hoadangme

HOA DÂNG MẸ

(Dựa theo một câu chuyện có thật)

Phương Thu

Tôi đang lúi húi sắp lại số hoa nhà vườn vừa mới mang tới thì có tiếng hỏi.

- Chị ơi, chị có đủ hoa 5 mầu không?

Ngước nhìn ra, tôi thấy hai cô bé chừng 14, 15 tuổi đang nghển cỏ dán mắt vào sạp hoa của tôi.

- Hoa gì 5 mầu hở các em?

Cô bé cao hơn vội chữa lại.

- Ý chúng em là năm loại hoa mầu khác nhau: tím, đỏ, xanh, vàng, trắng.

Vừa nói các em vừa chăm chú nhìn các loại hoa đang được trưng trong sạp của tôi, ý chừng muốn tìm xem có đủ các mầu hoa không.

- Các em chỉ cần mầu thôi hay còn kén cả loài hoa nữa?

- Quan trọng là mầu, nếu được loài hoa quí thì càng tốt.

Tôi hơi bối rối vì nhu cầu kỳ cục của khách hàng nên chưa biết trả lời ra sao để không vuột mất mối.

- Thế các em mua nhiều không?

- Vừa đủ cho buổi dâng hoa thôi.

Tuy câu nói của các em không cụ thể nhưng tôi hiểu ra ngay là các em muốn mua hoa để dâng cho Đức Mẹ trong Tháng Hoa.

- Bao giờ thì các em lấy?

- Tối nay, chúng em dâng hoa lúc 7 giờ 00

- Thôi được, để chị kết cho các em 5 giỏ hoa như yêu cầu của các em, khoảng 5 giờ 00 các em đến lấy nhé.

- Bao nhiều tiền hả? chị tụi em không có nhiều tiền đâu.

- Chị bảo thế này nhé, các em cho chị chung với các em dâng hoa cho Đức Mẹ, tiền hoa coi như chị chịu hết, được không? thế trong tuần dâng hoa mấy tối?

- Ba tối: thứ  ba, thứ năm và thứ bảy, thế chị cũng có đạo hả?

- Chị có đạo chứ, ngày xưa bằng tuổi các em chị cũng trong đội dâng hoa đấy.

       Các em cám ơn tôi rồi đi, còn tôi thì miên man nhớ về dĩ vãng

       Làng tôi nằm ven đê sông Hồng, miền trung du Bác Việt, một vùng đất không lấy gì làm trù phú cho lắm. Nhà nào may lắm là đủ thóc ăn đến giáp hạt, đại đa số đều thiếu hụt. Cái ăn đã thế đến cái mặc thì cũng tệ hại không kém. Cái thời buổi tem phiếu, may áo thì khỏi may quần và hễ may quần thì khỏi may áo, cho nên cái từ “đúp bờ lơ”có lẽ có gốc từ tiếng tây nó đã trở thành tiếng Việt rất tự nhiên “vá đúp vá đụp”. Gia đình tôi có 5 anh chị em, ba tôi đã mất. Các anh trai tôi đã có gia đình và ở riêng, còn lại ba mẹ con đàn bà ở với nhau, nên cảnh túng thiếu là chuyện bình thường. Là con gái, cái ăn thì sao cũng xong chứ còn cái mặc đối với chúng tôi rất quan trọng, nhưng mà cái khó nó bó cái khôn, ngay cái áo dài trắng để được vào đội dâng hoa Tháng Hoa cũng là chuyện thiên nan vạn nan đối với gia đình tôi. Có lẽ vì xứ đạo tôi không có cha cả 2, 3 chục năm nay, nên các việc đạo đức như dâng hoa, dâng hạt, Ngắm 15 sự Thương khó Mùa Phục Sinh được tổ chức rất linh đình, để bù vào việc trống vắng thánh lễ, cho nên suất tháng 5 tối nào cũng có dâng hoa.

