sthd


“SƯ TỬ HÀ ĐÔNG”

 

Phương Thu

Antôninh Con

Hà Đông là tên gọi xứ đạo tôi, một xứ đạo rất bình thường như bao xứ đạo khác trong giáo phận Sài Gòn, nhưng lại không được bình thường đối với những đứa con gái chúng tôi, hai chữ “Hà Đông” nó cứ “vận vào” người chúng tôi suốt những năm tháng tuổi học trò. Bực quá có lân tôi hỏi ba tôi:

-  “Sư tử Hà Đông” là gì hả ba?

- Trời đất ơi, học hành thế nào mà giờ này con còn không biết đến “sư tử Hà Đông”! Nhưng mà làm sao?

- Thì trên trường, động một tí là tụi nó “réo” con là “Sư Tử Hà Đông”.

- Chuyện từ bên Tàu chứ có liên quan gì tới con đâu. Hà Đông mãi tít tận bên Tàu cơ, ở đấy mới có sư tử chứ ở Việt Nam làm gì có, có chăng là trong sở thú.

- Vậy hà cớ chi tụi nó lại « réo » con là sư tử Hà Đông hả ba?

- Trong văn chương chữ « sư tử Hà Đông »  người ta thường ám chỉ người phụ nữ nào hung dữ, nguyên do bắt nguồn từ một bài thơ của Tô Đông Pha viết tặng bạn thân là Trần Quý Thường, hiệu Long Khâu cư sĩ cũng còn được gọi là Phương Sơn Tử. Phương Sơn Tử có vợ là Liễu Thị, tánh nết hung dữ, cộc cằn và hay ghen. Trần Quý Thường thích việc kiếm cung, mỹ tửu và hay kết giao bằng hữu. Mỗi lần nhà mở yến tiệc mời khách, thường đón ca kỹ đến hát xướng mua vui. Liễu Thị nổi ghen nên viện cớ này cớ nọ, quát tháo om sòm để đuổi khách. Trần Quý Thường có lúc hốt hoảng, run tay rớt gậy. Nhân đấy Tô Đông Pha có làm bài thơ sau để bỡn bạn :

“Thùy tự Long Khâu cư sĩ hiền

Đàm Không thuyết Hữu dạ bất miên

Hốt văn Hà Đông sư tử hống

Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên”

 

“Ai hiền bằng cư sĩ Long Khâu

Bàn Không thuyết Có suốt đêm thâu

Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống

Kinh hoàng bỏ gậy rớt nơi đâu”

Sau này tôi nhận ra mình không cô độc, mà tất cả bạn gái trong cùng xứ đều được gắn “mác sư tử Hà Đông” như tôi nên nỗi niềm “uất ức” cũng vơi đi phần nào, do đó không còn bức súc nữa, nhưng tôi lại đâm ra bực mình và không ít lần phàn nàn oán trách cái vị nào đó, đặt tên giáo xứ của tôi là “Hà Đông”. Thiếu gì tên hay tên đẹp không đặt, lại chọn ngay hai chữ “Hà Đông” chết tiệt đó . Đối với Hà Nội ngoài Bắc, xung quanh có, Hà Tây, Hà Bắc, Hà Nam thì Hà Đông còn hợp tình hợp lý, chứ ở hạt Xóm Mới, cái tên Hà Đông không những vừa vô nghĩa, vừa vô lý lại thậm vô duyên nữa, mà còn ảnh hưởng đến nhưng đứa con gái như tôi đây. Tôi thì “cóc cần” nhưng tội nghiệp ba mẹ tôi, năm nay tôi lớn rồi nên ba mẹ tôi rất sốt ruột, lúc nào cũng vào than ra thở bóng gió xa xa:

“Có con mà gả chồng gần

Có bát canh cần nó cũng mang cho”

Hoài con mà gả chồng xa

Một là mất giỗ, hai là mất con

Ôi ba mẹ ơi, cái bát canh cần có gì ngon  mà ba mẹ lại ước ao đến thế, con mà lấy được chồng thì kể gì là bát canh cần, yến sào, vi cá, hải vị trân châu con có tiếc gì với ba mẹ. Đó là tôi chỉ thầm nghĩ thế thôi chứ chả dám hé môi.

Cái cảnh sanh con một bề, chỉ có hai “con vịt giời” nên ba mẹ tôi muốn tôi lấy anh chàng nào đó, hàng xóm càng tốt, vừa được gần con, vừa chứng tỏ “con gái gả được trong lối xóm chứng tỏ là con gái ngoan”. Tôi thì nghĩ ba mẹ tôi quá lạc hậu, chả thích nghi với thời đại tí nào. Mỗi lần có anh chàng nào lối xóm “rắp ranh bắn sẻ” là mừng ra mặt.

-         Ừ, tao xem thằng này được đấy

-         Nhưng mà anh ta chỉ bằng tuổi con

-         Thì “vợ chồng đồng tuổi ngồi ruỗi mà ăn” chả sướng à?

Có lần một ang chàng hơn tôi cả chục tuổi, nếu sánh đôi đi bên nhau trông cứ như là bố với con, thế mà các ngài cũng cố “vê vào”.

“Chồng lớn vợ bé thì xinh

Chồng bé vợ lớn ra tình chị em”

Giời ạ, xem ý ra các ngài chỉ nhắm một tiêu chuẩn: người cùng trong xứ đạo, như thế được cả tiêu chuẩn là cùng tôn giáo, thật là đơn giản, đơn giản đến nỗi một anh chàng thấp bé chỉ đứng đến tai tôi mà các ngài cùng “gật”, tôi bèn bắt chước các ngài ngâm nga:

“Chồng thấp mà lấy vợ cao

Như đôi đũa lệch so sao cho vừa”

Cái chuyện chồng con của tôi nó cứ vất vưởng, xộc xệch như phản long đanh làm sao ấy. Năm nay nhân dịp tết được nghỉ, tôi sẽ:

“Bắc thang lên đến tận trời

Bắt ông nguyệt lão đánh mười cẳng tay

Đánh thôi lại trói vào đây

Hỏi ông Nguyệt Lão nào dây tơ hồng

Nào dây xe bắc xe đông

Nào dây xe vợ xe chồng người ta

Duyên tôi ông cứ tà tà

Tôi thì đốt cửa đốt nhà nhà ông”

 

(Đáng lẽ truyện nay cho đăng vào số xuân vừa rôi, nhưng không còn đất nên nay đăng lên đây coi như “Số ra mắt” vậy, mong “Antôninh Con” thông cảm)