiều. Lang thang một mình trên đồi vắng. Ngàn thông đang reo vui rì rào. Ngàn thông đang xôn xao bài ca muôn thưở. Hai mươi độ. Trời không quá lạnh – chỉ vừa đủ để phải mặc áo ấm. Cái lạnh đã trở nên thi vị. Không gian chợt thêm mênh mang và ngập tràn một mùi hương không tên .

Tôi thấy mình chậm chạp đếm bước bên hồ Tịnh Tâm .

Đi bên hồ Tịnh Tâm -  mà nghe Tâm mình chưa Tịnh,

Ngồi trên hồ Tuyền Lâm - nhưng hồn còn nhiều gợn sóng

Xin ướp vào những con chữ này – một chút lạnh của đất trời

nơi Xứ sở mù sương.

Xin gởi vào đây  -  một chút nóng nảy

của ngọn lửa đang cháy bỏng trong lòng

Về Thày Chí Thánh Giêsu

mà Phạt Tạ Thánh Tâm

đang nối tiếp và bước đi theo chân Thày mình .

 

Trần Điền Thăng

Đàlạt – Một chiều xuân