Xứ tôi thuộc Giáo Phận Bắc Ninh, đất miền quan họ, lẽ đương nhiên việc hát dâng hoa cũng theo làn Quan họ được thống nhất trong toàn Giáo phận theo khuôn khổ nhất định gồm 4 phần:

1 Giáo đầu Thờ lạy Ba Ngôi Thiên Chúa

2. Tiến Dâng

     - a. Tỏ bày

     - b. Năm sắc

     - c. Bảy hoa

3. Cầu xin

4. Tạ ơn

      Việc hát quan họ không có gì khó đối với chúng tôi. Có 2 cái khó đối với chúng tôi, đó là việc tìm kiếm đủ 5 sắc hoa tượng trưng cho 5 nhân đức của Đức Mẹ: đỏ, trắng, vàng, tím, xanh và 7 loài hoa tượng trưng cho 7 phẩm chất, 7 đề tài và cũng là con số 7 tròn đầy được đề cập trong Kinh Thánh: hoa quỳ, hoa sen, hoa lê, hoa cúc, hoa mai, hoa dơn và hoa lan. 5 sắc và 7 hoa như là 12 viên ngọc quý kết lại thành triều thiên dâng Đức Mẹ. Khắp vùng tôi ở, không thấy có chỗ nào bán hoa, vì đất đai còn dành cho việc cấy lúa, trồng khoai, trồng sắn để lấy cái ăn, chứ tìm đâu ra đất để trồng hoa, ăn chả được, bán không ai mua, cho nên muốn có hoa chúng tôi phải đi khắp nơi tìm kiếm, có khi đi cả ngày đường. Việc kiếm hoa tuy khó nhưng còn khả dĩ có thể kiếm được, chứ cái khó thứ hai đó là  áo dài trắng thì đành bó tay.

     Tôi may mắn được thừa hưởng cái áo dài trắng của mẹ tôi ngay xưa, nó vẫn được mẹ tôi giữ gìn cẩn thận phòng cho con cái sau này. Nhưng em tôi thì lấy đâu ra, nó buồn hết sức, còn tôi thì vẫn rất muốn được dâng hoa nên không thể nhường áo cho nó được. Thấy thế mẹ tôi bảo

- Năm trước con được dâng hoa rồi, năm nay con nhường cho em được không?

Tôi dãy nảy lên không chịu, mặc dù tôi rất thương em tôi. Tưởng như bế tắc, may mắn thay, phép mầu đã xảy ra, khiến chị em tôi vui sướng hết sức. Một buổi chiều từ ngoài đồng về, thấy trong nhà tôi rộn rã khác thường, mấy người láng giềng cũng sang chơi, tôi không hiểu chuyện gì nên vòng ra sau nhà vào bếp, gặp em tôi đang đun nước, thấy tôi nó mừng rỡ nói ngay

- Cậu từ trong Nam ra thăm nhà mình.

- Cậu nào?

- Thì cậu Toản em của mẹ, người mà  thỉnh thoảng mẹ vẫn nhắc đó. Nhà tôi chưa bao giờ có người thân ở trong Nam ra thăm bao giờ nên cũng thấy mừng mừng, tuy chưa từng gặp mặt bao giờ. Ấm nước sôi, tôi bảo em tôi để tôi mang lên pha trà, cốt ý để biết mặt cậu thế nào. Thấy tôi sách nước lên mẹ tôi nói ngay với cậu

- Đây là con gái chị vừa ngoài đồng về, nó là chị của con bé lúc nãy cậu thấy. Tôi bẽn lẽn cúi chào. Cậu nhìn tôi cười nói oang oang rất vui vẻ

- Cháu để cậu pha cho, cháu mà pha chắc cậu uống không được, ngoài này uống trà đặc quá, chát xít cả cổ.

Tôi đưa ấm nước cho cậu rồi vội lủi ngay xuống bếp với em tôi

- Chị ạ, cậu mang về nhiều quà lắm, đưa hết cho mẹ cất rồi.

- Em có biết là những gì không?

- Đóng kín trong thùng làm sao mà biết được những gì

- Em sẽ bảo mẹ xin cậu cho em cái áo dài trắng không biết có được không hả chị?

Thì ra em tôi lúc nào cũng chỉ mơ ước cái áo dài trắng thôi.

- Mẹ không muốn phiền ai đâu, và nhất là không muốn ai biết cái cảnh khó khăn túng thiếu của gia đình mình cả.

 Vừa lúc đó mẹ tôi xuống bảo tôi bắt con gà mái đang ấp để làm cơm đãi cậu.

- Nhưng mà nó đang ấp, chỉ còn 2 ngày nữa là nở rồi, đem thịt thì uổng quá.

- Chả thịt nó thì lấy gì để mời cơm cậu mày bây giờ

- Con có bắt được ít cua đây, con chạy sang bác cả xem có trứng mượn đỡ mấy quả là được chứ gì.

- Cậu mày trong ấy ăn uống sung sướng quen rồi chứ có kham khổ như mình đâu mà...

Mẹ tôi vừa nói đến đó thì cậu tôi lù lù xuất hiện sau lưng.

- Mẹ con chị đang nói xấu gì em đấy

- Không có gì đâu em, chị đang bảo các cháu lo cơm nước, trễ rồi còn gì.

- Em về thăm chị và các cháu một tuần lễ, nuôi em là tốn lắm đấy, liệu chị có kham được không?

- Ở bao lâu là tùy em, đừng lo chị không nuôi được em.

- Nói đùa vậy thôi, bình thường gia đình ăn uống thế nào cứ cho em ăn như thế, chị mà bày đặt mua bán này nọ là em bỏ đi ngay đấy.

- Thôi chị xin em, lâu ngày chị em mới có dịp gặp lại nhau, em nỡ nào...

Thế là mẹ tôi nước mắt vòng quanh.

- Chị vẫn như xưa, hơi một tý là rếu nước mắt. An uống là chuyện nhỏ, em có mang đồ ăn rồi, còn hai cháu chỉ việc nấu nồi cơm là xong, à mà có rau gì luộc lên hoặc nấu bát canh càng tốt .

- Cháu có bắt được ít cua cậu ạ.

- Thế thì còn gì bằng, giá mà có rau đay với quả cà nữa thì tốt biết mấy,

- Rau đay với cà ghém thì nhà lúc nào cũng có.

- Oi, thế là nhất trần đời còn gì. cháu phải nấu thêm cơm vào nhé, kẻo không đủ cho cậu ăn đâu.

Cậu tôi rất vui tính nên bữa ăn thật là vui, cậu có mang theo đồ hộp, cậu bảo tôi đun nóng lên cho dễ ăn. Lần đầu tiên chúng tôi được thưởng thức thịt bò hộp, ngọn tuyệt, thế mà cậu tôi không đụng tới món đó, cậu chỉ ăn cà với canh cua, miệng cứ khen rối rít. Cậu còn hỏi xem có bắt được ốc không, vì cậu lâu nay không được ăn. Thấy cậu dễ gần gũi và thân mật, tôi đánh bạo nói với cậu.

- Em cháu nó đang muốn xin cậu cho nó cái áo dài trắng để đi...

Tôi chưa nói hết câu thì mẹ đã lừ mắt nhìn tôi. Không thấy tôi nói tiếp và cậu bắt gặp cái lừ mắt của mẹ tôi, cậu bào.

- Chị hay nhỉ, cứ để cháu nó nói, em là cậu của nó chứ phải người ngoài đâu mà chị cứ kín kẽ thế.

- Sợ nó quấy quả cậu rồi cậu không dám về thăm chị nữa.

- Gì mà quấy với chả quả, cháu nó là con của chị cũng như là con của em, chị cứ để các cháu tự nhiên, khách sáo quá làm mất tình thân cậu cháu còn gì. Khi chưa ra đây em muốn mua quà cho các cháu mà không biết mua gì bây giờ ý các chau thế nào là cậu đáp ứng ngay. Rồi cậu nói với chúng tôi.

- Các cháu cần gì cứ nói cậu biết, gì chứ cái áo dài chỉ là chuyện nhỏ.

Cái từ “chuyện nhỏ” luôn được cậu nhắc tới, hình như cái gì cậu cũng cho là chuyện nhỏ thì phải. Hai ngày sau cậu đưa ba mẹ con tôi đi chơi Hà Nội tiện thể mua sắm luôn. Lần đầu tiên chúng tôi được biết thế nào là Hà Nội, chắc thiên đàng cũng chỉ đến thế này là cùng, người ta sao mà sang trọng đẹp đẽ thế, sung sướng thế. Chúng tôi được cậu mua sắm rất nhiều thứ, trên cả sự mơ ước của chúng tôi. Trước khi về Nam cậu còn cho mẹ tôi một sổ tiết kiệm, tháng tháng có thể rút tiền lời chi tiêu, cậu bảo để tiền mặt ở nhà không có lợi có khi còn nguy hiểm. Cậu cũng cho riêng chị em tôi mỗi đứa một ít tiền, cậu bảo, để tiêu vặt, nhưng đối với chúng tôi đó là số tiền lớn.

Tháng Hoa kề tới, nhóm tôi được phân công kiếm hoa đầu tiên, lẽ dĩ nhiên trong đó có cả em tôi cả thảy 8 chị em. Tờ mờ sáng chúng tôi cơm nắm muối vừng hồ hởi lên đường. Mới đầu trời mát, chân khỏe chúng tôi đi chúm chụm với nhau, chuyện trò xôm tụ. Trưa nắng lên cao, mồ hôi đầm đìa, chân mỏi rã rời nên chúng đi tản mác, em tôi là đứa bé bỏng, yếu đuối nhất trong bọn nên tụt hậu mãi sau đi. Gặp một cây gạo rợp bóng bên đường chúng tôi bảo nhau ngồi nghỉ đợi em tôi. Một lúc sau vẵn không thấy bóng dáng nó đâu, tôi phải quay lại tìm nó. Đi một hồi tôi gặp nó đang ngồi ôm chân bên bờ ruộng, tôi vội chạy lại.

- Em dẫm phải mảnh sành, máu ra nhiều quá.

Tôi vơ vội nắm cỏ mực bên đường nhai ngấu nghiến đắp cầm máu cho nó. Thấy mặt nó tái mét, tôi thấy thương nó quá.

- Lần sau có bị thế này em phải tìm cây cỏ gì đó, tốt nhất là cỏ mực cầm máu rất tốt, nhai rồi đắp vào vết thương là ổn. Nghỉ một lúc, tôi xem lại vết thương của nó thấy không có gì đáng ngại, hai chị em tôi tiếp tục lên đường. Chiều đến chúng tôi kiếm được một số hoa tuy không đầy đủ như ý muốn nhưng được như thế cũng là khá lắm rồi.

Tháng 5 qua được 3 tuần thì thình lình em tôi ngã bệnh, không biết là bệnh gì mà người nó cứ co giật cong cả người lại, trông rất tội nghiệp. Chúng tôi vội đưa em lên nhà thương huyện. Ở đây bác sĩ cho chuyền nước biển, chích thuốc, tôi cũng thấy an tâm. Những lúc tỉnh táo em tôi cứ hỏi là sắp được về chưa, còn mấy bữa dâng hoa nữa. Tôi cứ trấn an em tôi.

- Em yên trí đi, còn những ba bốn bữa nữa lận, chị sẽ đưa em về kịp, nhất là tối thứ bẩy buổi chót thì long trọng phải biết.

Càng ngày bệnh tình em tôi càng nặng hơn, rồi ngày thứ bảy buổi dâng hoa cuối cùng tới thì cũng là ngày bệnh tình em tôi trở nên trầm trọng, sau những cơn co giật, em tôi lại lịm đi. Tôi như ngây như dại chả còn thiết tha gì nữa. Tối đến cũng vào tầm bạn bè tôi dâng hoa ở nhà thờ thì em tôi tỉnh lại. Nó nói nhỏ vào tai tôi.

- Chắc em chết mất, không còn được dâng hoa cho Đức Mẹ nữa chị ạ. Chỉ nói được mấy câu như thế rôi nó lại lịm đi

- Không, em không được chết, em không được bỏ chị, không được bỏ mẹ. Bác sĩ ơi, các cô ơi! cứu em cháu với, Đức Mẹ ơi con không muốn em con chết. Tôi như điên như dại, gào khóc ầm ĩ cả bệnh viện.

Thế là em tôi đã ra đi mãi mãi. Liệm xác em, tôi đã mặc cho nó bộ đồ dâng hoa, bộ đồ đã mang lại cho nó niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời vắn vỏi của nó.